Qua đánh giá từ hoạt động tuyển dụng của các đơn vị khách sạn, công ty lữ hành cho thấy các sinh viên du lịch mới ra trường còn gặp phải một số hạn chế như: khả năng sử dụng ngoại ngữ trong môi trường làm việc còn chưa tốt, chưa tạo được tác phong làm việc chuyên nghiệp, kỹ năng và phương pháp làm việc chưa khoa học…
Nguyên nhân là bởi các sinh viên chuyên ngành Du lịch được đào tạo tiếng Anh và tiếng Anh chuyên ngành nhưng phạm vi thực hành giao tiếp chưa nhiều nên khả năng giao tiếp ngoại ngữ không cao. Bên cạnh đó, khi học trong trường, các sinh viên chưa quan tâm đến kỹ năng mềm mà chỉ quan tâm đến các môn học chuyên ngành được đào tạo để có cơ hội được nhận vào làm việc ở doanh nghiệp, nhà trường cũng giảng dạy kiến thức lý thuyết nhiều hơn là đào tạo kỹ năng mềm cho sinh viên. Ngoài ra, sinh viên ra trường thường không tìm hiểu kỹ về môi trường làm việc mà mình muốn xin việc nên không cho biết mình sẽ làm được gì để tương ứng với mức lương đề nghị. Sinh viên khi ra trường cũng ít quan tâm tìm hiểu mối liên hệ giữa các phòng, ban để hiểu cách hoạt động nhằm phối hợp, thu thập và xử lý thông tin hiệu quả…
Một số giải pháp nhằm nâng cao kỹ năng mềm cho sinh viên du lịch đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội nói chung và doanh nghiệp du lịch nói riêng:
Thứ nhất, tập trung đào tạo ngoại ngữ cho sinh viên du lịch
Đào tạo chuyên ngành ngoại ngữ tiến tới không chỉ thông thạo một ngoại ngữ mà còn có thể định hướng cho sinh viên đầu tư và học tiếp các ngôn ngữ tiếp theo. Tuy nhiên, các bạn sinh viên phải thông thạo giao tiếp ít nhất 1 ngoại ngữ tiếng Anh để có thể giao tiếp và làm việc trong các vị trí quản lý, điều hành hoặc hướng dẫn. Ngoại ngữ là cánh cửa mở ra nhiều cơ hội giao tiếp, tiếp xúc với thế giới bên ngoài, đặc biệt với ngành Du lịch, ngoại ngữ là công cụ quan trọng để giúp cho các sinh viên khi vào công việc chủ động và tự tin.
Thứ hai, liên kết đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp
Nhà trường hợp tác trực tiếp với các doanh nghiệp du lịch trong việc gửi sinh viên đi thực tập, thực tế nghề nghiệp. Được tiếp cận trực tiếp với các công việc tại doanh nghiệp sẽ giúp sinh viên có cơ hội thực hành nghiệp vụ, tự tin trong giao tiếp cũng như trau dồi thêm các kỹ năng cần thiết cho công việc thực tế sau khi ra trường.
Nhà trường giới thiệu sinh viên giỏi cho doanh nghiệp để doanh nghiệp có thể tặng học bổng cho sinh viên và sinh viên cam kết làm việc tại doanh nghiệp một thời gian nhất định sau khi ra trường. Hoặc doanh nghiệp cũng có thể có kế hoạch tuyển dụng và đào tạo trước những sinh viên được lựa chọn về làm việc ngay sau khi ra trường.
Thường xuyên mời các doanh nghiệp về chia sẻ kinh nghiệm, thông tin và định hướng nhu cầu tuyển dụng để các em sinh viên nhận được thông điệp và điều chỉnh học tập theo đúng nhu cầu doanh nghiệp cần, tạo thuận lợi cho công tác xin việc sau khi tốt nghiệp.
Nhà trường có thể tham khảo các yêu cầu và kỹ năng phục vụ công việc mà doanh nghiệp cần để có điều chỉnh, bổ sung hoặc điều tiết chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp.
Thứ ba, tăng cường đào tạo các kỹ năng mềm, giảm giờ lý thuyết, tăng giờ thực hành
Nhà trường nên đưa thêm môn học về thực hành sử dụng thiết bị văn phòng; tăng cường đào tạo, kiểm tra và đánh giá kỹ năng sử dụng vi tính văn phòng, kỹ năng soạn thảo văn bản theo quy định, kỹ năng đọc, tìm và nghiên cứu vận dụng các văn bản quy phạm pháp luật, kỹ năng soạn thảo hợp đồng…
Thay đổi hình thức thi học phần theo hướng mở để sinh viên tự do tìm kiếm tài liệu và xử lý thông tin. Hình thức này sẽ giúp sinh viên sẽ học được nhiều hơn bên cạnh các hình thức thi viết hiện nay. Đồng thời, giúp sinh viên nâng cao kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng nói, kỹ năng thuyết trình trước đám đông và trình bày vấn đề khoa học.
Thứ tư, giảng viên cần tiên phong trong việc sử dụng công nghệ, cập nhật thông tin mới vào bài giảng giúp cho sinh viên hứng thú với môn học
Thứ năm, chú trọng phát triển, xây dựng nhân cách và rèn luyện cho sinh viên có kỹ năng quan sát, ý thức tự giác, có tính kỷ luật và đạo đức nghề nghiệp
Sự phát triển của ngành Du lịch hiện nay đòi hỏi các sản phẩm du lịch phải có chất lượng cao, nhân viên du lịch phải có thái độ tốt, khả năng giao tiếp, xử lý tình huống, khả năng chịu áp lực tốt… nhằm đáp ứng nhu cầu càng cao của khách du lịch. Vì vậy, việc nâng cao kỹ năng mềm cho sinh viên du lịch ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường là vô cùng cần thiết trong giai đoạn hiện nay.
Tài liệu tham khảo:
1. PGS.TSKH. Bùi Loan Thùy, PGS.TS Phạm Đình Nghiệm (2010), Giáo trình kỹ năng mềm, Nhà xuất bản TP. Hồ Chí Minh
2. PGS.TS. Dương Thị Liễu (2011), Giáo trình kỹ năng thuyết trình, NXB Đại học Kinh tế quốc tế
3. The importance of soft skills: Education beyond academic knowledge, Bernd Schulz.
ThS. Nguyễn Văn Tương