Đà Nẵng là thành phố có nền tảng chắc chắn để tiến hành mô hình du lịch cộng đồng thân thiện, văn minh. Đây là địa phương điển hình trong cả nước về những thành tựu đạt được trong công tác xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị. Với nền tảng này, nhiệm vụ xây dựng cộng đồng du lịch thân thiện, văn minh, hướng đến xây dựng thương hiệu du lịch thành phố gặp nhiều thuận lợi ngay từ khi triển khai, nhận được sự hưởng ứng của cả cộng đồng.
Đà Nẵng đã ban hành bộ Quy tắc ứng xử trong hoạt động du lịch trên địa bàn thành phố Đà Nẵng quy định về chuẩn mực ứng xử của các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực du lịch và các ngành liên quan đến du lịch, người dân địa phương, khách du lịch khi tham gia vào các hoạt động du lịch trên địa bàn thành phố. Một số nội dung của Bộ Quy tắc đã được chọn lọc để hình ảnh hóa và dịch ra các ngôn ngữ tiếng Anh, tiếng Trung Quốc và tiếng Hàn Quốc, cung cấp cho khách du lịch những thông tin cơ bản về văn hóa ứng xử tại điểm đến và khuyến nghị những hành vi không phù hợp, hướng đến mục tiêu làm tốt đẹp hơn giữa du khách và điểm đến Đà Nẵng.
Trung tâm hỗ trợ du khách được thành lập, thiết lập đường dây nóng thông qua Tổng đài dịch vụ công 1022 của thành phố Đà Nẵng để tiếp nhận, xử lý thông tin và phản ánh của khách du lịch; đồng thời, cung cấp cho du khách các thông tin liên quan đến dịch vụ du lịch, lưu trú, cơ sở ăn uống đạt chuẩn trên địa bàn…
Tổ Phản ứng nhanh du lịch được thành lập tháng1/2017 có nhiệm vụ tiếp nhận, xử lý thông tin do người dân và du khách cung cấp, nhằm đảm bảo an toàn, an ninh trật tự trong hoạt động du lịch; kiểm tra liên ngành trong phạm vi hoạt động du lịch và các hoạt động có liên quan đến khách du lịch…
Từ năm 2006 đến nay, Sở Du lịch Đà Nẵng đã phối hợp với các Sở, ngành liên tục triển khai các khóa đào tạo “Nụ cười thân thiện” cho các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, tập trung đối với các hộ kinh doanh dịch vụ du lịch ven biển, các khu điểm du lịch, các lái xe taxi trên địa bàn thành phố, các tiểu thương tại chợ Hàn, Chợ Cồn - nơi tập trung đông khách du lịch thành phố.
Đà Nẵng cũng đã phát động chiến dịch “Nụ cười Đà Nẵng” với thông điệp “Chung tay vì một Đà Nẵng ngày càng văn minh, thân thiện và mến khách” với mong muốn xây dựng và hình thành thói quen, hành vi ứng xử văn minh, thái độ lịch sự, thân thiện của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức làm việc trong ngành Du lịch và các ngành liên quan đến hoạt động du lịch, đội ngũ lao động của các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch và các ngành dịch vụ khác liên quan góp phần tạo ấn tượng tốt đẹp đến du khách khi đến với thành phố Đà Nẵng.
Tại Đà Nẵng còn có đội ngũ xe ôm thân thiện ra đời vào năm 2013 do Công ty Cổ phần Dịch vụ Vận tải thân thiện thành phố Đà Nẵng thực hiện. Mô hình dịch vụ xe ôm thân thiện đang dần chiếm được tình cảm của người dân và du khách khi tham quan với nhiều tính năng vượt trội như trên mỗi xe đều được trang bị đồng hồ tính cước, bảng niêm yết giá, số điện thoại đường dây nóng. Bằng hệ thống định vị GPS và phần mềm quản lý phương tiện, người lái xe được hướng dẫn đi theo quãng đường ngắn nhất, lộ trình chi tiết, không có thất thoát, gian lận đối với khách đi xe.
Đặc biệt, Đà Nẵng đã phát động và triển khai thành công Chương trình nhà vệ sinh miễn phí cho du khách với khẩu hiệu “Thoải mái như ở nhà”. Chương trình đã vận động các hộ kinh doanh du lịch tại khu vực trung tâm thành phố cho sử dụng miễn phí nhà vệ sinh. Đây là việc làm đã góp phần tạo nên hình ảnh Du lịch Đà Nẵng văn minh, an toàn và thân thiện.
Với mục tiêu “Mỗi người dân là một đại sứ du lịch của Đà Nẵng”, ngành Du lịch Đà Nẵng chú trọng xây dựng thái độ thân thiện của người dân đối với du khách. Người dân đã tạo nên cảm giác hạnh phúc, yên tâm cho du khách khi lưu trú tại Đà Nẵng.
Tuy nhiên, trong công tác xây dựng mô hình du lịch cộng đồng thân thiện, văn minh ở Đà Nẵng vẫn còn những hạn chế như: cộng đồng thân thiện, văn minh vẫn chủ yếu nằm ở các đối tượng làm việc liên quan đến hoạt động du lịch, chưa lan tỏa trong cộng đồng lớn là toàn thể người dân Đà Nẵng và những người đến Đà Nẵng sinh sống và làm việc; hay du khách quốc tế tìm hiểu các thông tin từ người dân ở Đà Nẵng cũng rất khó khăn khi khả năng ngoại ngữ của một số người làm công tác du lịch và người dân còn yếu; nạn chặt chém du khách ở các chợ không niêm yết giá, nạn xả rác ở các địa điểm du lịch; ứng xử không văn hóa với du khách... vẫn còn.
Để Du lịch Đà Nẵng ngày càng phát triển bền vững, thực sự trở thành nơi lý tưởng, hấp dẫn của du lịch cộng đồng thân thiện, văn minh cần một số giải pháp:
Thứ nhất, cần lan tỏa nhận thức về tầm quan trọng của phát triển du lịch đến người dân toàn thành phố. Khi du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố nghĩa là mỗi người dân cũng được hưởng lợi.
Thứ hai, trong chính sách phát triển du lịch, cần quan tâm những nỗ lực làm hài lòng du khách phải hài hòa với lợi ích của người dân địa phương. Du khách có quyền hưởng thụ những dịch vụ tốt nhất để vui chơi, thư giãn, thì người dân địa phương cũng phải được sống thoải mái và được thụ hưởng đúng như vậy.
Thứ ba, tổ chức những lớp bồi dưỡng ngoại ngữ cho đội ngũ làm trong ngành Du lịch và các lớp ngoại ngữ giao tiếp đơn giản, ngắn hạn tại các cộng đồng dân cư có các địa chỉ tham quan du lịch.
Thứ tư, tạo ý thức tham gia tự nguyện vào các hoạt động giữ gìn môi trường, góp phần nâng cao nhận thức của mọi người về bảo vệ môi trường cho thành phố, tạo nên diện mạo thành phố xanh, sạch, đẹp trong mắt du khách.
ThS. Nguyễn Thị Triều