Thu hút khách du lịch Trung Quốc: Cơ hội lớn, thách thức không nhỏ...
Chuẩn bị sẵn sàng đón khách Trung Quốc, đảm bảo an toàn phòng dịch
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho biết, trong giai đoạn trước COVID, Trung Quốc là thị trường du lịch outbound lớn nhất thế giới, mang lại nguồn thu chiếm tới 20% doanh thu Du lịch toàn cầu. Tuy nhiên với chính sách zero COVID, trong 3 năm COVID (2020 - 2022) Trung Quốc đã đóng cửa và vì vậy thế giới đã không đón được khách du lịch Trung Quốc. Nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam trước đây khách du lịch Trung Quốc là nguồn khách lớn nhất thì nay gặp khó khăn. Do vậy khi Chính phủ Trung Quốc tuyên bố sẽ mở cửa Du lịch quốc tế từ 08/01/2023 đã tạo ra hiệu ứng tích cực cho du lịch toàn cầu. Hầu hết các quốc gia dự kiến đón khách Trung Quốc đều đã đưa ra các chính sách thu hút nhanh lượng khách quan trọng này. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, nhiều nước đã có các quy định kiểm soát việc phòng chống COVID với khách Trung Quốc.
“Để chuẩn bị cho việc thu hút và phục vụ khách Trung Quốc, việc đầu tiên ngành Du lịch phải triển khai là đưa ra các giải pháp cấp bách để sớm thu hút được khách du lịch Trung Quốc, đồng thời phải ban hành các quy chế chặt chẽ về quản lý hoạt động này, đảm bảo kết quả kinh doanh tốt nhất, chấn chỉnh các hành động sai pháp luật trong phục vụ khách Trung Quốc, tạo ấn tượng tốt nhất đối với khách Trung Quốc để đảm bảo phát triển bền vững thị trường quan trọng này”, ông Vũ Thế Bình nhận định.
Theo đó, Việt Nam và Trung Quốc có chung đường biên giới đường bộ, đường biển. Quan hệ hai nước về chính trị, ngoại giao, kinh tế, văn hóa... được chú trọng, củng cố; kết nối hàng không, đường bộ, đường biển thuận lợi là những điều kiện cho hợp tác phát triển du lịch trao đổi khách giữa hai nước. Trung Quốc luôn là thị trường gửi khách lớn nhất đến Việt Nam với hơn 5,8 triệu lượt khách vào năm 2019, chiếm 1/3 tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam, với mức tăng ấn tượng là 17% so với cùng kỳ năm 2018. Việt Nam cũng luôn đứng trong top 5 thị trường gửi khách lớn nhất của Trung Quốc.
Năm 2022, khách du lịch nội địa đạt trên 101 triệu lượt, tăng 68% so với kế hoạch năm và tăng 19% so năm 2019. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 495 nghìn tỷ đồng, vượt hơn 23% so với kế hoạch năm 2022. Tuy nhiên, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam vẫn chưa phục hồi. Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 3,6 triệu lượt, đạt 70% kế hoạch năm, nhiều doanh nghiệp, cơ sở dịch vụ vẫn còn hoạt động khó khăn. Bên cạnh nguyên nhân do tình hình kinh tế thế giới còn khó khăn, xung đột Nga - Ukraine... thì việc thị trường du lịch Trung Quốc đóng băng cũng là nguyên nhân dẫn đến lượng khách quốc tế đến Việt Nam còn chưa đạt như kỳ vọng, kế hoạch.
Tại hội nghị, Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Trùng Khánh thông tin, vừa qua, Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam đã có thông báo Trung Quốc sẽ điều chỉnh chính sách phòng chống dịch và xuất nhập cảnh từ ngày 08/01/2023, đây là tín hiệu tích cực đối với ngành du lịch ngay trong những ngày đầu năm 2023. Khi các cửa khẩu đường bộ, đường biển được mở, đường bay thương mại giữa hai nước được nối lại, sẽ được kỳ vọng mang lại cơ hội lớn cho các hoạt động du lịch quốc tế của toàn ngành, cũng như các địa phương, các doanh nghiệp đã và sẽ tham gia vào quá trình cung cấp dịch vụ du lịch cho thị trường này.
Bên cạnh những cơ hội lớn luôn tồn tại song song là những thách thức không nhỏ, bởi 3 năm đại dịch COVID-19 đã mang đến rất nhiều thay đổi từ nội tại ngành du lịch của chúng ta như sản phẩm, dịch vụ du lịch, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực... cho đến đối tượng khách hàng, thói quen, nhu cầu, sở thích, cũng như phương thức tiếp cận...
