ĐẶC ĐIỂM CHUNG CỦA THỊ TRƯỜNG GỬI KHÁCH NHẬT BẢN
Với dân số trên 127 triệu người, Nhật Bản là 01 trong 10 nước đông dân nhất thế giới và là thị trường nguồn đứng thứ 3 châu Á, thứ 15 thế giới. Năm 2007, lượng khách Nhật Bản ra nước ngoài là 17,3 triệu lượt. Trung bình cứ 7,3 người dân có 01 người đi du lịch nước ngoài, trong đó 80% số khách đã xuất ngoại nhiều lần. Khách du lịch Nhật Bản đã chi tiêu ở nước ngoài 37,5 tỷ USD, xếp thứ 4 thế giới về chi tiêu du lịch. Trung bình khách Nhật Bản chi trả cho mỗi chuyến đi là 2.154 USD (năm 2005). Theo dự báo của UNWTO, đến năm 2020 sẽ có 142 triệu lượt khách Nhật Bản đi du lịch nước ngoài, chiếm 9,1% thị phần khách du lịch thế giới, đưa Nhật Bản thành nước gửi khách lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Đức, vượt Mỹ.
Khách Nhật Bản ra nước ngoài nhiều nhất vào mùa xuân (tháng 3) và mùa hè (tháng 8). Họ đi nước ngoài chủ yếu từ 3 vùng Kanto, Kindi và Tokai, với 78,3%, trong đó vùng Kanto có số người Nhật Bản ra nước ngoài đông nhất (47,2%), tiếp đến là vùng Kindi (18,7%). Do đặc điểm địa lý, 98,49% khách Nhật Bản đi du lịch ra nước ngoài bằng đường hàng không, xuất phát từ 2 sân bay lớn nhất của Nhật Bản là Narita và Kansai. Khách Nhật Bản có xu hướng rút ngắn thời gian chuyến du lịch nước ngoài.
CÁC ĐIỂM ĐẾN ƯA THÍCH
Châu Á luôn là khu vực đón nhiều khách Nhật Bản nhất; đứng thứ nhì là châu Mỹ, tiếp đến là châu Âu, châu Đại Dương. Các điểm đến yêu thích hàng đầu của khách Nhật Bản ở châu Á là Hàn Quốc, Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan. Năm 2006, 4 điểm đến này đón gần 8,8 triệu lượt khách Nhật Bản, chiếm 50,5% thị phần. Đặc biệt là Trung Quốc đã vượt Mỹ trở thành điểm đến được nhiều khách Nhật Bản yêu thích nhất, với 3,75 triệu lượt. So với năm 2000, khách Nhật Bản đến Trung Quốc đã tăng 70,1% trong khi đến Mỹ giảm 27,4%. Sự thay đổi ngôi này khẳng định xu hướng khách Nhật Bản đi du lịch tới các điểm đến gần thay vì các điểm đến xa. Đến Đông Nam Á, khách Nhật Bản tới Thái Lan nhiều nhất, đạt hơn 1,312 triệu lượt, chiếm 7,53% thị phần khách Nhật Bản ra nước ngoài và 34% khách Nhật Bản tới ASEAN. Inđônêxia, Singapore, Philippines, Malaysia được xem là những điểm đến vòng ngoài với lượng khách khoảng 500.000 lượt/năm. Việt Nam và Campuchia là 2 điểm đến mới nổi về thu hút khách Nhật với tốc độ tăng trưởng lượng khách cao nhất. So với năm 2000, khách Nhật Bản đến Campuchia tăng 695,5%; đến Việt Nam tăng 151,3%.
Ở châu Âu, Đức và Italia là những điểm đến được ưa chuộng hàng đầu, đón trên 26% lượng khách Nhật Bản. Pháp, Anh và Thụy Sĩ đón khoảng 1 triệu khách/năm. Tây Ban Nha là điểm đến châu Âu có tốc độ tăng trưởng lượng khách Nhật Bản cao nhất, năm 2006 tăng 136,3% so với năm 2000. Ở châu Mỹ, khách Nhật Bản đặc biệt yêu thích các điểm đến như Mỹ, Hawaii, Guam và Canada. Khu vực Nam Thái Bình Dương là Australia và Saipan.
