Thay đổi để thích ứng
Theo STDe, hậu Covid-19, với các xu hướng du lịch theo nhóm nhỏ, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sức khỏe, du lịch sinh thái, du lịch tìm về chính mình… sẽ tác động đến quy hoạch không gian, cảnh quan và thiết kế các công trình kiến trúc du lịch cũng thay đổi theo như: mật độ xây dựng thấp, quy mô công trình nhỏ, phong cách kiến trúc xanh, gần gũi và hòa đồng với thiên nhiên, vị trí gần các khu vực có cảnh quan và hệ sinh thái nguyên sơ; đặc biệt, công nghệ 4.0, 5.0… trong tương lai sẽ đóng vai trò chủ đạo trong việc vận hành các loại hình dịch vụ du lịch này. TS. Nguyễn Thu Hạnh - Chủ tịch STDe cho rằng, những doanh nghiệp đi trước đón đầu xu thế sẽ tạo ra những sản phẩm du lịch tuyệt vời thích ứng với nhu cầu thay đổi.
Tại tọa đàm, các nhà quản lý, nhà khoa học, kiến trúc sư, doanh nghiệp… đã tập trung thảo luận 3 nội dung: xu hướng du lịch hậu Covid- 19 tác động như thế nào đến quy hoạch và kiến trúc du lịch; quy hoạch và kiến trúc du lịch cần thay đổi như thế nào; đề xuất hướng đi, giải pháp trước mắt và kế hoạch lâu dài để quy hoạch, kiến trúc du lịch thích ứng với hậu Covid-19 và các biến đổi thiên nhiên xã hội khác.
Bàn về tác động và thay đổi của quy hoạch và kiến trúc hậu Covid-19, GS.TS. Nguyễn Lân - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch đô thị Việt Nam nhấn mạnh dù có thay đổi như thế nào thì quy hoạch, kiến trúc cũng không thể tách rời đời sống. GS.TS. Nguyễn Quốc Thông - Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, quy hoạch đô thị và kiến trúc hậu Covid-19 nên theo hướng giãn cách an toàn, tìm cách sống chung với thiên nhiên, tìm về kiến trúc bản ngã của chính mình, thổi hồn đậm nét phong cách Việt. Đề cập tới vấn đề giãn cách, TS. KTS.Trương Văn Quảng - Phó Giám đốc STDe cũng cho rằng thay vì phải giãn cách xã hội, quy hoạch nên thay đổi theo hướng giãn cách không gian đô thị, quy hoạch các mô hình đô thị xanh sinh thái đưa toàn bộ giá trị dựa vào thiên nhiên, giảm thiểu mật độ cư trú, mật độ xây dựng; theo đó quy hoạch kiến trúc trong các khu du lịch cũng cần thích ứng với giãn cách, sinh thái và 4.0. Để thích ứng không chỉ với dịch bệnh như Covid-19 mà còn lâu dài với các biến đổi thiên nhiên khác, TS.KTS. Lê Quỳnh Chi - Đại học Xây dựng cho rằng quy hoạch, kiến trúc du lịch cần nâng cao trách nhiệm với môi trường hơn, sử dụng các loại vật liệu thân thiện với môi trường, phù hợp với xu hướng thay đổi của du khách mong muốn tìm đến những kiến trúc hài hòa với môi trường thiên nhiên.
Bên cạnh những giải pháp kích cầu của ngành Du lịch nhằm từng bước khắc phục những tác động nặng nề của dịch Covid-19, ThS. Nguyễn Thanh Bình - Phó Vụ trưởng Vụ Khách sạn Tổng cục Du lịch kỳ vọng các nhà khoa học, kiến trúc sư sẽ có những tư vấn, nghiên cứu tiêu chuẩn kiến trúc xanh làm cơ sở cho các nhà đầu tư các mô hình khách sạn xanh, khu du lịch xanh… đáp ứng các xu hướng mới du khách hậu Covid-19 và thích ứng với những biến đổi thiên nhiên về lâu dài.
