Lễ hội Bà Chúa Xứ - Một số điều cần bàn
Miếu Bà Chúa Xứ là một công trình kiến trúc đẹp và tôn nghiêm, tọa lạc dưới chân núi Sam, thuộc phường núi Sam, TP. Châu Đốc, tỉnh An Giang. Đây là một di tích nổi tiếng ở khắp vùng đồng bằng sông Cửu Long, hàng năm thu hút hàng triệu lượt người đến hành hương, tham quan.
Cách đây gần 200 năm, núi Sam còn hoang vu, giặc biên giới thường sang quấy nhiễu. Một hôm, có một toán giặc Xiêm leo lên núi phát hiện được pho tượng cổ bằng đá rất đẹp, chúng tìm cách khiêng đi nhưng không thể nào xê dịch được nên tức giận đập phá làm gãy cánh tay trái pho tượng. Sau khi chúng bỏ đi, trong làng có một bé gái bỗng dưng mặt đỏ bừng, đầu lắc lư, tự xưng là Chúa Xứ Thánh Mẫu, nói với các bô lão: “Tượng Bà đang ngự trên núi, bị giặc Xiêm phá hại, dân làng hãy đưa Bà xuống”. Dân làng lên núi xúm nhau khiêng tượng xuống làng để gìn giữ và phụng thờ. Bao nhiêu tráng đinh lực điền được huy động nhưng không làm sao nhấc pho tượng lên được. Các cụ bàn nhau chắc là chưa trúng ý Bà nên cử người cầu khấn. Quả nhiên bé gái hôm nọ lại được Bà đạp đồng mách bảo: “Hãy chọn 9 cô gái đồng trinh để đem Bà xuống núi”. Dân làng mừng rỡ tuyển chọn 9 cô gái dẫn lên núi, xin phép Bà được đưa cốt tượng xuống. Lạ thay, 9 cô gái khiêng bà đi một cách nhẹ nhàng. Xuống đến chân núi, tượng bỗng nặng trịch, các cô phải đặt xuống đất và không nhấc lên nổi nữa. Dân làng hiểu rằng Bà muốn ngự nơi đây nên tổ chức xin keo, được Bà chấp thuận và lập miếu thờ. Hôm đó là ngày 25/4 âm lịch, dân làng lấy ngày này làm lễ vía Bà.”
Theo thông lệ lễ hội Bà Chúa Xứ núi Sam được tổ chức từ ngày 23 - 27/4 âm lịch, ngày vía chính là ngày 25/4 âm lịch.
Chương trình hoạt động lễ hội ngày càng đa dạng và phong phú. Bên cạnh phần lễ thực hiện theo nghi thức truyền thống mang đậm nét văn hóa dân tộc thì phần hội không ngừng được cải thiện, nâng cấp và kết hợp với nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật, đờn ca tài tử, các trò chơi giải trí. Sau khi tham gia lễ hội, du khách có thể tham quan, nghiên cứu ở các điểm di tích danh thắng như: lăng Thoại Ngọc Hầu, miếu Bà Chúa Xứ, chùa Tây An, chùa Hang và nhiều di tích danh thắng khác với những công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo, có giá trị.
Lễ hội Bà Chúa Xứ là dịp để bà con trong vùng hội tụ và tỏ lòng biết ơn đối với người Mẹ xứ sở. Chính vì thế, lễ hội ngày càng được xã hội hóa và được hàng trăm người tự nguyện tham gia phục vụ.
Hiện nay, hệ thống cơ sở hạ tầng không ngừng được cải thiện với mạng lưới giao thông dần được mở rộng cả đường thủy và đường bộ; hệ thống điện, cấp thoát nước được đầu tư nâng cấp trên toàn địa bàn TP. Châu Đốc đã tạo thêm điều kiện thuận lợi cho người dân và du khách đến với lễ hội Bà Chúa Xứ.
Tuy nhiên, con đường vòng núi Sam là con đường chính phục vụ cho lễ hội nhưng vẫn còn nhỏ hẹp chưa đáp ứng được lưu lượng khách và xe lưu thông trong mùa lễ hội. Ngoài ra, đường lên núi Sam bị xuống cấp nghiêm trọng gây khó khăn cho việc tổ chức lễ Phục hiện và du khách lên núi. Số lượng cơ sở lưu trú tuy ngày càng nhiều (từ khách sạn cao cấp đến nhà trọ bình dân) nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu của du khách.
Vào mùa lễ hội, lượng khách hành hương về rất đông kéo theo đó là rác thải, chất thải sinh hoạt từ các hộ kinh doanh, mua bán gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường.
Mặc dù là khu di tích danh thắng có nhiều di tích được công nhận cấp quốc gia, đặc biệt là miếu Bà Chúa Xứ, lăng Thoại Ngọc Hầu và cả lễ hội nhưng tại đây chưa có hướng dẫn viên hay thuyết minh viên. Điều này đã gây nên sự khó khăn cho du khách khi muốn tìm hiểu về lễ hội hay các di tích.

