Tiềm năng và thách thức của Du lịch Cà Mau
Cà Mau có vị trí địa lý vùng biển độc đáo, nhiều cảnh quan thiên nhiên hoang dã nguyên sinh rất thơ mộng, những khu bảo tồn và phát triển hệ sinh thái rừng ngập mặn kết hợp hài hòa với phát triển kinh tế với các mô hình phát triển lâm nghiệp nguyên sinh và tái sinh, đặc biệt có ý nghĩa quan trọng trong nghiên cứu khoa học, bảo tồn thiên nhiên và phát triển du lịch sinh thái.
Cà Mau có 2 Vườn quốc gia Mũi Cà Mau và U Minh Hạ, nhiều di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng, hệ thống biển đảo khá phong phú với cảnh vật thiên nhiên hoang dã, thơ mộng và chứng tích lịch sử đã được xếp hạng cấp quốc gia.
Nhờ có tiềm năng của rừng và biển đã sản sinh ra hệ sinh thái động vật, thực vật rất phong phú, đa dạng. Đây là nguồn ẩm thực dồi dào, phong phú với trên 200 loài thủy sản của hệ sinh thái mặn, lợ, ngọt mà không có nơi nào có được đã đưa Cà Mau là một trong những địa phương có kim ngạch xuất khẩu thủy sản cao nhất cả nước.
Cà Mau được thiên nhiên ban tặng nhiều di sản văn hóa quý hiếm mang đặc trưng vùng biển với các cụm đảo và đất liền. Vì vậy, phát triển du lịch sinh thái sẽ tạo động lực nâng cao giá trị của nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn và phát triển bền vững các hệ sinh thái rừng ngập mặn, rừng tràm ngập úng và các hệ sinh thái nông nghiệp truyền thống đặc thù.
Thời gian qua, sản phẩm du lịch của Cà Mau ngày càng đa dạng, phong phú, các điểm du lịch mới được khai thác đưa vào hoạt động như: Khu du lịch Mũi Cà Mau, Khu du lịch Hòn Đá Bạc, vườn sưu tập động vật hệ sinh thái rừng tràm lâm ngư trường Sông Trẹm, Khu du lịch Lý Thanh Long, vườn chim nằm trong lòng thành phố Cà Mau… Đặc biệt, Cà Mau đã tập trung đầu tư vào tuyến đường trọng điểm cùng với đầu tư cơ sở hạ tầng Khu du lịch Khai Long - Đất Mũi; tiến hành quy hoạch phát triển các khu, điểm du lịch Vườn quốc gia Mũi Cà Mau, Vườn quốc gia U Minh Hạ, đầm Thị Tường, cụm đảo Hòn Khoai để phát triển du lịch…
Du lịch Cà Mau đã vượt qua những khó khăn, đang phát triển có những chuyển biến tích cực cả về lượng và chất, lượng khách trong nước và quốc tế đến Cà Mau ngày càng tăng, cơ sở vật chất hạ tầng được chú trọng đầu tư trong đó tỉnh đang tập trung đầu tư vào quy hoạch các khu du lịch sinh thái, xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhằm theo kịp với xu thế phát triển chung của du lịch khu vực đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.
Mặc dù tỉnh Cà Mau đã có nhiều nỗ lực trong đầu tư để phát triển du lịch, nhưng trên thực tế, chính sách đầu tư tạo ra sản phẩm du lịch mới, đặc trưng, hấp dẫn còn gặp nhiều khó khăn, nguồn vốn thu hút đầu tư cho hoạt động du lịch còn hạn chế nên các dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch triển khai thực hiện chậm so với yêu cầu của sự phát triển du lịch nhanh, chuyên nghiệp và bền vững; cơ sở kết cấu hạ tầng du lịch còn bất cập, việc nối tour, tuyến từ các điểm tham quan chưa thực hiện đồng bộ.
Việc xây dựng sản phẩm du lịch có tính đặc thù như: du lịch hội nghị, hội thảo, du lịch sinh thái, du lịch văn hoá - lịch sử, du lịch thể thao… là thế mạnh để phát triển du lịch. Do đó, Cà Mau cần khai thác, tổ chức hoạt động có hiệu quả, đồng thời có sự bứt phá, năng động, sáng tạo, tiến tới xây dựng hình thành những tour mới hấp dẫn.
Giải pháp để du lịch Cà Mau bứt phá, phát triển bền vững
Một là, cần đầu tư kết cầu hạ tầng đồng bộ, chú trọng khai thác các loại hình du lịch sinh thái biển - đảo độc đáo của tỉnh, phát triển du lịch sinh thái xứng tầm với nguồn tài sản quý hiếm do thiên nhiên ban tặng.
Hai là, chú trọng đầu tư kết cấu hạ tầng đến các khu, điểm du lịch của địa phương, tạo điều kiện thuận lợi thu hút các thành phần kinh tế đầu tư khai thác phát triển đa dạng sản phẩm du lịch. Đầu tư kết cấu hạ tầng phải phù hợp cảnh quan môi trường du lịch sinh thái tại các khu, điểm du lịch, các làng nghề truyền thống của địa phương làm tăng giá trị tài nguyên và môi trường sinh thái cho các khu vực khai thác du lịch.
Ba là, chủ động liên kết với các thành phố lớn, các tỉnh trong vùng và khu vực để xây dựng cơ chế hợp tác phát triển du lịch trên cơ sở xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng, phù hợp với tài nguyên du lịch sinh thái, lịch sử - văn hóa của mỗi vùng. Tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá du lịch, đẩy mạnh liên kết với các tỉnh trong vùng để tiếp tục đẩy mạnh triển khai các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch chung bằng nhiều hình thức, phương thức khác nhau trên các phương tiện thông tin đại chúng…
Bốn là, xây dựng mới và nâng cấp hệ thống nhà hàng, khách sạn; cải tiến chất lượng dịch vụ du lịch, nâng cao nhận thức xã hội về du lịch, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch thông qua phương thức đào tạo, bồi dưỡng lao động ngành Du lịch lên ngang tầm với nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu phát triển của du lịch trong thời kỳ mới.
Năm là, cần đặc biệt quan tâm, chú trọng đến vấn đề bảo vệ môi trường trong phát triển du lịch bền vững.
Sáu là, vùng biển Cà Mau có vị trí chiến lược quan trọng kết nối để khai thác kinh tế biển nói chung và kinh tế du lịch nói riêng, đồng thời là điểm tựa tiền tiêu bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, việc khai thác biển đảo phục vụ du lịch phải đặc biệt chú ý đến việc bảo vệ an ninh quốc phòng.
TS. Trần Thị Tuyết Mai