Thừa Thiên - Huế là một trong những tỉnh thuộc vùng kinh tế động lực của miền Trung nước ta, có vị trí quan trọng, là cầu nối hai đầu đất nước, cửa ngõ của tuyến hành lang kinh tế Ðông-Tây. Ðây cũng là địa phương được xác định là một trong ba vùng phát triển du lịch trọng điểm của quốc gia, trong đó thành phố Huế đã được Chính phủ xác định là một trong năm thành phố du lịch và đang phấn đấu xây dựng trở thành thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam. Thừa Thiên - Huế có nguồn tài nguyên du lịch nhân văn dồi dào với nhiều di tích văn hóa, di tích lịch sử, di tích cách mạng, các hệ sinh thái biển - đảo, hệ sinh thái hồ, hệ sinh thái rừng, đầm phá, nhiều triển vọng để đầu tư phát triển các loại hình du lịch phong phú và hấp dẫn. Chiều dài bờ biển của tỉnh là 128 km với nhiều bãi biển đẹp, đặc biệt vịnh Lăng Cô được đưa vào danh sách các vịnh biển đẹp nhất thế giới, điều kiện lý tưởng để phát triển các loại hình du lịch biển. Thừa Thiên - Huế còn có quần thể di tích cố đô Huế và Nhã nhạc cung đình Huế được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới và Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại. Ðó là cơ sở hình thành và phát triển các sản phẩm du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái, du lịch biển và du lịch văn hóa.
Khi quần thể di tích cố đô Huế được công nhận là Di sản Văn hóa thế giới năm 1993, sau đó Nhã nhạc cung đình Huế được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại năm 2004, việc khai thác giá trị di sản thế giới và gắn kết với du lịch biển trong nhiều năm qua đã thu được những thành quả nhất định. Qua năm kỳ Festival Huế, từ năm 2002 đến 2010, cùng các sự kiện: Festival Lăng Cô - huyền thoại biển, Thuận An biển gọi, v.v. đã cho thấy hiệu quả công tác xúc tiến quảng bá giới thiệu các chương trình, sự kiện, những sản phẩm dịch vụ du lịch chất lượng cao, trong sự khai thác và phát triển hài hòa giữa tự nhiên và văn hóa, góp phần làm gia tăng mạnh lượt khách đến Huế. Du lịch địa phương thời gian qua đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Các chỉ tiêu kinh doanh cơ bản: Doanh thu, lượt khách hằng năm đều đạt mức tăng trưởng cao và ổn định, đóng góp không nhỏ vào ngân sách nhà nước, trực tiếp giải quyết việc làm cho hàng nghìn người lao động và hàng chục nghìn việc làm thông qua việc cung cấp các dịch vụ, sản phẩm cho ngành du lịch, thúc đẩy tốc độ tăng trưởng hằng năm và sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh và khu vực.
Trong những năm qua, sự ra đời của chương trình du lịch 'Con đường di sản miền Trung' không chỉ hội tụ các doanh nghiệp du lịch, các địa phương có di sản thế giới ở miền trung trong phát triển du lịch mà còn tác động tới quá trình đầu tư du lịch, phát triển cơ sở hạ tầng ở các vùng biển miền trung như: Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, Thuận An, Nhật Lệ, Thiên Cầm, mà Lăng Cô là một thí dụ điển hình. Nếu như năm 2001, tại đây mới chỉ có một vài khách sạn thì đến nay đã có hàng chục khách sạn đạt chuẩn cùng nhiều dự án đầu tư du lịch lớn.
Hội nhập trong thời kỳ toàn cầu hóa đã và đang tác động từng ngày từng giờ đến di sản văn hóa thế giới. Thừa Thiên - Huế đã và đang đi vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhưng luôn luôn giữ được bản sắc riêng, phát triển trong sự kết hợp hài hòa giữa hiện đại và nét truyền thống của Huế. Với những giá trị đặc trưng của mình, Huế đã trở thành điểm đến không thể thiếu của các tour về miền Trung. Giữa phát triển du lịch và di sản văn hóa có mối quan hệ tương quan, hỗ trợ rất cao. Có thể thấy rằng, di sản văn hóa đã tạo ra nền móng cho phát triển du lịch nói chung và du lịch biển, đảo nói riêng và du lịch có sự tác động trở lại di sản thông qua các hoạt động khơi dậy tiềm năng văn hóa để du khách đến chiêm ngưỡng, thưởng thức cái đẹp. Ở khía cạnh tích cực, du lịch đã góp phần quảng bá những giá trị đặc trưng của di sản thế giới đến với du khách, tạo nên sự đồng thuận, quan tâm đến di sản, làm cho di sản ấy trường tồn với thời gian, góp phần tích cực trong việc giao lưu hợp tác giữa các nền văn hóa trong khu vực và trên thế giới. Xét trên quan hệ phát triển kinh tế, ngoài các yếu tố về thiên nhiên, cơ sở hạ tầng, sân bay, bến cảng, các sản phẩm dịch vụ, thì du lịch ở các tỉnh Bắc miền Trung phát triển là nhờ có 5/7 Di sản Văn hóa, Di sản Thiên nhiên thế giới và Di sản Truyền khẩu của nhân loại, nơi có Nghệ An là quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ðây là lợi thế lớn cho du lịch các tỉnh Bắc miền Trung tạo bước đột phá mới, nhưng cũng nhờ có các hoạt động du lịch mà các điểm văn hóa, di tích trên địa bàn có được nguồn thu đáng kể thông qua việc bán vé tham quan và cung cấp các dịch vụ kèm theo. Nguồn thu đó sẽ tiếp tục được sử dụng để trùng tu, tôn tạo các di tích văn hóa lịch sử đã xuống cấp, làm cho các di tích đó không bị lãng quên và mai một đi.
Vấn đề đặt ra là làm thế nào để phát triển du lịch mà vẫn giữ được những nét độc đáo, những giá trị đặc trưng và tinh hoa của di sản văn hóa thế giới, dẫu biết rằng phát triển du lịch và bảo tồn các di tích, di sản thế giới là bài toán khó không chỉ ở Việt Nam mà còn cả trên thế giới. Bảo tồn theo nghĩa giữ nguyên trạng cứng nhắc chỉ có tác dụng làm đóng khung di sản và về lâu dài sẽ đưa đến sự xuống cấp, hủy hoại chúng, ngược lại, chúng ta cũng cần khắc phục khuynh hướng 'du lịch hóa' các di sản văn hóa. Vì vậy, cần có kế hoạch tổng thể và toàn diện hơn về công tác bảo tồn và khai thác du lịch. Xác định rõ phạm vi bảo tồn di sản văn hóa thế giới và mục tiêu phát triển du lịch biển, đảo. Cần có chiến lược cụ thể để chủ động đẩy mạnh công tác quảng bá, giới thiệu các di sản thế giới thông qua các phương tiện truyền thông hiện đại, đặc biệt giới thiệu trên các website, thiết kế các tuor du lịch, trong đó các di tích, di sản là một điểm nhấn.
Xác định đúng đắn lợi thế các di sản văn hóa để có chiến lược tổng thể phát triển du lịch biển, đảo ở Bắc miền Trung nói chung và Thừa Thiên - Huế nói riêng, có tầm quan trọng và cấp bách trong giai đoạn hiện nay, nhằm tạo ra những điều kiện cơ bản để đưa du lịch khu vực phát triển lên tầm cao mới.
NGUYỄN ÐÔNG