![](/FileManager/mypicture/EU.jpg)
|
Đồng Giám đốc Dự án Vũ Quốc Trí phát biểu tại Hội thảo |
Đại diện doanh nghiệp lữ hành, khách sạn tại Hà Nội đều có chung quan điểm, châu Âu là thị trường tiềm năng của Du lịch Việt Nam tuy nhiên việc tiếp cận thị trường này vẫn còn nhiều bỡ ngỡ và hạn chế do nhiều nguyên nhân như thiếu thông tin, về thị trường, thiếu đội ngũ marketing chuyên nghiệp, chưa thiết lập được quan hệ đối tác tin cậy với các hãng lữ hành lớn tại thị trường nguồn…
KHUYNH HƯỚNG THỊ TRƯỜNG CHÂU ÂU
Trong năm 2007, lượng khách du lịch châu Âu đến Việt Nam tiếp tục tăng trưởng. Trong đó, khách du lịch Pháp đạt trên 183.000 lượt người, xếp thứ 7 trong top 10 thị trường cung cấp nguồn khách nhiều nhất cho Du lịch Việt Nam. Thị trường Bắc Âu (Đan Mạch, Phần Lan, Na Uy, Thụy Điển) đạt trên 62.000 lượt người, Hà Lan và Bỉ đạt trên 56.000 lượt người. So sánh về lượng khách du lịch châu Âu đến các nước khu vực ASEAN thì Việt Nam đứng thứ 2 sau Thái Lan và tiếp đến là Singapore, Malaysia.
Chuyên gia về thị trường Pháp - Gael De La Porte Du Theil cho rằng: các doanh nghiệp du lịch cần quan tâm khai thác ba nhóm khách mục tiêu.
Thứ nhất, nhóm người nhiều tuổi năng động, người nghỉ hưu trên 50 tuổi có mức thu nhập trung bình và thu nhập cao. Nhóm này thường muốn tìm hiểu về lịch sử, văn hóa, tôn giáo, chính trị. Nhóm giáo viên cũng rất đáng quan tâm, với gần 900.000 giáo viên các trường đại học và trung học của Pháp, họ có nhiều thời gian và có tiền đi du lịch. Để thu hút nhóm khách này, cần quảng bá Việt Nam là điểm đến duy nhất tại châu Á với bề dày lịch sử và một chuỗi các di sản thế giới hoặc kết hợp với các điểm đến khác như Campuchia, Trung Quốc, Lào.
Thứ hai, nhóm người kinh doanh tại các đô thị (từ 25 - 40 tuổi), có trình độ học vấn và thu nhập cao. Họ đi du lịch để giảm stress. Họ muốn tới những điểm đến đang được ưa chuộng, để tự hào và chia sẻ với bạn bè về những trải nghiệm đó. Do đó, chất lượng chỗ ăn nghỉ là yếu tố rất quan trọng để họ lựa chọn điểm đến. Đối với nhóm này Du lịch Việt Nam cần tập trung xây dựng hình ảnh về sự trải nghiệm độc đáo khi đến Việt Nam. Vì họ rất quan tâm đến văn hóa Việt Nam (ẩm thực, phong tục, nghi thức địa phương…) biển và các khu du lịch, dịch vụ chăm sóc sức khỏe (suối nước nóng, massage chân…), danh lam thắng cảnh, cuộc sống của người Việt Nam hiện nay. Họ thích được ở trong những ngôi nhà thuần Việt, ăn những món ăn địa phương. Tuy nhiên, họ không phải là những người nghiên cứu văn hóa mà họ muốn trải nghiệm và tìm một cảm giác mới lạ ở Việt Nam.
Thứ ba, nhóm các gia đình người Pháp. Việt Nam là một nước an ninh và an toàn, là điểm đến lý tưởng để đi du lịch cùng gia đình. Cha mẹ muốn chia sẻ với con cái mình kinh nghiệm về giao tiếp với người địa phương, để chúng học về những lối sống mới, về tôn giáo, phong tục khác. Điều quan trọng nhất đối với nhóm khách này là đảm bảo an ninh.
Theo chuyên gia về du lịch các nước Bắc Âu - Lena Skogstrom thì chỉ tính riêng người dân Thụy Điển hàng năm đã chi khoảng 5% thu nhập cho du lịch, tương đương với khoảng 6 tỷ Euro. Với 5 tuần nghỉ phép năm, cộng thêm nhiều ngày nghỉ lễ nên có nhiều thời gian để đi du lịch và họ rất thích đi du lịch. 80% dân số Bắc Âu sử dụng máy tính, internet và điện thoại di động. Qua khảo sát, người dân Bắc Âu lựa chọn điểm đến qua mạng internet chiếm 20%, qua đại lý lữ hành chiếm 20% và 60% người lựa chọn thông qua chiến dịch quảng bá du lịch và thông qua báo chí. Và có tới 70% du khách đặt tour qua đại lý lữ hành, 25% thông qua internet và 5% qua các hình thức khác.