Phát triển du lịch qua lễ hội Bà Chúa Xứ
Mở rộng quy mô lễ hội trong xu hướng kết hợp lễ hội với du lịch
Để thu hút và kéo dài thời gian lưu trú của du khách, có thể mở rộng không gian và đối tượng tham gia lễ hội bằng nhiều hình thức như tổ chức lễ hội kết hợp với quảng bá, xúc tiến du lịch An Giang với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ.
Song song với các chương trình lễ truyền thống, nhằm tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong nhân dân, Trung tâm Thể dục - Thể thao thành phố nên phối hợp cùng các đơn vị liên quan tổ chức nhiều hoạt động thể thao như giải đua xe đạp mở rộng, bóng đá giao lưu dành cho du khách, bóng chuyền nông dân, đua thuyền rồng trên sông Châu Đốc, thi đấu cờ tướng, hội thao leo núi cùng các trò chơi dân gian, bi sắt, kéo co, đẩy gậy, đập nồi, thả diều nghệ thuật,… tạo thêm không khí sôi động cho lễ hội.
Về an ninh trật tự, Ban Chỉ huy lễ hội cần tăng cường các lực lượng, sự hỗ trợ của các ngành, kiên quyết giữ gìn an ninh, trật tự an toàn xã hội, không để phát sinh các tệ nạn như mê tín dị đoan, đeo bám khách, mua bán gian lận… nhằm xây dựng môi trường văn hóa du lịch, văn minh thương mại trong khu di tích và toàn thành phố để giữ an toàn cho du khách đến tham quan.
Kết hợp giữa lễ hội, tham quan, mua sắm, ăn uống, vui chơi, giải trí
Bên cạnh việc trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa, nên xây dựng các phòng trưng bày gắn liền với các di tích này nhằm giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống văn hóa của ông cha ta và phục vụ nhu cầu tham quan nghiên cứu của du khách.
Đến với Châu Đốc ngoài việc tham quan thắng cảnh, hành hương, du khách còn muốn được thưởng thức những món ăn đặc sản nổi tiếng như các loại mắm, các món ăn từ trái thốt nốt. Do đó, cần hệ thống hóa các hàng, quán để có thể phục vụ du khách một cách tốt nhất. Ngoài ra, đối với hàng hóa lưu niệm, bên cạnh việc đa dạng hóa các sản phẩm, cần sản xuất các sản phẩm đặc trưng của Châu Đốc như hàng thủ công mỹ nghệ từ đá (tượng, đồ trang sức, đồ dùng gia đình,…), từ cây thốt nốt (túi sách, nón, võng,…) tạo sự hấp dẫn đối với du khách.
Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền và nâng cao nhận thức về việc giữ gìn nét văn hóa truyền thống
Bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống, góp phần giáo dục truyền thống lịch sử - văn hóa cho thế hệ trẻ hiện nay và mai sau. Để bảo đảm thực hiện tốt nguyên tắc này phải quán triệt quan điểm của Đảng về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là việc cần thiết, liên tục, thường xuyên.
Để quảng bá hình ảnh văn hóa của lễ hội, cần tuyên truyền, vận động thông qua việc thiết lập hệ thống báo chí, sách vở để đưa đến tận người đọc, thông qua mạng lưới thư viện đến các phòng đọc sách, các tủ sách được bố trí ở cụm dân cư hoặc ở tại miếu Bà.
Nâng cao ý thức giữ gìn, trùng tu, tôn tạo miếu Bà Chúa Xứ. Đồng thời giáo dục, động viên lớp trẻ về ý thức giữ gìn, bảo tồn di sản văn hóa tại miếu Bà, đảm bảo sự trang nghiêm, văn hóa ở nơi thờ tự.
Phát huy nét đẹp và giá trị văn hóa truyền thống
Việc tổ chức lễ hội phải đảm bảo sự hài hòa giữa sinh hoạt tôn giáo, sinh hoạt xã hội và sinh hoạt văn hóa. Cần phải giữ gìn những nét văn hóa độc đáo, riêng biệt cả phần lễ và phần hội của lễ hội, đồng thời khắc phục những hủ tục lạc hậu không còn phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta.
Năm 2001, lễ hội Bà Chúa Xứ núi Sam được chính thức công nhận là lễ hội cấp quốc gia. Năm 2009, Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam đã trao giấy chứng nhận và cúp lưu niệm Kỷ lục Việt Nam đối với “Ngôi miếu lớn nhất Việt Nam” và “Tượng bà bằng đá sa thạch xưa và lớn nhất Việt Nam” cho đại diện Ban Quản trị lăng miếu. |
Tài liệu tham khảo
1. Nguyễn Văn Hầu, Thoại Ngọc Hầu và những cuộc khai phá miền Hậu Giang, NXB Hương Sen, Sài Gòn.
2. Trịnh Bửu Hoài (2010), Lịch sử xây dựng và phát triển Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam, NXB Phương Đông.
3. Thái Thị Bích Liên (1998), Lễ hội miếu Bà Chúa Xứ núi Sam, NXB Văn hóa dân tộc.
ThS. Trần Thanh Thảo Uyên
(Tạp chí Du lịch)