Hạ tầng yếu kém, tổ chức lộn xộn
Bà Thủy Nguyễn - phụ trách thị trường TQ, Công ty Viettravel cho biết, trong 3 tháng đầu năm 2019 lượng khách TQ công ty đón chỉ bằng 60% so với cùng kỳ năm 2018. 3 tháng qua số lượng charter đến Việt Nam (VN) giảm nhiều, nhất là từ khu vực Hoa Đông.
Bà Thủy cho rằng, trước đây khách TQ vào Đà Nẵng, Nha Trang phần lớn do các đơn vị phía TQ tự làm, giá tour bán dưới giá nét sau đó đưa khách đi shoping, bán chương trình ngoài tour là chủ yếu… dẫn đến chất lượng tour thấp, không còn hấp dẫn du khách. Thêm vào đó, mỗi điểm đến khách TQ tập trung khoảng 5 năm sau đó sẽ bão hòa, hiện tại charter vào Nha Trang là khoảng 4 năm, như vậy rất cần khai thác các điểm đến mới để thu hút khách.
Đại diện Saigontourist phản ánh, trước đây các hãng tàu đối tác phía TQ có một tuyến duy nhất vào VN, nhưng từ cuối 2018, TQ bắt đầu phát triển thêm tuyến Philippines. Như vậy, không chỉ riêng Saigontourist mà Du lịch VN có đối thủ cạnh tranh về khách đường biển. Có 2 nguyên nhân khiến khách tàu biển giảm sút là cảng biển có đủ năng lực đón các tàu lớn còn hạn chế và quảng bá chưa thâm nhập được vào các trang mạng sử dụng tiếng TQ.
Theo đại diện Phương Nam travel, gần đây phía TQ không chọn VN là điểm đến để tổ chức MICE mà chọn các nước lân cận như Malaysia, Thái Lan, Singapore…
Bà Nguyễn Thanh Thủy, đại diện Vietnamtourism charter chia sẻ, vài năm trước các chuyến bay charter đến Nha Trang thường xuyên tăng cường, bình thường công ty đón 15 chuyến/tuần, thời kỳ cao điểm tăng lên 20, thậm chí 25 chuyến/tuần, tuy nhiên từ nửa cuối 2018 bắt đầu giảm và giảm mạnh trong 3 tháng đầu năm 2019.
Lý giải về sự tăng trưởng nhanh của dòng khách charter, bà Thủy cho rằng, khách bay charter chi phí rẻ, chính vì vậy họ không còn hào hứng đối với những tour truyền thống. Nếu như trước đây khách TQ sang VN phải bay từ Bắc Kinh đến Hà Nội, sau đó từ Hà Nội bay nội địa đến Nha Trang, Đà Nẵng, chi phí vé máy bay chiếm đến ¾ tiền landtour, nhưng bay thẳng thì chỉ mấy tiếng đồng hồ, do vậy charter hút khách. Sau thời gian tăng trưởng quá nóng thì charter vào thời kỳ suy giảm.
Đại diện Phương Nam travel cho rằng, thị trường charter hầu như khách chỉ đến 1 lần nhưng thị trường truyền thống khách quay trở lại khá nhiều. Nguyên nhân, do HDV đi đoàn charter hầu như không giới thiệu cảnh quan, lịch sử văn hóa, đất nước con người…, mà chỉ chăm chăm đưa khách đi mua sắm. Vì sự đơn điệu tẻ nhạt do không được tiếp nhận các thông tin về điểm đến dẫn tới khách chán.
Bà Lương Thị Bích, Giám đốc Công ty Du lịch Hồng Gai bức xúc “một chương trình tour 4 ngày 3 đêm thì có tới 8 lần đi shopping mua sắm, vậy làm gì còn thời gian mà giới thiệu hình ảnh đất nước đến du khách. Muốn phát triển bền vững lâu dài thì phải xem xét lại, để du khách còn đến lần sau, tăng trưởng phải gắn bền vững, nếu cứ tình trạng này tiếp diễn thì khách còn giảm”.
Đại diện công ty du lịch Sang Trọng nêu ý kiến, khảo sát vào thời điểm này tại Nha Trang sẽ thấy thực trạng khách phải đợi rất lâu (3 tiếng đồng hồ) cho nhập hoặc xuất cảnh. “Charter chủ yếu bay đêm, du khách đã mệt nhưng khi đến phải đợi 3 tiếng là quá ức chế. Chính sách quốc gia tốt nhưng địa phương tổ chức kém là rất bất cập”, vị này nói.
Đại diện một DN tiết lộ, có giai đoạn thấp điểm, các DN lữ hành VN phải hỗ trợ về giá cho đối tác để thu hút khách từ phía họ dẫn đến cạnh tranh khốc liệt giữa các đơn vị lữ hành trong nước. Thậm chí, nhiều DN chấp nhận đặt cược 2.000 – 2.500 nhân dân tệ/khách (khoảng 8 triệu đồng) cho phía đối tác để giữ thị phần. DN nào không chịu nổi mức cược nguồn khách sẽ bị chuyển sang đối thủ khác.