ĐẶC ĐIỂM TIÊU DÙNG DU LỊCH
Năm 2005, người Nhật Bản ra nước ngoài với mục đích du lịch thuần tuý chiếm 67,1%, mục đích kinh doanh 14,6% và thăm thân hay bạn bè 5,9%. Khi ra nước ngoài, số người đi cùng gia đình/ người thân chiếm tỷ trọng cao nhất 23,7%; tiếp đến là đi cùng vợ/chồng 22,7%; cùng bạn bè hay người quen 21,5%; đi một mình 16,3%; cùng đồng nghiệp 12,6%. Khách Nhật Bản thích tham quan các điểm du lịch tự nhiên và cảnh quan thiên nhiên nhất với 65,9%, tiếp đến là mua sắm 65,6%, ẩm thực 51,8%. Một số hoạt động du lịch khác ở nước ngoài cũng được nhiều khách Nhật Bản yêu thích là tham quan các di tích lịch sử văn hóa, nghỉ ngơi thư giãn, xem bảo tàng.
Mặc dù ngày càng có nhiều người đi du lịch tự do nhưng 49% khách Nhật Bản vẫn thích đi theo chương trình du lịch trọn gói. Khách du lịch Nhật Bản thích đi theo tour trọn gói cơ bản vì hạn chế về ngôn ngữ. Họ cho rằng đi theo tour trọn gói sẽ mang lại chất lượng tour cao nhất. Đồng thời, an toàn, đảm bảo về mặt tổ chức, giá thấp là những ưu điểm nổi trội khiến khách quyết định mua tour trọn gói. Đến khu vực Đông Nam Á, 46,2% khách Nhật Bản đi theo tour trọn gói, 1,4% đi theo đoàn, 45,8% đi tự do.
Khi khách du lịch Nhật Bản có nhiều kinh nghiệm hơn, họ càng tin vào việc sử dụng thư tín, điện thoại và mạng Internet để đặt dịch vụ. Số khách đặt dịch vụ qua Internet tập trung vào những người có kinh nghiệm đi du lịch từ 10 chuyến trở lên. Các dịch vụ khách Nhật Bản đặt qua internet nhiều là vé máy bay 51,5%, lưu trú 43,8%. Phụ nữ ở độ tuổi 30-44 sử dụng internet đặt dịch vụ du lịch phổ biến nhất. Đa số các cặp vợ chồng đi hưởng tuần trăng mật và người cao tuổi đặt dịch vụ du lịch qua công ty lữ hành. Họ chọn công ty lữ hành đáng tin cậy, rồi đến các công ty ở gần và các công ty nổi tiếng.
Khách Nhật Bản có xu hướng rút ngắn thời gian thu xếp chuyến đi. Theo JTB, năm 2005, có tới ½ các chuyến đi được bố trí trước 01 tháng, gần 1/3 các chuyến du lịch được bố trí trước 2 tháng. Các chuyến du lịch được sắp xếp trước 3 tháng chỉ bằng 1/10 tổng số chuyến ra nước ngoài của khách Nhật Bản. Nhìn chung, các điểm đến càng gần thì thời gian sắp xếp chuyến đi càng ngắn. Đông Nam Á là khu vực có tỷ lệ các chuyến đi được khách Nhật Bản sắp xếp trước 01 tháng cao nhất 63,5%, trong đó số các chuyến du lịch bố trí trước 01 tuần chiếm 33%.
CÁC PHÂN ĐOẠN THỊ TRƯỜNG GỬI KHÁCH NHẬT BẢN
Nhìn chung, nam giới đi du lịch nước ngoài nhiều hơn nữ. Trong 17,5 triệu lượt khách Nhật Bản đi du lịch nước ngoài năm 2006, nam giới thực hiện 9,9 triệu chuyến, nữ giới 7,6 triệu chuyến, tương ứng với 56,5% và 43,2% tổng số chuyến ra nước ngoài.