Với mong muốn toàn ngành du lịch Việt Nam cùng chung tay chuẩn bị những gì tốt nhất để đón đầu việc Trung Quốc mở cửa trở lại, góp phần tăng trưởng khách quốc tế đến Việt Nam, Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh đề nghị các địa phương, doanh nghiệp quan tâm thảo luận một số nội dung như có biện pháp đón khách chu đáo, đảm bảo an toàn phòng chống dịch; tạo điều kiện thuận lợi về các thủ tục nhập cảnh; kết nối, mở lại các đường bay thương mại tới các thành phố lớn, đặc biệt là những sân bay, thành phố trước đây là những trạm trung chuyển khách Trung Quốc đến Việt Nam sôi động nhất; đánh giá và xây dựng sản phẩm, dịch vụ du lịch phù hợp với nhu cầu và tính chất đặc thù riêng của du khách Trung Quốc sau đại dịch; đầu tư chỉnh trang, hoàn thiện và nâng cấp cơ sở vật chất như cầu cảng, cửa khẩu, sân bay, khách sạn, nhà hàng, các điểm tham quan du lịch...; kết nối thị trường, xúc tiến, quảng bá, các địa phương, doanh nghiệp có kế hoạch, đầu tư, kết nối lại thị trường, kết nối với các địa phương, doanh nghiệp, đối tác Trung Quốc trong việc giới thiệu, tổ chức cho khách Trung Quốc đi du lịch Việt Nam; tổ chức các chương trình gặp gỡ, khảo sát, giới thiệu sản phẩm, du lịch, đón các đoàn famtrip, KOL từ thị trường Trung Quốc...
Bên cạnh đó, cần ứng dụng công nghệ thông tin chủ động tiếp cận thị trường Trung Quốc trên các nền tảng mạng xã hội phổ biến ở Trung Quốc như weibo, douyin, xigua... Phát triển trang web giới thiệu điểm đến, sản phẩm dịch vụ của địa phương, doanh nghiệp với phiên bản tiếng Trung để tiếp thị tới thị trường này. Đặc biệt làm thế nào để sớm xây dựng phương án tuyển dụng, đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ khách du lịch Trung Quốc.
Thông qua đó, Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh kỳ vọng hội nghị sẽ là diễn đàn để các địa phương, doanh nghiệp thảo luận, thống nhất các hoạt động cụ thể để toàn ngành, địa phương, doanh nghiệp có những giải pháp hiệu quả nhất thu hút khách du lịch Trung Quốc trong bối cảnh mở cửa biên giới sau gần 3 năm không được đi du lịch nước ngoài; mang lại những trải nghiệm mới mẻ, thú vị và để lại ấn tượng sâu sắc với du khách Trung Quốc; nâng cao sức cạnh tranh của Việt Nam với các điểm đến khách trong khu vực và quốc tế. Đồng thời góp phần thu hút khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam, để sớm phục hồi lượng khách từ thị trường này trở lại mạnh mẽ hơn giai đoạn trước đại dịch; hoàn thành mục tiêu đón 8 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2023.
Đón đầu xu hướng đón khách Trung Quốc
Hiện nay, sau 3 năm du lịch bị gián đoạn bởi dịch COVID-19, xu hướng của thị trường khách du lịch Trung Quốc đã thay đổi, theo ông Cao Trí Dũng Chủ tịch Liên Chi hội Lữ hành Việt Nam, du khách Trung Quốc đặc biệt là giới trẻ sẽ bùng nổ đi du lịch, du khách sẽ lựa chọn các điểm đến đang thu hút khách, đi lại thuận lợi qua đường bộ hoặc các điểm đến có đường bay thuận lợi. Trong đó, xu hướng chọn các điểm đến có không gian trải nghiệm tốt, dịch vụ nghỉ dưỡng đa dạng hướng thiên nhiên, sinh thái, khám phá ẩm thực, văn hóa địa phương; du khách có xu thế chi tiêu nhiều hơn, chọn dịch vụ cao cấp hơn. Ngoài xu hướng tour đoàn giá rẻ như trước đây thì xu hướng đi theo nhóm nhỏ bạn bè, gia đình, tự mua vé máy bay, đặt khách sạn, tự thuê xe di chuyển và mua dịch vụ daily tour tại các điểm đến theo nhu cầu và sở thích đã thu hút du khách.
Theo Giám đốc kinh doanh Tập đoàn Sun Group Phạm Văn Hiệp, Sun Group đã chuẩn bị sẵn sàng đón khách du lịch Trung Quốc khi xây dựng chính sách đặc thù góp phần tăng lượng khách Trung Quốc chính thống, nâng cấp cơ sở hạ tầng, giữ gìn đội ngũ nhân sự, hoàn thiện các sản phẩm mới phù hợp với thị trường…
Tại hội nghị, nhiều doanh nghiệp bày tỏ sự chuẩn bị sẵn sàng cho việc đón khách du lịch Trung Quốc, các chuỗi hoạt động dịch vụ đã khởi động để đón khách quốc tế, đặc biệt là khách Trung Quốc – thị trường khách số 1 của Việt Nam.
