DUYÊN TRỜI SE
"Hồng hồng tuyết tuyết
Mới ngày nào chưa biết cái chi chi
Mười lăm năm thấm thoắt có xa gì
Ngoảnh mặt lại đã đến kỳ tơ liễu..."
Giọng hát trong veo của cô bé Nguyễn Huệ Phương khiến các "quan viên" chung quanh chiếu chầu mê mải lắng nghe. Đình Giảng Võ chìm đắm trong tiếng sênh, tiếng phách, trong thanh âm bài hát nói “Đào Hồng Tuyết” của Dương Khuê.
Phách chợt đổ dồn, tiếng hát của Huệ Phương bừng vang: "Khéo ngây ngây dại dại với tình. Đàn ai một tiếng Dương tranh"... Cách không xa chiếu chầu, ánh mắt đào nương Phạm Thị Huệ, mẹ của Huệ Phương, âu yếm ngắm nhìn khuôn mặt như trăng rằm của cô con gái. Phương là niềm tự hào của chị. Mới mười một tuổi nhưng giọng hát và tay phách của cô bé đã có nghề. "Huệ Phương làm quen với ca trù từ khi học mẫu giáo, cháu bộc lộ năng khiếu từ rất sớm. Mẹ tập hát câu nào, con thuộc ngay câu đó. Khi hai mẹ con có thời gian bên nhau, tôi thường gảy đàn cho cháu và tôi cùng hát". Người đào nương thanh sắc vẹn toàn, vừa là giảng viên bộ môn nghệ thuật đàn tì bà - Nhạc viện Hà Nội, vừa là Chủ nhiệm câu lạc bộ Ca trù Thăng Long tâm sự.
Phạm Thị Huệ là một trong số hiếm những đào nương hiện nay vừa hát "có màu" vừa điêu luyện cả ngón đàn đáy. Chị đến với ca trù như "duyên trời se". Huệ bảo: "Năm 2005, ngay khi gặp gỡ tôi đã phải lòng môn nghệ thuật thuần Việt này. Ca trù là thứ chất liệu âm nhạc rất giàu cảm xúc. Giọng hát của ca nương, cây đàn đáy và tiếng trống chầu đã diễn tả một cách đẹp đẽ cái hồn của âm nhạc, tinh túy của văn chương và những triết lý sâu xa". "Say" ca trù như vậy nên chị cất công đến với nghệ nhân Phó Thị Kim Đức rồi vượt qua những chặng đường dài về Hải Dương tìm cụ Nguyễn Phú Đẹ học đàn đáy, về Hà Tây (nay là Hà Nội) gặp nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc để học hát. Chị mê mải đàn hát mọi lúc, mọi nơi, trút bỏ lo toan của cuộc sống thường nhật khi ngồi bên cây đàn. Trước niềm say mê và năng khiếu của chị, hai tên tuổi cao niên của làng ca trù là cụ Đẹ và cụ Chúc cũng dốc tâm truyền nghề.
CÂY KHÔ NẢY MẦM
Ba năm trời chăm chỉ học hỏi, khổ luyện với hai nghệ nhân già, Phạm Thị Huệ đã tiếp thu trọn những tinh hoa đúc kết của âm nhạc dân tộc mà họ đã chắt chiu suốt một đời. Ngày làm lễ mở xiêm áo, người trong nghề nghe ca nương này hát lập tức nhìn rõ tương lai của Huệ, bởi lâu lắm mới có một đào nương vừa thạo cả đàn và hát. Trường hợp của Phạm Thị Huệ là rất hiếm, rất đáng trân trọng. Giáo sư Trần Văn Khê, người có công truyền bá ca trù ra nước ngoài, đã phải thốt lên: "Trước khi gặp Huệ, tôi những tưởng ca trù đứng trước nguy cơ thất truyền. Nhưng khi nghe Huệ hát, tôi hiểu rằng, cây khô ca trù đang vươn lên những mầm xanh mới chứa đầy sinh lực".
Từ niềm đam mê ban đầu, dần dà Phạm Thị Huệ gắn bó với ca trù sâu đậm và nặng lòng như một cái nghiệp. Ngoài chia sẻ niềm đam mê với cô con gái, để cho chất liệu âm nhạc dân tộc thấm dần một cách tự nhiên vào Huệ Phương, chị đang dốc sức truyền nghề cho các đào nhí. Câu lạc bộ Ca trù Thăng Long cũng được chị thành lập năm 2006 tại đình Cống Vị với mong muốn bảo tồn nghiệp tổ ca trù và tri ân đối với nghệ thuật dân tộc. Đây cũng là điểm hẹn dành cho những người yêu mến ca trù. Câu lạc bộ còn thu hút hơn hai mươi khuôn mặt trẻ thường xuyên lui tới làm bạn với sênh, phách. Tháng 3/2010, Giáo phường Ca trù Thăng Long được thành lập tại đình Giảng Võ trên cơ sở Câu lạc bộ Ca trù Thăng Long, tiếp tục minh chứng cho niềm đam mê mãnh liệt với nghệ thuật ca trù của ca nương Phạm Thị Huệ.
Anh Tùng