Tiếp cận du lịch thông minh của các địa phương tại Việt Nam
Đã có nhiều điểm nhấn mang tính đột phá…
Để hiểu và nắm bắt được xu thế phát triển cũng như có những giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ nhằm phát triển du lịch thông minh, cơ quan quản lý du lịch các cấp tại Việt Nam đã phối hợp với các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong và ngoài nước tổ chức các hội thảo, hội nghị, tọa đàm xoay quanh chủ đề này. Tiếp cận du lịch thông minh từ các hội nghị, hội thảo là hết sức cần thiết và có ý nghĩa quan trọng để các địa phương của Việt Nam hiểu được bản chất, nắm bắt được những vấn đề đặt ra cho quá trình phát triển du lịch thông minh.
Trong thời đại công nghệ số 4.0, việc hỗ trợ cung cấp thông tin du lịch thông qua các hệ thống website, cổng thông tin, trang thông tin điện tử, báo điện tử có ý nghĩa quan trọng đối với khách du lịch, doanh nghiệp, cộng đồng và công tác quảng bá hình ảnh du lịch của địa phương. Hệ thống website du lịch tại các địa phương chủ yếu được chia thành 3 nhóm: nhóm website quản lý nhà nước về du lịch, nhóm website kinh doanh du lịch và nhóm website thông tin du lịch. Phát triển hệ thống website du lịch tại các địa phương là một trong những nhiệm vụ quan trọng để xây dựng và phát triển du lịch thông minh bởi nó là môi trường giao tiếp chủ yếu giữa nhà quản lý - doanh nghiệp - khách du lịch và giữa khách du lịch với các điểm đến trong bối cảnh công nghệ số. Ngày nay, với sự phát triển của công nghệ hiện đại có thể cho phép các nhà lập trình thiết kế, tích hợp nhiều tính năng, tiện ích đa dạng trên nền tảng web hỗ trợ các hoạt động du lịch như: bản đồ du lịch điện tử, chức năng booking online, thanh toán trực tuyến, tư vấn trực tuyến, chăm sóc khách hàng trực tuyến, các chức năng quy đổi tiền tệ, dự báo thời tiết… thậm chí có thể tạo ra sự tương tác trực tiếp của khách du lịch như góp ý, phản ánh, bình luận về các sự kiện du lịch.
Bên cạnh đó, để phát triển du lịch thông minh, cần thiết phải phát triển và hoàn thiện hạ tầng mạng bởi đây là điều kiện quan trọng để triển khai các hoạt động du lịch online. Nhận thức được điều này, nhiều địa phương trong cả nước đã và đang triển khai lắp đặt các trạm phát wifi miễn phí.
Vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập…
Tồn tại trong nhận thức: Hầu hết các địa phương của Việt Nam vẫn đang trong tình trạng loay hoay với du lịch thông minh, chưa nắm rõ được mô hình và bản chất của du lịch thông minh. Thậm chí, cách hiểu về du lịch thông minh của mỗi địa phương còn có sự khác biệt, thiếu tính nhất quán. Nguyên nhân là do du lịch thông minh đang là xu thế mới, chưa có địa phương nào xây dựng thành công du lịch thông minh để làm bài học kinh nghiệm cho các địa phương khác.
Tồn tại trong hành động: Nhiều địa phương đã và đang triển khai các giải pháp phát triển du lịch thông minh nhưng các hoạt động này diễn ra lẻ tẻ, manh mún, thiếu tính đồng bộ, chưa có những giải pháp căn cơ, chưa có quy hoạch, kế hoạch, chiến lược cụ thể. Đa số các hoạt động đầu tư phát triển du lịch thông minh còn mang tính kinh nghiệm, bộc phát, dẫn đến đầu tư thiếu trọng điểm, hiệu quả mang lại chưa cao. Nguyên nhân của vấn đề này, một phần do thiếu các cơ sở khoa học để làm căn cứ tham chiếu cho hành động, một phần do thực tế tình hình phát triển du lịch ở mỗi địa phương khác nhau nên phải thực hiện các giải pháp du lịch thông minh dựa theo thế mạnh du lịch của địa phương mình.