Hiện nay, Việt Nam cần mở đường bay trực tiếp đến các nước trong khu vực Bắc Âu để tạo lợi thế cạnh tranh với những điểm đến trong khu vực. Chẳng hạn, người Thụy Điển thường chọn Thái Lan nhiều hơn đến Việt Nam vì từ Stockholm - Thụy Điển có đường bay thẳng đến Thái Lan mất khoảng 10 tiếng đồng hồ với chi phí khoảng 1.300 USD, trong khi đó, muốn đến Việt Nam cần trung chuyển qua Pháp (thêm khoảng 14 tiếng trung chuyển) với mức giá trên 1600 USD.
Về thị trường khách Hà Lan và Bỉ, chuyên gia Franz Ziegler cho rằng động cơ thúc đẩy du khách ở thị trường này đến Việt Nam có ba yếu tố chính:
- Giảm bớt căng thẳng và thư giãn sau những áp lực công việc và bị stress, để tiêu khiển, là liều thuốc giảm suy nhược và buồn chán. Những hoạt động ưa thích của đối tượng khách này là tắm nắng, đi bộ trên bãi biển, gặp gỡ bạn bè, chơi golf, ăn uống, đi xem chợ…
- Thích phiêu lưu, có những trải nghiệm, đến những chân trời mới. Các hoạt động ưa thích như lặn biển, kéo dù, lướt sóng, bơi thuyền, đi bộ hoặc đạp xe đến các nơi hẻo lánh, khám phá rừng nguyên sinh, không thích ngủ khách sạn mà thích ngủ tại nhà dân, sử dụng phương tiện công cộng…
- Tìm kiếm sự hạnh phúc, sự hỗ trợ, sự tương tác xã hội. Đối với nhóm này, điều quan trọng không phải là điểm đến nào, mà sẽ làm gì ở nơi đó. Du lịch được coi là phương tiện hữu ích nhất để khám phá thế giới. Những hoạt động ưa thích là giao tiếp với cộng đồng dân cư địa phương, quan sát và tìm hiểu cuộc sống thường nhật, tham quan các di tích danh thắng…
MỐT SỐ ĐIỀU RÚT RA
Trưởng phòng Kinh doanh và Tiếp thị Hãng tàu Emeraude Phạm Văn Hà đánh giá: những thông tin do các chuyên gia du lịch về ba thị trường nguồn châu Âu cung cấp là rất hệ thống và có giá trị. Đặc biệt là thông tin về các nhóm khách mục tiêu và những xu hướng của khách du lịch châu Âu. Đại diện Buffalo Tour Nguyễn Thị Thu Mai cho rằng: các chuyên gia đã hỗ trợ những hãng lữ hành có hiểu biết sâu về thị trường khách mục tiêu trong thị trường nguồn châu Âu. Đây là vấn đề khá quan trọng để các doanh nghiệp định hướng kinh doanh cho từng thị trường, chẳng hạn với khách Pháp thích tìm hiểu về văn hóa, lịch sử thì khách du lịch Bắc Âu lại thích biển, muốn trải nghiệm, tham gia các hoạt động xã hội và tìm những điều mới lạ. Điều quan trọng là giới thiệu những gì mà Việt Nam có tại mỗi điểm đến như danh lam thắng cảnh, các loại hình và chất lượng dịch vụ…
Các chuyên gia du lịch quốc tế nhấn mạnh: trong marketing sản phẩm du lịch đến thị trường châu Âu cần quảng bá đúng những gì Du lịch Việt Nam có tránh để cho du khách hiểu lầm tạo nên tác dụng "phụ" trong tuyên truyền quảng bá. Các doanh nghiệp du lịch cần tập trung vào các phân đoạn thị trường riêng để có những chiến dịch tiếp thị phù hợp và hiệu quả.
Một vấn đề khác được các chuyên gia khuyến cáo, các doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ từng địa danh du lịch ở Việt Nam để xây dựng các sản phẩm du lịch phù hợp, tránh việc phát triển nhiều loại hình du lịch tại một điểm đến điều đó sẽ dẫn đến xu hướng du lịch đại trà không thu hút được thị trường khách có khả năng chi trả cao, không đạt mục tiêu phát triển du lịch bền vững.
Để quảng bá du lịch Việt Nam đến thị trường này, các doanh nghiệp du lịch Việt Nam nên tiếp cận với những hãng lữ hành châu Âu thông qua hội nghị hội thảo, giới thiệu Việt Nam qua các ấn phẩm, tham gia các hội trợ du lịch, các sự kiện du lịch, road show, khảo sát…
Một cách tiếp thị rất hiệu quả, không cần nhiều đến kinh phí, theo các chuyên gia là thông qua mạng internet, vì người dân châu Âu hiện nay tỷ lệ sử dụng internet khá cao và họ có khuynh hướng đi du lịch do mình xây dựng chương trình và lựa chọn điểm đến thông qua các thông tin trên mạng internet.
NGUYỄN VŨ