Đền Choọng
Tiềm năng phát triển
Miền Tây Nghệ An gồm 11 huyện, thị xã miền núi (Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Anh Sơn, Thanh Chương, Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Tân Kỳ, Nghĩa Đàn và Thái Hòa) có tổng diện tích tự nhiên 13.747,69 km2, chiếm 83,36% diện tích toàn tỉnh; 6 dân tộc cùng chung sống: Kinh, Thái, Thổ, Mông, Ơ Đu, Khơ Mú còn gìn giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống đặc sắc. Đây được xác định là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, an ninh và đối ngoại của tỉnh Nghệ An và khu vực Bắc Trung Bộ; đồng thời, là nơi có vai trò quan trọng về môi trường sinh thái của tỉnh, có tiềm năng, lợi thế về tài nguyên khoáng sản, kinh tế cửa khẩu và du lịch.
Năm 2007, miền Tây Nghệ An được tổ chức UNESCO công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới. Nơi đây có diện tích rừng nguyên sinh rất lớn, là vùng bảo tồn thiên nhiên còn giữ được vẻ hoang sơ, nguyên sinh, có thảm thực vật phong phú, đa dạng và nhiều loại động vật quý hiếm, là yếu tố quan trọng để phát triển du lịch sinh thái, bao gồm: Vườn quốc gia Pù Mát với diện tích hơn 94.000ha, Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống, Pù Hoạt có diện tích gần 83.000ha.
Miền Tây Nghệ An có nhiều hang động, thác nước đẹp hấp dẫn khách du lịch như: thác Kèm (Con Cuông); thác Xao Va, thác 7 tầng (Quế Phong); hang Bua, hang Thẳm Ồm (Quỳ Châu)... Ngoài ra, trong vùng còn có nhiều hồ, đập, sông, suối vừa có tác dụng điều hòa khí hậu, môi trường sinh thái vừa tạo cảnh quan thiên nhiên hấp dẫn khách du lịch.
Miền Tây Nghệ An có nhiều di tích lịch sử như: Di tích thành Trà Lân, bia Ma Nhai, cây đa Cồn Chùa (Con Cuông); Di tích lịch sử mộ - cây táo Đốc binh Lang Văn Thiết (Quỳ Châu); Di tích Bác Hồ về thăm nông trường Đông Hiếu (thị xã Thái Hòa); đình Võ Liệt, đền Bạch Mã (Thanh Chương); đền Chín Gian (Quế Phong); đền Vạn - cửa Rào (Tương Dương); đền Choọng (huyện Quỳ Hợp)... có thể khai thác thành các điểm tham quan, du lịch.
Khu vực miền Tây Nghệ An là nơi sinh sống từ nhiều đời nay của các dân tộc thiểu số: Thái, Thổ, Mông, Khơ Mú, Ơ Đu còn để lại nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, đó là các loại kiến trúc nhà sàn của dân tộc Thái, dân tộc Ơ Đu; trang phục đặc trưng của dân tộc Thái, Mông, Ơ Đu, Thổ, Khơ Mú; các loại nhạc cụ, khí cụ; các sản phẩm đan lát (gùi, giỏ, bế, ếp…), rèn sắt của dân tộc Mông, Khơ Mú, Ơ Đu; sản phẩm dệt thổ cẩm của dân tộc Thái; các loại hình dân ca; các loại hình âm nhạc, các điệu múa, vui chơi đồng giao truyền thống.
Đến với miền Tây Nghệ An, du khách còn được thưởng thức những nét văn hóa ẩm thực đặc sắc với các món ăn như món mọc, canh ột, cơm lam của dân tộc Thái; món lám nhộc của dân tộc Khơ Mú; bánh dẻo của dân tộc Mông; rượu cần của dân tộc Thái, Khơ Mú, Ơ Đu...
Bên cạnh đó, miền Tây Nghệ An còn có nhiều lễ hội truyền thống như Lễ hội Hang Bua, Lễ hội đền Chín Gian (đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia), Lễ hội Pu Nhạ Thầu, Lễ hội Đền Vạn, Lễ hội Đền Bạch Mã…
Thác Xao Va
Giải pháp phát triển Du lịch miền Tây Nghệ An
Thời gian qua, du khách trong nước và quốc tế đến với miền Tây Nghệ An ngày càng đông. Đến đây, du khách được trải nghiệm, đắm mình trong không gian yên tĩnh của núi rừng, nương rẫy, bản làng. Tuy nhiên, Du lịch miền Tây Nghệ An vẫn phát triển chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có. Để phát triển du lịch bền vững và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị, cần có một số giải pháp trước mắt và lâu dài:
Thứ nhất, thực hiện công tác quy hoạch đồng bộ như: quy hoạch bảo vệ tài nguyên rừng, tài nguyên nước, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch bảo vệ các di tích, danh thắng…; tăng cường công tác bảo vệ môi trường, tài nguyên du lịch; đảm bảo an ninh, trật tự của điểm đến.
Thứ hai, tiếp tục đầu tư nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội nói chung, du lịch nói riêng; cải tạo lại một số đường liên thôn, liên bản cho sạch sẽ và ngăn nắp hơn.
Thứ ba, chăm lo đào tạo cho nguồn nhân lực du lịch; nâng cao kỹ năng giao tiếp, ứng xử và phục vụ khách du lịch; đào tạo ngoại ngữ cho hướng dẫn viên, thuyết minh viên và những hộ gia đình có phục vụ du khách nước ngoài...
Thứ tư, tăng cường công tác xúc tiến quảng bá, giới thiệu sản phẩm du lịch để thu hút khách du lịch thông qua các phương tiện truyền thông, ấn phẩm quảng cáo, các mạng xã hội và các hội chợ, hội nghị, hội thảo du lịch...; tăng cường giới thiệu, kết nối miền Tây Nghệ An với các địa phương khác ở Nghệ An và với các vùng khác trong và ngoài nước.
Thứ năm, có chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phát triển các sản phẩm, dịch vụ du lịch: hỗ trợ sản xuất, phát triển nghề truyền thống và tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ cộng đồng bảo tồn văn hóa bản địa; hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị kinh doanh lữ hành khi đưa khách đến địa phương, nhất là các thủ tục xuất nhập cảnh đối với người nước ngoài.
Với lợi thế về đa dạng sinh học và bản sắc văn hóa bản địa, cùng với đó là sự phong phú, hấp dẫn về tài nguyên du lịch tự nhiên, chắc chắn trong tương lai không xa, miền Tây Nghệ An sẽ trở thành điểm đến của du khách trong nước và quốc tế.
Đình Hà