Thành phố Vinh (Nghệ An). Ảnh: Nguyễn Cảnh Hùng
Để triển khai thực hiện Nghị quyết một cách hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, ngành Du lịch Nghệ An đã tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chương trình hành động số 55-CTr/TU về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 -2030; tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 62/KH-UBND về triển khai Nghị quyết của Chính phủ và Chương trình hành động của Ban thường vụ Tỉnh ủy. Ngành Du lịch Nghệ An cũng đã xây dựng và ban hành Kế hoạch số 166/KH-SDL để thực hiện Chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Kế hoạch của UBND tỉnh. Nội dung Nghị quyết và các văn bản đều được quán triệt tới cán bộ chủ chốt của ngành, các sở và UBND các huyện, thành phố, thị xã, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch nhằm tạo sự thống nhất cả về nhận thức và hành động trong việc đẩy mạnh, nâng cao, tạo bước đột phá phát triển du lịch của Nghệ An. Nhờ sự vào cuộc đồng bộ và chủ động triển khai sớm các nhiệm vụ kế hoạch được giao nên Du lịch Nghệ An đã có chuyển biến tích cực. Năm 2017 là năm được mùa của Du lịch Nghệ An thể hiện qua sự tăng trưởng về lượt khách; tổng lượt khách tham quan, du lịch toàn tỉnh đạt xấp xỉ 6 triệu lượt, trong đó có trên 3,85 triệu lượt khách có lưu trú, bằng 135% so với năm 2016 và đạt gần 110% kế hoạch năm; tổng thu từ hoạt động du lịch đạt hơn 6.000 tỷ đồng, trong đó, doanh thu khách quốc tế đạt gần 13,4 triệu USD, bằng 143% so với năm 2016. Lần đầu tiên ngành Du lịch Nghệ An được xuất hiện trong mục “10 con số & sự kiện nổi bật 2017” do Báo Nghệ An bình chọn. 4 tháng đầu năm 2018, lượng khách du lịch tại các điểm du lịch tiếp tục tăng. Ngoài ra, hạ tầng phục vụ du lịch đã có bước phát triển mang tính đột phá, hầu hết các tuyến đường giao thông tiếp cận các khu du lịch trọng điểm của tỉnh được đầu tư xây dựng, nhất là đối với khu vực ven biển. Hệ thống cơ sở vật chất phục vụ du lịch phát triển nhanh chóng cả về quy mô và chất lượng, góp phần làm thay đổi bộ mặt củanhiều vùng quê, đô thị. Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn toàn tỉnh có trên 827 khách sạn, nhà nghỉ; 50 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế và nội địa. Sản phẩm du lịch có bước chuyển biến tích cực, đa dạng hơn, chất lượng được đổi mới. Công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch được đẩy mạnh và đem lại hiệu quả thiết thực, tổ chức được nhiều hoạt động văn hóa, du lịch gắn với các sự kiện chính trị trọng đại của đất nước để quảng bá hình ảnh Du lịch Nghệ An đến với du khách. Hoạt động liên kết hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh trong nước, trong khu vực ngày càng được mở rộng.
Thác 7 tầng - Nghệ An. Ảnh: Nguyễn Cảnh Hùng
Ngành Du lịch Nghệ An đạt được những kết quả trên là nhờ sự chỉ đạo sát sao của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, sự vào cuộc và chung tay của các cấp các ngành và các cơ quan truyền thông đã làm tốt công tác tuyên truyền, quảng bá.
