Lên Sìn Hồ (Lai Châu), giữa trập trùng núi đá, bạt ngàn rừng nguyên sinh, biển mây mù, núi cao, vực sâu, du khách có dịp ngắm nhìn thiên nhiên hùng vĩ và khám phá những phong tục tập quán độc đáo của đồng bào các dân tộc nơi đây.
|
Một góc thị trấn Sìn Hồ
|
Nằm cách thị xã Lai Châu 60km, Sìn Hồ được coi như Sapa thứ hai. Mấy chục cây số từ thị xã Lai Châu lên Sìn Hồ chỉ thấy dốc nối dốc, đèo nối đèo. Con đường như một dải lụa ngoằn ngoèo xuyên qua đại ngàn và những dãy núi cao ngất trời. Mỗi khúc cua, mỗi cung đường, mỗi mép vực đều để lại nhiều ấn tượng về một vùng đất hàm chứa nhiều điều bí ẩn, hấp dẫn. Bên những vách đá cao sừng sững dài ngút tầm mắt, sương giăng khắp lối, ta có cảm giác như có thể nắm được từng đám mây trắng lững lờ bay qua trước mắt. Xen lẫn giữa màu xanh ngút ngàn của rừng già là các loài hoa rừng đang vươn mình khoe sắc. Dọc hai bên đường lên Sìn Hồ thỉnh thoảng du khách lại bắt gặp những thác nước nhỏ chảy về từ một vách đá. Những ngôi nhà gỗ, nhà trình tường của người Dao, người Mông mọc lên giữa triền núi biếc đang tỏa khói lam chiều lại càng tô điểm thêm vẻ đẹp cho bức tranh cuộc sống miền sơn cước. Những cái tên đầy lạ lẫm như Hồng Thu Mông xã của người Mông, Hồng Thu Mán của người Dao, rồi Pu Sam Cáp, bản Nhiều Sáng của xã Làng Mô gợi hình dung về một miền xa ngái. Sau một buổi sáng đi đường, du khách sẽ tới thị trấn Sìn Hồ. Đây là một thung lũng nhỏ có những thửa ruộng bậc thang uốn lượn tựa làn sóng nhấp nhô giữa biển khơi. Vào mùa lúa chín, cả thị trấn như được nhuộm một màu vàng óng ả.
Chợ Sìn Hồ bày bán đủ các thứ hàng hóa tạp phẩm, giày dép, thổ cẩm… Phụ nữ dân tộc xuống chợ xúng xính trong bộ váy thổ cẩm rực rỡ sắc màu. Người ta đến chợ không chỉ để mua hàng mà còn giao lưu văn hóa. Giữa không gian mênh mông của miền sơn cước, nghe một bài dân ca Mông thôi cũng đủ thấy say lòng! Đến Sìn Hồ, du khách còn không quên thưởng thức những món đặc sản như thịt trâu quấn lá lốt, thịt dê hấp, cá suối chiên vàng, xôi nếp nướng vừa dẻo vừa thơm, ăn một lần thì nhớ mãi.
Với đặc trưng của xứ lạnh, nhiệt độ trung bình năm khoảng 180C nên du khách đến Sìn Hồ thường được hướng dẫn nên thử tắm lá thuốc của người Dao một lần. Cảm giác được ngâm mình thư giãn trong thùng gỗ pơ mu đổ đầy nước thuốc pha chế từ 20 vị thuốc của rừng, sau đó để lão Páo bấm huyệt, bao mệt nhọc sẽ tan biến, chỉ còn lại sự thư thái đầy sảng khoái. Lên Sìn Hồ, du khách còn có thể đến thăm núi Đa Ô ở xã Phìn Hồ, dinh thự của vua Thái Đèo Văn Long ở xã Lê Lợi, mang kiến trúc đặc trưng của bản sắc văn hóa Thái nay trở thành di tích lịch sử, giáo dục lòng tự hào dân tộc; hay đắm chìm trong màn múa xòe của đồng bào dân tộc Thái; chiêm ngưỡng tấm bia Lê Lợi được khắc trên vách đá ở Bắc sông Đà. Cách thị trấn Sìn Hồ 50km là đền xã Pú Đao (tiếng dân tộc nghĩa là núi cao) của người dân tộc Mông. Bản này từng được hãng du lịch Gecko Travel (Anh) bình chọn là điểm đến đẹp nhất vùng Đông Nam Á. Trên núi hiện vẫn còn bạt ngàn những vùng hoa dại. Xen lẫn nương rẫy xanh ngắt dưới thung lũng là những cây cổ thụ lá đỏ rực. Xuống đến vùng thấp Sìn Hồ, du khách không khỏi ngỡ ngàng phóng tầm mắt nhìn những bản tái định cư trong màu ngói mới đang ngày càng no ấm và màu xanh ngắt bạt ngàn của rừng cao su. Khung cảnh đẹp đến nỗi khó thốt nên lời.
Bài và ảnh: Phan Lâm