Hội thảo thúc đẩy trao đổi khách du lịch Việt Nam – Nhật Bản
Phát biểu tại hội thảo, Phó Tổng cục trưởng TCDL Hà Văn Siêu khẳng định Việt Nam và Nhật Bản có mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp, hợp tác kinh tế và giao lưu nhân dân thời gian qua phát triển mạnh mẽ. Trong lĩnh vực du lịch, từ nhiều năm qua Nhật Bản là thị trường quan trọng của Du lịch Việt Nam khi luôn nằm trong nhóm 3 thị trường gửi khách hàng đầu. Bên cạnh những nỗ lực của Nhật Bản khai thác thị trường outbound Việt Nam, phía Việt Nam cũng đang tích cực triển khai các hoạt động xúc tiến tới Nhật Bản, với mong muốn tốc độ tăng trưởng khách Nhật Bản đến Việt Nam sẽ có những đột phá trong thời gian tới.
Phó Tổng cục trưởng TCDL Hà Văn Siêu phát biểu tại hội thảo
Theo ông Katsuro Nagai – Phó Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam, dù năm 2017 lượng khách Nhật Bản đến Việt Nam đạt cao nhất từ trước đến nay (khoảng 798 nghìn lượt) nhưng tăng trưởng chậm chỉ 8% so với năm 2016. Lý giải cho nguyên nhân này, cả hai phía Việt Nam gồm cơ quan quản lý du lịch và doanh nghiệp đều chỉ ra các vướng mắc: Sự thiếu hụt hướng dẫn viên tiếng Nhật (đặc biệt tại các điểm đến yêu thích của khách Nhật như Đà Nẵng, Huế, Hội An); thiếu sự hiện diện của văn phòng đại diện du lịch quốc gia của Việt Nam tại Nhật Bản; vướng mắc từ chính sách visa (du khách Nhật Bản được miễn thị thực thì sau thời điểm xuất cảnh Việt Nam lần trước, phải cách ít nhất là 30 ngày mới có thể nhập cảnh trở lại Việt Nam theo diện miễn thị thực - PV)khiến cho hành trình Nhật Bản – Việt Nam – Campuchia/Lào – Việt Nam – Nhật Bản suy giảm rõ rệt về lượng khách; vấn đề vệ sinh môi trường...
Một số vấn đề đáng lưu tâm như thời gian lưu trú của khách Nhật tại Việt Nam đang tương đối thấp; việc đón và phục vụ lượng khách lẻ đang tăng nhanh do sự phát triển của đặt dịch vụ trực tuyến;cách thu hút khách Nhật đến các điểm đến mới của Việt Nam... cũng được thảo luận và phân tích tại hội thảo. Phó Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam - ông Katsuro Nagai cho rằng, khách Nhật thường không thoải mái khi di chuyển thời gian dài 5 - 6 tiếng di chuyển trên xe ô tô nên khó có thể đến các điểm đến xa ở Đông Bắc, Tây Bắc; đồng thời khách Nhật thường có yêu cầu cao về cơ sở vật chất và vệ sinh môi trường. Các đơn vị lữ hành có thể tập trung vào các điểm đến gần hơn như Tam Đảo, Mai Châu...; lưu tâm đến sở thích của khách Nhật là muốn có các trải nghiệm gần gũi với thiên nhiên, nghỉ ngơi, tắm khoáng và thưởng thức ẩm thức địa phương thay vì các nhà hàng...; quan trọng nhất là vấn đề môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm phải được đảm bảo. Ông Yusuke Hayashi, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam có thể trở thành điểm đến ngắn ngày của khách Nhật Bản vì khi có kỳ nghỉ dài thì người Nhật thường chọn các điểm đến xa như châu Âu, Mỹ... Đối với đối tượng khách lẻ, hiện nay giới trẻ Nhật thường tự đặt dịch vụ trên mạng và đến những điểm đến gần như Việt Nam. Để thu hút lượng khách này, Việt Nam cần cung cấp những tour du lịch ngắn trong ngày ở xung quanh các thành phố lớn; đặc biệt là phải có đầy đủ thông tin quảng cáo bằng tiếng Nhật trên mạng Internet.
Về đưa khách Việt Nam đi Nhật Bản, đại diện Hiệp hội Lữ hành Việt Nam – ông Phùng Quang Thắng đề xuất phía Nhật Bản nới lỏng hơn về chính sách visa; tạo điều kiện thuận lợi hơn cho đối tượng khách đoàn từ các công ty lớn; tạo thuận lợi để visa nhập cảnh nhiều lần hoặc nới lỏng cho đối tượng cấp lần hai để du khách quay lại Nhật Bản nhiều lần hơn. Ngoài ra, để đa dạng hóa và quảng bá điểm đến mới thì phía Nhật Bản phải có sự cạnh tranh về giá cả; do xu hướng khách Việt vẫn ưa thích tuyến du lịch truyền thống.
HN