Biển Quỳnh Liên, Nghệ An. Ảnh: Nguyễn Duy Hưng
Để tiếp tục thực hiện tốt nhất Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị, nhằm phát huy tối ưu tiềm năng, thế mạnh của tỉnh để phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng vai trò là trung tâm du lịch của vùng Bắc Trung Bộ, giữ vị thế dẫn dắt, kết nối và thúc đẩy du lịch của cả vùng phát triển mạnh mẽ theo đúng định hướng đã được đề cập trong Nghị quyết 26-NQ/TW của Bộ Chính trị, Du lịch Nghệ An xác định thực hiện một số giải pháp cụ thể trong thời gian tới như sau:
- Quy hoạch và hạ tầng phải đi trước một bước, đóng vai trò định hướng và khuyến khích thu hút đầu tư du lịch; tăng cường công tác quy hoạch và quản lý thực hiện quy hoạch phát triển du lịch, đảm bảo tập trung khai thác tối ưu và có hiệu quả thế mạnh tài nguyên du lịch của tỉnh, trong đó ưu tiên cho phát triển các sản phẩm đặc thù, có giá trị nổi bật như: Khu du lịch quốc gia Kim Liên, Vườn quốc gia Pù Mát, du lịch biển Cửa Lò, Di sản Dân ca ví, giặm... thành các sản phẩm mang thương hiệu Du lịch Nghệ An.
- Tiếp tục đẩy mạnh đầu tư phát triển hạ tầng du lịch để biến Nghệ An thực sự là đầu mối giao thông của cả vùng Bắc Trung Bộ, tạo cú huých mạnh mẽ cho thu hút đầu tư phát triển du lịch; tập trung huy động nhiều nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng trên cơ sở quy hoạch, đặc biệt là hạ tầng đô thị thành phố Vinh, các tuyến quốc lộ, cao tốc qua Nghệ An, hạ tầng cửa khẩu và đường bộ kết nối với nước bạn Lào, sân bay Vinh, nhà ga, bến cảng, hạ tầng kết nối các khu, điểm du lịch của tỉnh và với các địa phương khác trong vùng, đảm bảo gắn kết Du lịch Nghệ An với các tỉnh trong khu vực Bắc Trung Bộ và du lịch cả nước, quốc tế, đáp ứng được yêu cầu phát triển nhanh, bền vững.
Hồ sen quê Bác (Nam Đàn, Nghệ An). Ảnh: Nguyễn Duy Hưng
- Đẩy mạnh thực hiện chính sách xã hội hóa đầu tư tại các khu, điểm du lịch, các di tích lịch sử, làng nghề, có chính sách huy động các nguồn vốn từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước, các doanh nghiệp và đặc biệt là thu hút sự tham gia, nâng cao vai trò và trách nhiệm của cộng đồng dân cư đối với phát triển du lịch. Tạo điều kiện và khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển các loại hình du lịch nghỉ dưỡng gắn liền với các bãi biển, tập trung thu hút đầu tư xây dựng các tổ hợp khu nghỉ dưỡng, dịch vụ du lịch, giải trí, sinh thái cao cấp có khả năng tạo dựng thương hiệu mới cho Nghệ An. Có cơ chế khuyến khích thu hút đầu tư xây dựng các khu du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe gắn với rừng, hệ sinh thái tự nhiên không chỉ cho khách nội địa mà cả khách quốc tế.
- Tập trung xây dựng một số sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt, hấp dẫn, có khả năng cạnh tranh cao dựa trên những thế mạnh về tài nguyên và vị trí của Nghệ An, từng bước khẳng định thương hiệu Du lịch Nghệ An trên bản đồ du lịch cả nước và khu vực; thúc đẩy phát triển loại hình du lịch MICE (sự kiện, hội nghị, hội thảo, khuyến thưởng, triển lãm), du lịch mua sắm kết hợp với du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch đường bộ liên quốc gia với nước bạn Lào, Thái Lan và các quốc gia ASEAN khác, đồng thời đảm đương tốt vai trò là trung tâm điều phối du lịch của vùng; coi đây là hướng đi đột phá cho Du lịch Nghệ An trong thời gian tới; lựa chọn khôi phục và tôn tạo một số khu di tích lịch sử để xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù, đầu tư kết cấu hạ tầng và hạ tầng du lịch bên bờ sông Lam để trở thành sản phẩm du lịch cuối tuần, tập trung phát triển sản phẩm du lịch sinh thái ở miền Tây Nghệ An… trên cơ sở có sự phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp lữ hành; khai thác một số lễ hội, phong tục tập quán truyền thống của các dân tộc miền Tây Nghệ An để xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng nhằm thu hút khách du lịch.
