Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy nhận định, đại dịch COVID-19 trong suốt thời gian vừa qua đã gây thiệt hại vô cùng to lớn, chưa từng có trong lịch sử ngành Du lịch, để lại những hậu quả hết sức nghiêm trọng, cần phải có sự nỗ lực lớn cùng các giải pháp thiết thực để khắc phục, từng bước ổn định và phát triển. Thứ trưởng đồng thời cho rằng, thời gian qua, ngành Hàng không đã rất nỗ lực, khẩn trương, tích cực xúc tiến mở nhiều đường bay quốc tế mới, đáp ứng nhu cầu đi lại, giao thương và du lịch. Qua đó, đem đến cho khách hàng nhiều sự lựa chọn về chuyến bay, thời gian bay, trải nghiệm bay tốt đẹp; đồng thời, góp phần khai thác, phát huy hiệu quả lợi thế về tài nguyên du lịch của từng địa phương.
Theo Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy, năm 2022, thị trường du lịch đã dần khôi phục trở lại, nhất là du lịch nội địa. Hoạt động du lịch tại các trung tâm diễn ra sôi động, nhiều địa phương ghi nhận lượng khách tăng vọt; doanh nghiệp lữ hành đã bắt đầu quay lại thị trường, mở thêm nhiều dịch vụ; hơn 90% cơ sở lưu trú du lịch trên cả nước đã hoạt động trở lại bình thường. Dù vậy, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam còn hạn chế, năm 2022, Du lịch Việt Nam chỉ đón 3,5 triệu lượt khách quốc tế, đạt 70% so với chỉ tiêu đặt ra từ đầu năm. Thứ trưởng dẫn phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị Thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế vào Việt Nam ngày 21/12 vừa qua, cho rằng du lịch quốc tế vẫn có điểm nghẽn.
“Tại Hội thảo ngày hôm nay, chúng tôi mong muốn các học giả, chuyên gia, quý vị đại biểu đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết nhằm tháo gỡ các “điểm nghẽn” như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thúc đẩy phát triển du lịch trước mắt, đồng thời bàn giải pháp lâu dài, căn cơ để phát triển ngành Du lịch bền vững trong tương lai” - Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy gợi ý Hội thảo tập trung đánh giá thách thức, cơ hội của ngành Du lịch Việt Nam trong những năm tới; trao đổi, thảo luận định hướng của ngành Hàng không trong việc chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị kịp thời đón bắt nhịp phục hồi của thị trường du lịch quốc tế. Đồng thời, trao đổi, thảo luận về giải pháp liên kết, phối hợp giữa ngành Hàng không và Du lịch trong việc tăng cường xúc tiến quảng bá Du lịch Việt Nam; giải pháp hoàn thiện cơ sở pháp lý, chính sách, tạo thuận lợi thu hút khách du lịch đến Việt Nam; cải cách hành chính, cắt giảm quy trình thủ tục nhằm hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp du lịch kinh doanh, phát triển. Thứ trưởng khẳng định “Bộ VHTTDL sẽ phối hợp chặt chẽ với ngành Hàng không, các Bộ, ngành liên quan để đồng hành cùng doanh nghiệp du lịch, các địa phương nhằm tận dụng tốt hơn nữa cơ hội, đón đầu xu hướng du lịch trên thế giới. Không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, làm mới sản phẩm thu hút du khách, sớm lấy lại tốc độ tăng trưởng như trước đại dịch, góp phần tạo dựng từng bước đi vững chắc, tạo đà bứt phá cho Du lịch Việt Nam phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn”.
Tại Hội thảo, Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Trùng Khánh đã chỉ ra nguyên nhân khiến chỉ tiêu khách quốc tế năm 2022 chưa đạt. Về khách quan, là do thời gian mở cửa đến nay chưa phải mùa du lịch quốc tế; xung đột Nga - Ukraine đã tác động đến việc nối lại đường bay Việt Nam - Nga, ảnh hưởng đến thị trường nguồn khách Nga đến Việt Nam. Hầu hết các thị trường khu vực Đông Bắc Á (chiếm gần 70% khách quốc tế đến Việt Nam) vẫn áp dụng các biện pháp chống dịch, nhất là Trung Quốc. Nguyên nhân chủ quan là do chưa có cơ chế, chính sách đột phá hơn về thủ tục nhập cảnh, thị thực; kết nối vận tải - hàng không, đường bộ; quảng bá xúc tiến du lịch; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp du lịch kinh doanh hoạt động. “Đại dịch COVID-19 đã làm thay đổi nhu cầu du lịch, tạo ra các xu hướng du lịch mới. Các nước trên thế giới, nhất là trong khu vực ASEAN đều tập trung những giải pháp ưu tiên phục hồi, thúc đẩy tăng trưởng trở lại của ngành Du lịch. Vì vậy, du lịch Việt Nam phải đối mặt với vấn đề cạnh tranh gay gắt về điểm đến, cạnh tranh sản phẩm dịch vụ du lịch trong thu hút thị trường khách nước ngoài”, Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh chia sẻ.
Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh cho rằng, để đạt mục tiêu ngành Du lịch đón 110 triệu lượt khách du lịch trong năm 2023 (8 triệu lượt khách quốc tế), tổng thu du lịch khoảng 650 nghìn tỉ đồng, ngành Du lịch và Hàng không phải tăng cường hợp tác chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa để thúc đẩy du lịch phát triển. Đặc biệt, tập trung hợp tác phát triển sản phẩm du lịch; xúc tiến quảng bá du lịch, ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển hàng không - du lịch; hỗ trợ doanh nghiệp du lịch và hàng không; phát triển cơ sở vật chất, hạ tầng, nguồn nhân lực.
Chia sẻ tại Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Ngô Thị Kim Yến cho biết, hiện có 23 đường bay nội địa và quốc tế đến Đà Nẵng, trong đó có 15 đường bay quốc tế trực tiếp được khôi phục và khai thác trung bình 19 chuyến/ngày. “Chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục quan tâm chỉ đạo, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để khôi phục hoạt động du lịch - hàng không trên địa bàn Đà Nẵng”, bà Ngô Thị Kim Yến khẳng định.
Tại Hội thảo, nhiều ý kiến xác đáng, tâm huyết, nhận được sự đồng tình cao của các đại biểu. Chủ tịch Liên chi hội Lữ hành Việt Nam Cao Trí Dũng cho rằng, Du lịch Việt Nam chỉ mở cửa trước, nhưng các thủ tục và chính sách thị thực; cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật sau dịch... thì lại đi sau, thậm chí đi sau rất nhiều nước trong khu vực. “Rất nhiều thách thức, “điểm nghẽn” để thu hút du khách quốc tế, đòi hỏi các Bộ, ngành cùng các địa phương phải chung tay phối hợp giải quyết chứ không chỉ riêng của ngành Du lịch” - ông Cao Trí Dũng thẳng thắn. Cũng theo ông Cao Trí Dũng, Du lịch Việt Nam cần xây dựng chính sách nâng cao năng lực cạnh tranh về điểm đến; cải thiện các chính sách còn hạn chế liên quan đến du lịch; tổ chức các hoạt động tập huấn nâng cao kỹ năng phục vụ du lịch - đặc biệt là nhận thức về du lịch cộng đồng, sinh thái, bảo vệ môi trường, du lịch ẩm thực; tăng cường công tác quản lý môi trường du lịch để tạo ấn tượng đẹp, tăng số lượng du khách quay lại Việt Nam nhiều lần...
Đặc biệt, Phó Trưởng phòng Phòng Vận tải hàng không, Cục Hàng không Việt Nam Bùi Minh Đăng cho biết, hiện có hơn 63 hãng hàng không thường lệ nước ngoài và 4 hãng hàng không Việt Nam khai thác hành khách trên 154 đường bay quốc tế kết nối 26 quốc gia, vùng lãnh thổ đến 5 điểm của Việt Nam là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Phú Quốc. Năm 2023, dự kiến vận chuyển quốc tế đạt 34 triệu hành khách, tăng 3 lần so năm 2022 và bằng 83% so năm 2019. Ông Bùi Minh Đăng khẳng định, thời gian tới, ngành Hàng không sẽ tiếp tục theo dõi, bám sát, kiên trì tìm hiểu thông tin; trao đổi làm việc với các nhà chức trách hàng không Trung Quốc, Ấn Độ nhằm tạo điều kiện về mặt pháp lý cho hoạt động khai thác của các hãng hàng không Việt Nam đến các quốc gia này. Tạo điều kiện cho hoạt động khai thác quốc tế của các hãng hàng không Việt Nam và nước ngoài; khuyến khích khai thác các đường bay quốc tế đến các cảng hàng không quốc tế (HKQT) khác ngoài Nội Bài và Tân Sơn Nhất. Nghiên cứu việc thiết lập đường bay không lưu quốc tế đến cảng HKQT Cát Bi; xem xét, công bố cảng hàng không Liên Khương là cảng HKQT để tạo điều kiện cho hoạt động khai thác quốc tế của các hãng hàng không đến các cảng hàng không này.
“Đề nghị Chính phủ xem xét các quy định đối với thị thực cho khách du lịch quốc tế theo hướng nới lỏng (tăng thời hạn lưu trú và mở rộng phạm vi các quốc gia được miễn thị thực nhập cảnh Việt Nam); xem xét có chính sách khuyến khích, phát triển các loại hình kinh doanh hàng không chung để phục vụ khách du lịch…” – ông Bùi Minh Đăng kiến nghị.
Đình Phong