Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam chia sẻ, thời gian qua, cùng với việc thực hiện xây dựng nông thôn mới, hoạt động du lịch nông nghiệp, nông thôn đã xuất hiện tại nhiều địa phương. Cùng với các loại hình du lịch truyền thống, du lịch nông nghiệp nông thôn đã và đang ngày càng phát triển nhanh với nhiều mô hình tour du lịch độc đáo, hấp dẫn du khách. Bên cạnh đó, du lịch nông nghiệp, nông thôn còn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá dân tộc, bảo vệ môi trường từng bước làm cho du lịch nói chung và du lịch nông nghiệp, nông thôn nói riêng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.
Phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn được xác định là một giải pháp động lực thúc đẩy xây dựng nông thôn mới bền vững. Phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn hiệu quả sẽ góp phần thực hiện đồng thời hai mục tiêu là phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và đạt mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới bền vững.
Tại hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Ngô Hoài Chung đã có bài báo cáo về thực trạng và định hướng phát triển các loại hình du lịch nông nghiệp, nông thôn. Về giải pháp để phát triển loại hình du lịch nông nghiệp, nông thôn Phó tổng cục trưởng Ngô Hoài Chung đã đưa ra những giải pháp sau: các địa phương cần có đề án quy hoạch các khu vực đủ điều kiện phát triển du lịch; nghiên cứu, ban hành hành lang pháp lý, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn; nâng cao nhận thức về phát triển du lịch gắn với nông thôn mới; đẩy mạnh liên kết phát triển du lịch; quản lý điểm đến, kiểm soát chất lượng dịch vụ; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho hoạt động du lịch nông thôn; đổi mới công tác truyền thông quảng bá sản phẩm du lịch nông thôn.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thuỷ khẳng định du lịch nông nghiệp, nông thôn đã đem lại lợi ích, vai trò quan trọng với hai bộ NN-PTNT và VHTTDL trong thời gian qua đã đạt được kết quả rất đáng khích lệ. Tuy nhiên, việc phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn vẫn còn nhiều khó khăn, chưa tương xứng với vai trò, tiềm năng trong phát triển kinh tế xã hội.
Vì vậy, thời gian tới, cần định hướng và có sự phối hợp giữa hai bộ ngành để đạt kết quả tốt hơn trong việc phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn. Theo đó, Bộ VHTTDL đề xuất, tập trung vào 3 định hướng lớn để đưa ra giải pháp chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Trước hết cần ưu tiên phát triển đồng bộ hệ thống điểm đến du lịch nông nghiệp, nông thôn từ cơ sở vật chất đến kĩ thuật, hạ tầng để đảm bảo điều kiện xây dựng sản phẩm du lịch hài hoà, phù hợp với điều kiện của từng vùng miền; khai thác các giá trị ưu thế nổi trội, khác biệt gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của địa phương; nghiên cứu gia tăng giá trị của các sản phẩm du lịch để giữ chân và thu hút chi tiêu, tiêu dùng từ du khách.
Ngoài những định hướng nêu trên, Thứ trưởng Trịnh Thị Thuỷ còn đưa ra một số giải pháp nhằm tập trung ưu tiên nguồn lực phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn như phát triển nguồn nhân lực; phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, cơ sở lưu trú; hỗ trợ địa phương xúc tiến quảng bá điểm đến, sản phẩm du lịch; đặc biệt cần phối hợp liên ngành giữa hai bộ NN-PTNT và VHTTDL từ đó nâng cao vai trò chủ động của địa phương.
Trong khuôn khổ hội thảo, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam và Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thuỷ đã ký kết chương trình phối hợp xây dựng đời sống văn hoá, phát triển du lịch nông thôn, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hoá trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.
Thu Thảo