Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Lê Quang Tùng nêu ra vấn đề về thu hút khách có khả năng chi trả cao: So sánh tương quan với một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, khách đến Việt Nam tuy có mức lưu trú dài nhưng lại chi tiêu trung bình thấp hơn, như ở Việt Nam là 9,5 ngày chi tiêu 96 USD/ngày, Singapore 3-4 ngày chi tiêu 325 USD/ngày, Thái Lan 9,6 ngày chi tiêu 163 USD Indo 8,4 ngày 115 USD/ngày. Thách thức này sẽ gây trở ngại cho Du lịch Việt Nam phát triển xứng đáng tiềm năng và đạt kỳ vọng.
“Để thực hiện các mục tiêu của Du lịch Việt Nam đến năm 2025 như tổng thu dự kiến 45 tỷ USD và đóng góp 10% GDP, trong thời gian tới Du lịch Việt Nam cần chú trọng vào chất lượng tăng trưởng, tập trung khai thác thị trường có khách chi trả cao, nghỉ dưỡng dài ngày, trải nghiệm văn hóa thiên nhiên, đẩy mạnh thu hút thị trường du lịch chuyên đề, tăng tỷ trọng khách du lịch tự trải nghiệm thay vì trọn gói.” - Thứ trưởng Bộ VHTTDL Lê Quang Tùng cho biết.
Thứ trưởng đề cập đến những giải pháp để thúc đẩy Du lịch Việt Nam nói chung và thu hút khách chi trả cao như: đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ, thúc đẩy các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng giải trí, du lịch công tác kết hợp du lịch cao cấp; tiếp thị xúc tiến du lịch tập trung vào các thị trường chi tiêu cao; tạo điều kiện visa thuận lợi để thu hút khách chi trả cao, lưu trú dài ngày, các đoàn khách du lịch tàu biển, MICE, golf, du lịch thể thao; tăng cường khả năng kết nối hàng không với các thị trường nguồn chất lượng cao; tập trung vào công tác quản lý điểm đến, xử lý các vấn đề liên quan bảo vệ môi trường, an toàn an ninh cho du khách; nâng cao chất lượng nhân lực du lịch từ nhân lực phổ thông đến quản lý cao cấp…
Thứ trưởng Lê Quang Tùng cũng khẳng định, Bộ VHTTDL quyết tâm phát triển kinh tế đất nước bằng du lịch là quyết tâm rất cao và kiên định của toàn ngành Du lịch. Bộ sẽ phối hợp với các Bộ, Ngành liên quan, báo cáo Chính phủ cải thiện mạnh mẽ những vấn đề thuộc về cơ chế, chính sách, khâu thực thi hiện còn là rào cản để thể hiện quyết tâm này và tạo động lực cho các nhà đầu tư trong nước, quốc tế tham gia vào phát triển Du lịch Việt Nam.
Tại phiên hiến kế về du lịch, đã có gần 30 ý kiến của các bên liên quan nhằm thu hút có chọn lọc các phân đoạn thị trường khách du lịch có khả năng chi trả cao và lưu trú dài ngày tới Việt Nam, dựa trên 4 nhóm vấn đề quan trọng: Cải thiện tính cạnh tranh của chính sách thị thực của Việt Nam; cải thiện năng lực cạnh tranh và tính bền vững; cải thiện hạ tầng hàng không và chiến lược quảng bá Du lịch Việt Nam.
Một trong những nội dung thu hút nhiều sự quan tâm là việc nới lỏng chính sách visa cho khách du lịch – được coi là một trong những “điểm nghẽn” cần được tháo gỡ của Du lịch Việt Nam. Đại diện Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao), Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) cho rằng chính sách miễn thị thực không phải yếu tố quyết định tác động tới việc khách quyết định đi du lịch Việt Nam.
Tuy nhiên, ý kiến các doanh nghiệp lại thống nhất cho rằng miễn visa là chính sách phát triển du lịch vô cùng quan trọng, là công cụ hữu hiệu mà rất nhiều quốc gia khi phát triển du lịch đã áp dụng. “Đây là vấn đề quan trọng hàng đầu với du khách, đặc biệt là khách cao cấp khi họ đặt câu hỏi tại sao chúng tôi được miễn visa ở rất nhiều quốc gia trên thế giới mà Việt Nam thì ko miễn?” – chuyên gia Lương Hoài Nam đặt câu hỏi. Ông Phạm Hà, Giám đốc công ty du lịch Sang Trọng cho rằng có bốn nút thắt trong ngành Du lịch: visa, đào tạo nguồn nhân lực, sản phẩm du lịch, xúc tiến hiệu quả. Trong đó, visa đang là rào cản rất lớn. Tổng Giám đốc Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ kiến nghị áp dụng chính sách visa linh hoạt. Theo đó, có thể miễn linh hoạt cho khách mùa cao điểm, theo thị trường cần phát triển hoặc theo từng sự kiện cụ thể, ví dụ như giải đua xe F1, Seagames, Festival Huế, Vesak…. Ông Nguyễn Văn Tấn, Tổng Giám đốc công ty JBT-TNT đưa ra ý tưởng về miễn thị thực cho du khách từ các nước phát triển và có quan hệ chính trị tốt với Việt Nam; với điều kiện các hành khách phải đáp ứng các yêu cầu an toàn, an ninh, y tế...
HN