Phát biểu tại buổi Tọa đàm, Trưởng phòng Quản lý Lữ hành - Sở Du lịch Hà Nội Trịnh Xuân Tùng cho biết, với mục tiêu xây dựng du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, ngành Du lịch Hà Nội đang nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch trên các huyện để đa dạng hóa sản phẩm phục vụ du khách, tăng thời gian lưu trú và chi tiêu của khách du lịch tại Thủ đô.
Đoàn khảo sát đã đến một số điểm du lịch và cơ sở cung ứng dịch vụ du lịch trên địa bàn huyện Quốc Oai, trong đó có đình So và Khu di tích quốc gia đặc biệt chùa Thầy, khu vực núi đá Sài Sơn là nơi được du khách biết đến nhiều nhất. Ngoài ra, thời gian gần đây Khu du lịch, vui chơi giải trí, đô thị sinh thái Tuần Châu Hà Nội cũng thu hút lượng khách lớn với các sản phẩm vui chơi giải trí và show diễn “Tinh hoa Bắc Bộ”.
Theo UBND huyện Quốc Oai, những năm gần đây, để phát triển du lịch văn hóa, lịch sử gắn với tâm linh, tín ngưỡng, huyện đã ưu tiên phát triển du lịch văn hóa tâm linh tại Khu di tích quốc gia đặc biệt chùa Thầy và khu vực núi đá Sài Sơn, Hoàng Xá, Phượng Cách; tập trung đầu tư, tôn tạo nâng cấp hệ thống các đình, đền mang bản sắc riêng như đình So, đình Ngọc Than, đền Khánh Luân… Bên cạnh đó, một số loại hình du lịch sinh thái với sản phẩm tiểu thủ công nghiệp - làng nghề, du lịch nông nghiệp… cũng bắt đầu được phát triển. Một số dự án lớn du lịch cũng được đầu tư và đi vào hoạt động như Khu tổ hợp Baara Land đã tạo ra các sản phẩm mới, từng bước thay đổi diện mạo và nâng cao chất lượng du lịch tại huyện Quốc Oai.
Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Nguyễn Đức Phương cho biết, huyện Quốc Oai đang nỗ lực khắc phục các hạn chế và hoàn thiện sản phẩm để thu hút du khách đến Quốc Oai nhiều hơn thông qua các đề án phát triển du lịch sinh thái sẽ sớm được triển khai trong thời gian tới. Du khách đến với Quốc Oai sẽ được trải nghiệm “văn hóa Mường” nguyên bản ngay tại Hà Nội, hay thưởng thức sản phẩm mới lạ như hát chèo Đại Thành, hát tuồng Dương Cốc, văn hóa cồng chiêng ở các xã miền núi…
Tại buổi Tọa đàm, nhiều ý kiến đánh giá cao tiềm năng và tài nguyên du lịch hiện có trên địa bàn huyện Quốc Oai; đồng thời, một số đại biểu đã chỉ ra những mặt hạn chế trong hoạt động du lịch tại địa phương. Giám đốc Vietcharm Tour Lại Quốc Cường cho rằng, các điểm đến và cơ sở cung ứng dịch vụ du lịch trên địa bàn Quốc Oai có thể kết nối để tạo thành sản phẩm 2 ngày 1 đêm, tham quan các di tích văn hóa lịch sử kết hợp với vui chơi giải trí, thưởng thức nghệ thuật tại Khu tổ hợp Baara Land. Tuy nhiên, để làm được điều này thì mỗi điểm đến phải được quản lý tốt, đầy đủ cơ sở vật chất tối thiểu phục vụ du lịch như: nhà vệ sinh đạt chuẩn, hệ thống thông tin, thuyết minh tại điểm… Đồng tình với quan điểm này, chuyên gia Emmanuel Cerise (Đại diện vùng Ile de France tại Hà Nội, Giám đốc Cơ quan Hỗ trợ hợp tác quốc tế vùng Paris tại Hà Nội) nhận định quản lý điểm đến là quan trọng nhất, ví dụ như chùa Thầy là khu di tích rất đẹp và giá trị, tuy nhiên vẫn còn tồn đọng một số vấn đề về giữ gìn vệ sinh môi trường, thùng rác còn thiếu… “Nếu không thắt chặt quản lý điểm đến, bảo vệ môi trường thì với sức lan truyền nhanh trên Internet hiện nay, những hình ảnh về rác và môi trường mất vệ sinh sẽ gây ra những tác động tiêu cực tới du khách khi tìm kiếm thông tin về điểm đến.” - ông Emmanuel cho biết.
HN