“Có chuyến charter Thành Đô – Nha Trang DN bên TQ bán 299 tệ/khách trọn gói, bay khứ hồi, như vậy toàn bộ áp lực đè lên DN đón khách phía VN và DN phải tìm mọi cách để lách luật, như đưa khách đi mua sắm hay bán options để bù vào phần landtour”, vị này cho hay.
Đâu là giải pháp?
Thực trạng đón khách TQ là khá rõ ràng. Tuy nhiên, khi Thứ trưởng Bộ VHTTDL Lê Quang Tùng đặt câu hỏi “vì sao khách charter chỉ tập trung trong khoảng 5 năm?”, có DN lữ hành không “ngần ngại” đổ lỗi cho “điểm đến nhàm chán, tài nguyên đơn điệu”.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Hùng, Tổng Giám đốc Công ty Kỳ Nghỉ Đà Nẵng, thị trường TQ quá lớn và không phải chỉ đến VN ồ ạt theo từng giai đoạn mà quan trọng là chúng ta tổ chức như thế nào để thu hút khách lâu dài.
“Nha Trang vẫn là thị trường số 1 đối với khách TQ chứ không thể theo giai đoạn 5 năm như một số đơn vị nhận định. Mở tuyến mới bổ sung cho những điểm cũ là đương nhiên nhưng điều đó không có nghĩa là Nha Trang không còn hấp dẫn khách”, ông Hùng nói.
Theo bà Thủy Nguyễn, trước sự sụt giảm của khách TQ, các DN nên có hướng đón dòng khách MICE hoặc tổ chức tour loại hình khen thưởng nhân viên cho các đơn vị TQ, nhiều khu vực như TP Hồ Chí Minh có cơ sở khá tốt nên hướng đến dòng khách trên.
“Đề nghị cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra xử lý tình trạng DNTQ tự tổ chức tour và tự làm hướng dẫn viên. Đối với công tác quảng bá ngoài hội chợ du lịch hàng năm tại Bắc Kinh thì Thượng Hải, Côn Minh cũng có các hội chợ lớn, ngành Du lịch nên nghiên cứu tham gia những hội chợ đó để quảng bá, thu hút khách”, bà Thủy nêu ý kiến.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Hữu Đức, đại diện Công ty du lịch Hữu Nghị cho rằng, nhiều sự kiện như tháng 9 hàng năm tại Quảng Châu; tháng 7 tại Trùng Khánh có hội chợ lữ hành quốc tế tập trung rất nhiều DN nhưng chưa thấy sự xuất hiện của Du lịch Việt Nam.
Về điểm đến, đại diện Công ty du lịch Sang Trọng cho rằng, thị hiếu của khách TQ là du lịch biển đảo, nghỉ dưỡng, do đó chuyển hướng sang Vân Đồn, Phú Quốc hay Quy Nhơn là có thể nhưng cần tính toán mùa vụ, thời tiết. Ví dụ, Phú Quốc tháng 11 đến tháng 4 là mùa đẹp nhất, tháng 5 là mùa mưa, nên không thể làm du lịch vào mùa này. Tương tự như vậy, Vân Đồn tháng 8-9 là mùa mưa bão cũng không thể đón khách. Ngoài ra để khai thác charter bay vào sân bay mới thì chính sách hỗ trợ ra sao; DN có thể khai thác dịch vụ gì xung quanh sân bay là bài toán đặt ra cho DN lữ hành.
Bên cạnh đó, ông Đức cho rằng, bên cạnh các chương trình du lịch thuần túy cần nghiên cứu để thay đổi tạo sự đa dạng về sản phẩm. “Gần đây nhu cầu của khách tăng rất mạnh về các loại hình khác, như giao lưu bóng chuyền, bóng bàn, bóng đá… nhưng lại vướng đến các ngành khác. Các thủ tục rất phức tạp, mất thời gian”, ông Đức nêu ý kiến.
Ở khía cạnh khác, ông Nguyễn Văn Hùng đề xuất Bộ VHTTDL nên có chương trình làm việc với các ngành liên quan để tạo sự thuận lợi cho DN, tránh tình trạng “DN càng làm tốt thì càng bị soi nhiều”. “Các DN khai báo đầy đủ thuế thì lại bị soi nhiều nhất, điều này làm cho DN sợ khai báo thuế và tìm cách giảm bớt doanh thu để đỡ bị cơ quan thuế kiểm tra”, ông Hùng nói.
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Lê Quang Tùng ghi nhận ý kiến của các DN. Thứ trưởng Lê Quang Tùng nêu rõ, đối với nhóm giải pháp liên quan đến cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, Bộ VHTTDL và Tổng cục Du lịch sẽ triển khai thực hiện ngay như các chương trình xúc tiến quảng bá (sớm nhất là tổ chức chương trình giới thiệu du lịch VN tại TQ và kết hợp làm việc với một số hãng lữ hành TQ vào tháng 5 tới đây); làm việc với các ngành liên quan (như Bộ Giao thông vận tải về kết nối hàng không trong phát triển du lịch), các địa phương trọng điểm về đón khách TQ để bàn các biện pháp cụ thể. Các ý kiến DN là cơ sở để Bộ VHTTDL tổng hợp và báo cáo Chính phủ về các giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng khách du lịch quốc tế đến VN trong thời gian tới...
Viễn Nguyệt