Bài toán cho sản phẩm du lịch cách ly?
Chia sẻ về các sáng kiến đột phá của STDe về các sản phẩm du lịch mới hậu Covid-19 như du lịch cách ly tìm về chính mình hay du lịch trải nghiệm sống trong đại dịch..., GS.TS. Nguyễn Lân - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch đô thị Việt Nam cũng đồng ý nhận định rằng hiện nay khách quốc tế nếu đi du lịch sẽ ngại nhất tình trạng tới điểm du lịch phải cách ly 14 ngày, sau đó về địa phương tiếp tục cách ly 14 ngày nữa, do đó giải pháp coi 14 ngày cách ly là thời gian để khai thác du lịch là giải pháp góp phần khắc phục hiện trạng này. Theo đó, các quy hoạch, kiến trúc không gian cho khách quốc tế như những bãi biển, khu sinh thái, khách sạn... không chỉ cần đủ điều kiện về cảnh quan thiên nhiên, mà còn đáp ứng đủ điều kiện y tế về cách ly.
Đề cập đến mô hình các làng, PGS.TS. Phạm Hùng Cường - nhà nghiên cứu về làng quê cho rằng, hậu Covid-19 là cơ hội để phục hồi các giá trị truyền thống của các làng quê, với tính bền vững tồn tại hàng trăm năm. Bên cạnh đó, thông qua đại dịch, một giá trị mới của các làng quê được bộc lộ đó là tính thích nghi với các vấn đề bất thường, nói theo thuật ngữ của kiến trúc là tính phục hồi, tinh giảm thiểu, thích ứng rất tốt. Điều đó cũng là gợi ý cho những quy hoạch và kiến trúc phù hợp hơn trong tương lai, nhằm thích ứng với các xu hướng du lịch sống chậm, du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp nông thôn, du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, trở về với thiên nhiên, trải nghiệm homestay… dự báo sẽ phát triển giai đoạn hậu Covid-19.
Với ý tưởng về sản phẩm du lịch cách ly hậu Covid-19, STDe cũng đã và đang đầu tư nghiên cứu một cách chi tiết nhằm cung cấp các trải nghiệm hoàn toàn mới, phù hợp với bối cảnh mới cho du khách sau đại dịch, hướng tới mục tiêu giúp con người có được sự bình tĩnh, lạc quan và thái độ sống tích cực trước những thách thức, cam go của đại dịch và của nhiều biến động thiên nhiên xã hội khác. Theo STDe, du khách tham gia loại hình du lịch này sẽ ở trong những khu du lịch có mật độ thấp, nhà nghỉ độc lập, tự cung tự cấp (resort, nhà nghỉ nông thôn, khu du lịch sinh thái) để trải nghiệm cuộc sống cách ly, hòa mình vào thiên nhiên, tự cung, tự cấp, tự chăm sóc để vượt qua sự tấn công của dịch bệnh; ăn các món ăn đặc biệt để phòng chống virus… Do đó, quy hoạch không gian, kiến trúc của các khu du lịch, những khách sạn, ngôi nhà lưu trú… cũng cần phải thay đổi đặc biệt hơn theo hướng thích nghi với dịch bệnh và các biến đổi thiên nhiên. Tuy nhiên, để sản phẩm có thể có tính khả thi trong thực tế, rất cần sự chung tay cũng như thay đổi tư duy của tập thể các nhà quản lý, chủ đầu tư, nhà quy hoạch, kiến trúc sư, doanh nghiệp… và các bên liên quan.
Trước tình hình dịch Covid-19 trên thế giới vẫn còn đang diễn biến phức tạp, kỳ vọng những nghiên cứu và sáng kiến đột phá của STDe sẽ góp thêm các phương án thiết thực góp phần giải bài toán mở cửa đón khách quốc tế trở lại của ngành Du lịch trong thời gian tới.
Hạ Tinh