Phát biểu tại chương trình, Đại sứ nước Cộng hòa Ấn Độ tại Việt Nam - Pranay Verma cho biết: Đây là một hoạt động nằm trong Chiến dịch “Ấn độ diệu kỳ 2.0” đã được Bộ Du lịch Ấn Độ khởi động vào tháng 9/2017, nhằm đưa chương trình xúc tiến và quảng bá lên một tầm mới với việc chuyển dịch các hoạt động xúc tiến trên toàn thế giới sang hoạt động xúc tiến trọng tâm tại các thị trường cụ thể.
Theo báo cáo của Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC), Ấn Độ xếp thứ 3 trong bảng xếp hạng Power Ranking và nhảy từ vị trí thứ 7 lên vị trí thứ 3 trong năm 2018. Triển vọng của ngành Du lịch Ấn Độ rất sáng sủa với chỉ số khách du lịch nước ngoài tới Ấn Độ FTA ngày càng tăng. Một trong những mục tiêu hiện nay của Du lịch Ấn Độ là khuyến khích tăng lượng khách du lịch từ Việt Nam qua các cách tiếp cận đa chiều.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam (TCDL) Ngô Hoài Chung bày tỏ sự ấn tượng, đồng thời chúc mừng những kết quả phát triển và tốc độ tăng trưởng kinh tế, du lịch của Ấn Độ trong thời gian vừa qua. Trong 3 năm gần đây, tốc độ tăng trưởng về trao đổi khách giữa Việt Nam - Ấn Độ tăng cao, trung bình khoảng 30%/năm. Năm 2018, trao đổi khách giữa hai nước đã đạt trên 163 nghìn lượt; trong đó, khách Việt Nam đi du lịch Ấn Độ hơn 31 nghìn lượt và khách Ấn Độ đến Việt Nam đạt trên 131 nghìn lượt.
Ấn Độ có 38 di sản văn hóa thế giới UNESCO, là điểm đến của sự khám phá với văn hóa và di sản cổ đại, phương pháp điều trị bệnh cổ truyền, điểm đến tự nhiên với 70% địa điểm thuộc dãy núi Himalaya và hơn 7.500km đường bờ biển, các hồ nước, thảo nguyên, hệ động thực vật đa dạng, cơ sở khám chữa bệnh quốc tế và nhiều yếu tố khác…, đặc biệt là du lịch tâm linh phật giáo phong phú góp phần đưa Ấn Độ trở thành điểm đến yêu thích của khách du lịch, trong đó có du khách Việt Nam.
Giới thiệu về các loại hình du lịch cũng như các sản phẩm, điểm đến đa dạng tại Ấn Độ, Tổng Vụ trưởng, Cố vấn kinh tế Bộ Du lịch Ấn Độ - Gyan Bhushan cho biết: Bộ Du lịch Ấn Độ cũng đã đưa ra sáng kiến nhận diện, đa dạng hóa, phát triển và phổ biến sản phẩm du lịch. Ngoài đất Phật và những nơi hành hương của hàng ngàn phật tử mỗi năm, Ấn Độ còn nhiều sản phẩm du lịch đặc sắc như các gói du lịch đến vùng nông thôn, du lịch mạo hiểm, du lịch sinh thái, du lịch khám chữa bệnh, du lịch golf, du lịch MICE, du lịch y tế và du thuyền. Gần đây, Chính phủ Ấn Độ đã mở 137 địa điểm trên các đỉnh núi (thuộc các bang Jammu và Kashmir, Himachal Pradesh, Uttarakhand và Sikkim) cho các du khách thích mạo hiểm và trekking.
Ấn Độ cũng đã áp dụng cơ chế cấp thị thực điện tử, hiện áp dụng cho 169 quốc gia bao gồm Việt Nam và có giá trị tại 28 cửa khẩu hàng không và 5 cửa khẩu tại các cảng biển. An ninh và an toàn đối với du khách là một trong những quan tâm hàng đầu của Bộ Du lịch Ấn Độ thông qua việc triển khai đường dây nóng (số 1800111363 hoặc 1363) tư vấn 24/7 với nhiều loại ngôn ngữ và miễn phí, giúp đỡ du khách trong trường hợp gặp khó khăn khi du lịch tại Ấn Độ.
Theo Phó Tổng cục trưởng TCDL Ngô Hoài Chung, với việc mở bán vé đường bay thẳng từ TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội đến Delhi bởi hãng hàng không VietJet Air từ ngày 19/8/2019 và việc Indigo - một trong những hãng hàng không lớn nhất của Ấn Độ chính thức khai trương đường bay thẳng Ấn Độ - Việt Nam vào tháng 10/2019 sẽ tạo nền tảng vững chắc để thúc đẩy trao đổi khách du lịch giữa hai nước. Phó Tổng cục trưởng Ngô Hoài Chung tin tưởng rằng, sau sự kiện này, doanh nghiệp du lịch hai nước sẽ hợp tác ngày càng thường xuyên và mật thiết, chung tay cùng thúc đẩy trao đổi khách du lịch giữa Việt Nam và Ấn Độ.
Được biết, Hội chợ Du lịch Ấn Độ 2019 (India Tourism Mart 2019 - ITM 2019) là sự kiện giao thương doanh nghiệp uy tín của Ấn Độ sẽ được tổ chức từ ngày 23 - 25/9/2019 tại New Delhi. |
Hạ Tinh