Hội làng Bua, Nghệ An. Ảnh: Nguyễn Cảnh Hùng
- Gắn kết chặt chẽ việc phát triển du lịch với bảo tồn, nhất là bảo tồn và phát huy các giá trị tài nguyên thiên nhiên, di sản văn hóa, lịch sử, truyền thống và bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc sinh sống trên địa bàn tỉnh, giáo dục truyền thống, bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh, bảo vệ chủ quyền biên giới và biển đảo; không phát triển du lịch bằng mọi giá, vì lợi ích kinh tế trước mắt mà không chú ý đến gìn giữ bảo vệ tài nguyên, di sản; thực hiện nghiêm đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư phát triển du lịch, đặc biệt là các dự án nằm ở các vùng có tài nguyên du lịch hấp dẫn, nổi trội, có giá trị sinh thái cao.
- Tăng cường hợp tác liên kết với các tỉnh, thành phố có trọng điểm về du lịch: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Lâm Đồng, Khánh Hòa, Huế, Quảng Ninh, các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ, vùng Tây Bắc, Tây Nguyên; các doanh nghiệp lữ hành, đặc biệt là doanh nghiệp lữ hành ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và khu vực Bắc Trung Bộ như: Saigontourist, Vietravel, Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội... để xây dựng các chương trình du lịch tìm hiểu, nghiên cứu và tham quan các di tích lịch sử, công trình văn hóa, lễ hội tâm linh góp phần nâng cao vị thế và sức cạnh tranh của Du lịch Nghệ An, gắn điểm đến Nghệ An vào chuỗi giá trị du lịch liên tỉnh, liên vùng.
Biểu diễn Dân ca ví, giặm. Ảnh: Nguyễn Duy Hưng
- Đổi mới phương thức quảng bá xúc tiến du lịch thông qua các phương tiện truyền thông điện tử như truyền hình, internet, mạng xã hội, điện ảnh; phát hành rộng rãi các ấn phẩm giới thiệu về con người, lịch sử văn hóa, cảnh quan và sản phẩm du lịch xứ Nghệ trong và ngoài nước; đổi mới và hoàn thiện nội dung, kết cấu website về Du lịch Nghệ An; tập trung sản xuất video clip chất lượng cao hoặc các đoạn phim ngắn giới thiệu về Du lịch Nghệ An để tăng cường quảng bá tiềm năng, thế mạnh của điểm đến Nghệ An trên các phương tiện thông tin truyền thông, kể cả trong nước và quốc tế.
- Bên cạnh việc đẩy mạnh quảng bá thu hút khách quốc tế, đặc biệt là khách du lịch từ các nước ASEAN, cần tập trung ưu tiên đẩy mạnh quảng bá thu hút khách du lịch nội địa; thị trường nội địa có ý nghĩa quyết định đối với phát triển Du lịch Nghệ An trước mắt và lâu dài; đẩy mạnh hợp tác quốc tế để tranh thủ nguồn tài trợ của các tổ chức quốc tế, các quốc gia phát triển, đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư của các nhà đầu tư, các doanh nghiệp trong và ngoài nước, tranh thủ kinh nghiệm của các chuyên gia tư vấn về du lịch để định hướng thị trường và phát triển sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của khách du lịch.
- Xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao; có chính sách thu hút đầu tư, hợp tác liên kết nâng cao năng lực các cơ sở đào tạo du lịch đáp ứng mục tiêu phát triển du lịch chuyên nghiệp và đẳng cấp; xây dựng mô hình liên kết giữa cơ sở đào tạo với các doanh nghiệp du lịch; đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến trong đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch trên địa bàn; tăng cường tổ chức tập huấn về du lịch cộng đồng cho cộng đồng dân cư tại các bản làng, các điểm du lịch.
Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị đã và sẽ tạo bước ngoặt mới, vị thế mới về phát triển du lịch của cả nước nói chung và của Nghệ An nói riêng. Hy vọng rằng trước những vận hội và thách thức mới, Du lịch Nghệ An sẽ phát triển đúng hướng, hiệu quả và bền vững, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển ngành Du lịch cả nước cũng như kinh tế - xã hội của tỉnh Nghệ An.
Nguyễn Mạnh Cường
Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Nghệ An