Tồn tại trong công tác chuẩn bị: Phát triển du lịch thông minh có thể coi là “cuộc cách mạng trong ngành Du lịch”, muốn thành công phải có sự chuẩn bị các điều kiện cần và đủ cho nó. Tuy nhiên, đa số các địa phương của Việt Nam khi triển khai du lịch thông minh đều tập trung vào giải pháp can thiệp công nghệ - tức là sản xuất và áp dụng các phần mềm, tiện ích thông minh mà chưa tính đến các điều kiện cần và đủ để vận hành nó. Nguyên nhân chủ yếu nằm ở vốn đầu tư, đầu tư cho hạ tầng rất tốn kém và cần thời gian. Vì thế, chỉ các địa phương có điều kiện kinh tế phát triển mới có khả năng đầu tư mạnh cho hạ tầng (Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng), nhiều địa phương giàu tài nguyên du lịch nhưng yếu tiềm lực kinh tế cũng chưa thể thực hiện chiến lược phát triển du lịch thông minh (Lào Cai, Ninh Bình, Thanh Hóa, Quảng Bình, Lâm Đồng).
Tồn tai về trình độ công nghệ: Để phát triển du lịch thông minh, yếu tố công nghệ giữ vai trò quan trọng nhất. So với các quốc gia trên thế giới, Việt Nam chưa phải là quốc gia có trình độ công nghệ phát triển. Vì thế, việc nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm công nghệ ứng dụng cho du lịch vẫn còn nhiều hạn chế.
Cần giải pháp đồng bộ
Những giải pháp căn bản để phát triển du lịch thông minh tại các địa phương của Việt Nam trong thời gian tới có thể kể đến mấy điểm chính như sau:
Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, trao đổi khoa học, khuyến khích các nhà khoa học tham gia vào nghiên cứu phát triển du lịch thông minh tại địa phương; tổ chức các hội thảo, hội nghị, tọa đàm về du lịch thông minh; lắng nghe, tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học nhằm làm sáng tỏ cơ sở lý luận và thực tiễn về phát triển du lịch thông minh tại địa phương.
Thứ hai, chính quyền địa phương, đặc biệt là các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch phải triển khai xây dựng được các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển du lịch thông minh tại địa phương để có phương hướng rõ ràng trong việc triển khai thực hiện.
Thứ ba, phải chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về hạ tầng mạng, hạ tầng phần cứng, hạ tầng phần mềm, hạ tầng nhân lực, vốn và công nghệ trước khi triển khai để đảm bảo tính hợp lý và hiệu quả.
Thứ tư, nên triển khai mô hình thí điểm trước rồi mới triển khai đồng bộ trên diện rộng. Nơi được chọn thí điểm phải đại diện cho du lịch của địa phương, có lượng khách du lịch lớn và coi việc thí điểm này là “mô hình du lịch thông minh thu nhỏ” của địa phương.
Thứ năm, tích cực kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả mô hình thí điểm, rút kinh nghiệm và có phương án cải tiến, sửa chữa để hoàn thiện và nhân rộng mô hình trên địa bàn tỉnh.
Tài liệu tham khảo
1. Lê Quang Đăng (2016), Ứng dụng công nghệ thông tin nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch tại Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu Khoa học Kiểm toán, số 109, tháng 11 năm 2016, tr.42-47.
2. Lê Quang Đăng, Nguyễn Anh Chuyên (2017), Giải pháp phần mềm quản lý hệ thống thông tin du lịch: Trường hợp nghiên cứu cụ thể tại tỉnh Thái Nguyên, Tạp chí Nghiên cứu Khoa học Kiểm toán, số 112, tháng 03 năm 2017, tr.36-44.
3. Lê Quang Đăng (2017), Công nghệ thông tin du lịch và một số vấn đề đặt ra đối với du lịch Việt Nam, Tạp chí Kinh tế và Quản lý, số 21, tháng 03 năm 2017, tr.35-40.
4. Chỉ thị số 16/2017/CT-TTg ngày 04/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư…
|
TS. Lê Quang Đăng