TổngGiám đốc công ty cổ phần lữ hành quốc tế Kim Liên Ngô Lan Phương chia sẻ, các công ty du lịch lớn tại Trung Quốc sẽ làm việc trở lại ngay sau Tết Nguyên đán, tuy nhiên hiện tại Việt Nam chưa có tên trong danh sách các điểm đến du lịch được chú ý, trong khi đó Thái Lan hiện đang là điểm đến cạnh tranh với Việt Nam trong việc đón khách Trung Quốc và là thị trường thu hút rất lớn lượng khách đến từ đất nước này.
Để bắt kịp với xu thế của khách du lịch Trung Quốc, bà Phương cho rằng, doanh nghiệp hai nước cần trao đổi, liên kết hợp tác về công tác xúc tiến cũng như về sản phẩm để phù hợp với thị trường này.
Về giải pháp khôi phục thị trường khách Trung Quốc, ông Cao Trí Dũng Chủ tịch Liên chi hội Lữ hành Việt Nam chia sẻ, các hãng hàng không cần khôi phục mạng lưới các đường bay thường lệ, charter có triển vọng thu hút khách đến một số địa phương Đà Nẵng, Khánh Hòa, Phú Quốc,… đồng thời tăng cường công tác quảng bá điểm đến Việt Nam tại các địa phương có đường bay trực tiếp và các địa phương lân cận có đường bộ đến Việt Nam thuận tiện; các doanh nghiệp lữ hành Việt Nam phải liên kết hình thành đa dạng các nhóm sản phẩm từ giá rẻ đến cao cấp để cung cấp cho các đối tác, giảm thiểu cạnh tranh không lành mạnh, giảm sức ép và chi phối không tốt từ các đối tác như trước đây; các nhà cung cấp dịch vụ cần ổn định lại nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng để sẵn sàng phục vụ du khách Trung Quốc, đảm bảo cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ, kiên quyết không cạnh tranh phá giá,…
Trong đó công tác xúc tiến truyền thông cũng cần sự phối hợp đồng bộ từ cơ quan quản lý du lịch trung ương và địa phương, các hãng hàng không, các doanh nghiệp du lịch, trong công tác xúc tiến thị trường, truyền thông điểm đến Việt Nam. Đẩy mạnh quảng bá về Việt Nam là điểm đến an toàn, thân thiện và thú vị với tất cả du khách Trung Quốc, thay đổi quan điểm đi du lịch giá rẻ là đi Việt Nam. Đặc biệt triển khai các chiến dịch truyền thông trên các kênh mạng xã hội, nền tảng công nghệ thịnh hành ở Trung Quốc hiện nay như Weibo, Tik Tok, WeChat, QQ, Baidu,...
Không để xảy ra tình trạng tour 0 đồng, tour trốn thuế
Theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình, tình trạng xuất hiện tour giá rẻ (thường gọi là tour không đồng), kinh doanh núp bóng, hướng dẫn viên là người nước ngoài, lừa đảo trong mua bán hàng hóa, các cửa hàng, khách sạn, công ty lữ hành chui đã làm cho việc đón và phục vụ khách Trung Quốc ở nhiều nơi lộn xộn, không quản lý được làm cho nhiều khách Trung Quốc không hài lòng, hình ảnh đất nước, con người Việt nam bị hiểu sai. Những việc làm trên đã gây bức xúc cho xã hội, làm ảnh hưởng đến thương hiệu Du lịch Việt Nam, làm thiệt hại cho ngành du lịch, cho hình ảnh đất nước.
Bên cạnh những ý kiến chia sẻ của lãnh đạo các địa phương và các doanh nghiệp lữ hành đều nhất trí và đồng tình về việc xử lý nghiêm những vấn đề tiêu cực như nạn trốn thuế, tour 0 đồng, hướng dẫn viên chui... và thủ tục visa; cần có những giải pháp cụ thể để chấm dứt tình trạng này, đồng thời tiến hành thanh, kiểm tra các doanh nghiệp lữ hành về năng lực đón khách, tránh tồn tại những doanh nghiệp trá hình, hoạt động chui không bảo đảm phục vụ khách. Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh Phạm Văn Thủy cho rằng thời gian tới cần xem xét cơ chế đặc thù với việc đón khách Trung Quốc tại các cửa khẩu; thống nhất giải pháp đón khách cho các doanh nghiệp để tránh tình trạng những tour “0 đồng” chất lượng kém, tour trốn thuế.
Thảo Anh