Ở các độ tuổi khác nhau thì thị phần nam giới và nữ giới trong tổng số khách du lịch nước ngoài của Nhật Bản cũng khác nhau. Năm 2006, nam giới ở độ tuổi 30-39 ra nước ngoài nhiều nhất. Họ đã thực hiện 2,214 triệu chuyến đi ra nước ngoài. Hai độ tuổi khác nam giới đi du lịch nước ngoài cùng đạt trên 2 triệu lượt là 40-49 và 50-59. Nữ giới ở độ tuổi 20-29 ra nước ngoài nhiều nhất với 1,827 triệu chuyến. Sở dĩ có hiện tượng này là do truyền thống văn hóa ở Nhật Bản: sau độ tuổi 30 phụ nữ có thiên chức làm nội trợ ở nhà, nuôi dạy con cái và chăm sóc chồng con. Do đó, trong lứa tuổi 20-29, phụ nữ trẻ tranh thủ đi du lịch với bạn bè sau khi đã học hành xong hoặc trước khi lấy chồng. Một số khách đi du lịch với mục đích học ngoại ngữ hoặc nghiên cứu.
VIỆT NAM ĐỐI VỚI THỊ TRƯỜNG GỬI KHÁCH NHẬT BẢN
Trong nhiều năm gần đây, Việt Nam trở thành một trong những nơi được người Nhật Bản chú ý tới trong khu vực. Khách Nhật Bản đến Việt Nam du lịch thời gian qua chủ yếu thuộc 4 phân đoạn thị trường: nữ nhân viên văn phòng; khách hưu trí; khách thanh niên - sinh viên và nam giới ở lứa tuổi trung niên 50-59 tuổi. Hầu như toàn bộ khách thuộc các phân đoạn thị trường này đều là khách đi lẻ (FIT). Điều này lý giải tại sao ta thường bắt gặp trên đường 2 cô gái Nhật Bản, hoặc một nhóm người Nhật Bản cao tuổi đi với nhau. Rất ít khi chúng ta thấy họ đi theo một đoàn đông như kiểu khách du lịch Trung Quốc, hoặc khách du lịch Pháp.
Lượng khách Nhật Bản đến Việt Nam đã tăng từ 152.755 lượt người năm 2000 lên 411.515 lượt người năm 2007 với tốc độ tăng trưởng cao, khá ổn định. Trong giai đoạn 2000-2007, tốc độ tăng trưởng trung bình của khách Nhật Bản đến Việt Nam đạt trên 20%. Đặc biệt, trong 2 năm 2001 và 2002 tốc độ tăng trưởng của lượng khách Nhật Bản tới Việt Nam đạt cao nhất, 34,1% và 36,6%. Nhật Bản đứng thứ 4 trong danh sách 10 thị trường gửi khách đầu bảng của Du lịch Việt Nam (sau Trung Quốc, Hàn Quốc và Mỹ). Tuy nhiên, so với lượng khách Nhật Bản ra nước ngoài, khách Nhật Bản đến Việt Nam chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ 2,4% năm 2007. Đây quả là con số khiêm tốn so với tiềm năng của hai nước. Mục tiêu của Du lịch Việt Nam là đón trên 500.000 lượt khách Nhật Bản vào năm 2010.
Việt Nam là đất nước hoà bình, ổn định, kinh tế liên tục tăng trưởng trong xu thế đổi mới, hội nhập ngày càng sâu rộng. Đất nước Việt Nam có tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn phong phú và đa dạng, con người Việt Nam thân thiện mến khách. Việt Nam và Nhật Bản là hai nước cùng nằm trong khu vực châu Á, có mối quan hệ hợp tác, hữu nghị lâu đời. Với nỗ lực và quyết tâm của ngành Du lịch hai nước, dòng khách du lịch giữa Việt Nam và Nhật Bản sẽ không ngừng gia tăng, góp phần tích cực vào việc tăng cường hiểu biết lẫn nhau, vun đắp tình hữu nghị, hợp tác phát triển giữa chính phủ và nhân dân hai nước. Hy vọng, với nhiều hoạt động kỷ niệm 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, lượng khách Nhật Bản tới Việt Nam sẽ tăng trưởng đột biến.
Ths. TRẦN THỊ PHƯƠNG NHUNG