Hội nghị nhằm tăng cường trao đổi học tập kinh nghiệm, đồng thời thúc đẩy phát triển các hoạt động du lịch giữa các địa phương. Bên cạnh đó, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế về giá trị tài nguyên du lịch của các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Hồng mở rộng; đẩy mạnh hợp tác phát triển du lịch, nâng cao hiệu quả hoạt động kết nối phát triển du lịch vùng, qua đó góp phần tăng trưởng kinh tế - xã hội, thu hút khách du lịch đến các địa phương. Hội nghị có sự tham dự của Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (TCDL) Hà Văn Siêu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Trần Song Tùng; cùng lãnh đạo một số Vụ thuộc TCDL; lãnh đạo Sở Du lịch Ninh Bình, Hiệp hội Du lịch Ninh Bình.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Trần Song Tùng nhận định, ngành Du lịch Ninh Bình đã có sự đóng góp tích cực đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Du lịch Ninh Bình đang đứng trước giai đoạn phát triển mạnh mẽ, đặc biệt từ khi Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới. Tốc độ tăng trưởng khách du lịch bình quân giai đoạn 2010-2019 của Ninh Bình đạt 12%/năm, doanh thu tăng bình quân 23,6%/năm. Giai đoạn 2020-2021, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, du lịch Ninh Bình bị thiệt hại nặng nề. Tuy nhiên, với những biện pháp đầu tư, xúc tiến, quảng bá, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, hoạt động du lịch của Ninh Bình năm 2022 đã nhanh chóng phục hồi trở lại; ước đón 3,7 triệu lượt khách du lịch, trong đó có gần 60 nghìn khách du lịch quốc tế. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Trần Song Tùng khẳng định, đạt được kết quả trên, UBND tỉnh Ninh Bình đã chủ động, linh hoạt trong việc liên kết, phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Hồng để cùng nhau phát huy lợi thế cạnh tranh, phát triển mạnh mẽ các dịch vụ, sản phẩm du lịch phong phú, đa dạng, thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Trần Song Tùng đồng thời cho rằng, trong quá trình phát triển du lịch Ninh Bình, tính liên kết vùng vẫn còn tồn tại những hạn chế. Một số tài nguyên hấp dẫn mới được phát hiện chưa được tổ chức quản lý, khai thác hiệu quả; sản phẩm du lịch chưa phong phú. Đặc biệt, còn ít tour du lịch liên tỉnh, thành phố; công tác quảng bá xúc tiến còn rời rạc, chưa chuyên nghiệp; nguồn nhân lực du lịch còn thiếu và yếu…
Tại hội nghị, các đại biểu đã chia sẻ những ý kiến tâm huyết, sát thực nhằm đưa du lịch Ninh Bình và vùng đồng bằng sông Hồng nói chung phát triển mạnh mẽ hơn, tương xứng với tiềm năng, thế mạnh sẵn có. Các đại biểu cho rằng các địa phương vùng đồng bằng sông Hồng cần phải cùng thống nhất đánh giá tài nguyên du lịch, nghiên cứu, xây dựng sản phẩm du lịch phù hợp với điều kiện của từng địa phương đáp ứng nhu cầu của khách du lịch trong nước và quốc tế. Đặc biệt, nghiên cứu xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù để tăng cường khả năng cạnh tranh, tạo thương hiệu nhưng phải đảm bảo hài hòa với định hướng phát triển và lợi ích chung của cả vùng. Từ đó, xây dựng chương trình quảng bá xúc tiến, tạo thương hiệu để giới thiệu hình ảnh du lịch vùng đồng bằng sông Hồng như một điểm đến an toàn, thân thiện, chất lượng và hấp hẫn. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề xuất các giải pháp liên quan đến vấn đề quy hoạch, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng các sản phẩm du lịch mới mang hàm lượng văn hóa độc đáo riêng có của vùng; tăng cường kết nối các sản phẩm du lịch như du lịch khoa học, du lịch tâm linh,…
Trong khuôn khổ Hội nghị, các đại biểu đã ký biên bản thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch giữa các tỉnh, các Hiệp hội du lịch và một số doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch. Trước đó, các đại biểu đã tham gia khảo sát, giới thiệu, kết nối sản phẩm dịch vụ du lịch giữa Hà Nội, Hà Nam và Ninh Bình.
Gia Khôi