MỘT SỐ VẤN ĐỀ CẦN TẬP TRUNG ĐỂ NÂNG CAO HIỆU QUẢ DU LỊCH BIỂN
Tạo cơ chế chính sách cho hoạt động du lịch biển
Cần tập trung xây dựng chiến lược du lịch biển, trong đó chú trọng việc tăng cường thiết lập quan hệ với các hãng tàu biển lớn trên thế giới, để tăng lượng khách đến Việt Nam bằng đường biển
Cần nghiên cứu đánh giá những tồn tại về cơ chế, chính sách liên quan đến phát triển du lịch biển, ví dụ lệ phí cảng biển còn cao, các hình thức vui chơi giải trí sau 12h đêm bị cấm...
Ngoài ra, Du lịch Việt Nam cũng cần chủ động, tích cực tham gia vào các hội chợ về du lịch tàu biển trên thế giới, tổ chức các sự kiện xúc tiến du lịch tại các thị trường du lịch biển lớn như Mỹ, Canada, Anh, Italia... để thu hút khách.
Đặc biệt, cần có một văn bản quy phạm pháp luật riêng để điều chỉnh hoạt động du lịch biển là điều mong mỏi, là nguyện vọng của các nhà quản lý, chuyên môn và cả người tham gia du lịch biển.
Cơ sở vật chất cho hoạt động du lịch biển.
Chú trọng phát triển hệ thống cảng biển du lịch với những cơ sở vật chất kỹ thuật tương ứng.
Ngoài việc tổ chức quy hoạch, xây dựng cảng du lịch biển cần tổ chức đội tàu, thuyền có chất lượng cao, có thể đi được xa, chở được nhiều du khách và đi được dài ngày, không chỉ đáp ứng các tuyến nội địa mà cần khai thác tới các điểm du lịch biển lớn trên thế giới. Chúng ta phải chú trọng tới cơ sở vật chất cho hoạt động du lịch biển tại các bãi biển đẹp, sạch về môi trường, có nhiều loại động thực vật biển để tham quan, nghiên cứu. Theo đó, phải có nhiều phương tiện khác đảm bảo phục vụ cho nhu cầu của khách du lịch biển. Nhất là cơ sở nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí đón các đoàn khách du lịch biển đi tuyến quốc tế dài ngày lưu trú tại Việt Nam.
QUẢNG BÁ VÀ QUẢN LÝ DU LỊCH BIỂN
Trong tất cả mọi loại hình kinh doanh đều phải tiến hành tốt công tác quảng bá sản phẩm, với du lịch biển thì càng phải chứng minh được nét độc đáo, và tính nổi trội, ưu việt của biển Việt Nam với các điểm du lịch biển khác.
Quảng bá và tác động mời gọi khách du lịch biển đến với các điểm du lịch biển của Việt Nam luôn phải dựa trên cơ sở vật chất, các cơ chế bảo đảm cho quá trình tham quan du lịch và lưu trú tại Việt Nam.
Theo đó, quản lý du lịch biển phải dựa trên những quy định chung của quốc tế, của pháp luật các nước và của địa phương nơi điểm đến du lịch. Tuy nhiên, với Việt Nam chúng ta đã chủ động hội nhập quốc tế vì vậy cũng cần phải nghiên cứu để có những quy định phù hợp với thực tế mà vấn đề là làm sao thuyết phục, lôi kéo du khách đã đến Việt Nam sẽ trở lại nhiều lần nữa. Nhất là trong bối cảnh hiện nay chúng ta đang tiến hành mạnh mẽ công cuộc cải cách hành chính để giảm bới sự nhũng nhiễu, gây phiền hà trong nhân dân và người nước ngoài.
GẮN HOẠT ĐỘNG DU LỊCH BIỂN VỚI KINH TẾ BIỂN
Gắn hoạt động du lịch biển với kinh tế biển là nhằm nâng cao hiểu biết về văn hóa và kinh tế của Việt Nam
Du lịch biển với một đất nước có chiều dài trên 3.200km bờ biển là một điều đầy thú vị. Tại mỗi điểm dừng chân, khách tham quan đều có thể cảm nhận được khả năng phát triển về kinh tế, theo đó là những hương vị mang tính bản sắc văn hóa địa phương. Mỗi khi tham quan các di tích lịch sử để tìm hiểu về bề dày của văn hóa cũng đồng nghĩa là khách có thể cảm nhận được thành quả lao động mà nhân dân ta đạt được qua các giai đoạn lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Vì vậy, trong quá trình vận hành cần phải gắn du lịch biển với kinh tế biển. Bởi du khách không chỉ đơn thuần đến tham quan, du lịch mà còn tìm hiểu khả năng đầu tư phát triển kinh tế, làm ăn lâu dài tại Việt Nam, một đất nước có sự ổn định chính trị, có hệ thống pháp lý ngày càng hoàn thiện và đạt chuẩn cao so với quốc tế. Sự gắn kết của hoạt động du lịch biển với kinh tế biển còn là hình thức quảng bá về tiềm năng của biển Việt Nam với bạn bè quốc tế, thông qua đó còn nâng cao sự hiểu biết về bản sắc văn hóa Việt Nam.
Tạo điều kiện cho các nhà đầu tư vào phát triển kinh tế du lịch biển
Cùng với hoạt động du lịch biển, trong chiến lược phát triển kinh tế biển chúng ta cần chú trọng đến việc kêu gọi đầu tư. Bởi, trong số khách du lịch có rất nhiều người muốn qua chuyến đi du lịch biển để tìm hiểu khả năng đầu tư không chỉ đối với kinh tế biển mà còn cả trên đất liền, vì vậy chúng ta cần quảng bá, kêu gọi và tạo hành lang thuận lợi cho các nhà đầu tư hiểu biết thêm về chiến lược phát triển kinh tế của Đảng và Nhà nước ta. Tạo điều kiện thông qua việc cung cấp, hướng dẫn và mời tham quan các điểm quy hoạch phát triển kinh tế của từng địa phương.
Tạo dựng môi trường biển trong sạch và bền vững
Một trong những bí quyết để tiếp tục thu hút ngày càng nhiều khách đến tham quan, du lịch biển là việc chú trọng giữ gìn và làm sạch môi trường. Bởi ở đó tạo cho du khách sự an toàn về môi trường khi nghỉ, tham quan. Ở đó tạo cho du khách môi trường trong sạch để tái tạo, bổ sung cho sức khỏe. Vì vậy, cần tránh những can thiệp quá sâu của con người về cải tạo thiên nhiên đối với những vùng biển có nhiều động thực vật biển.
KIẾN NGHỊ
Chúng ta đang tích cực triển khai mạnh mẽ công cuộc cải cách hành chính nhưng trước tình hình mới, nhiệm vụ mới, chúng ta nên sớm có một đơn vị đầu mối như Bộ Kinh tế biển để đảm đương sứ mệnh của Đảng đề ra trong chiến lược biển Việt Nam. Chỉ có như vậy chúng ta mới có thể có một bộ máy tập trung chuyên môn để gắn kết, thúc đẩy sự phát triển của các bộ ngành, các địa phương có những lĩnh vực, ngành kinh tế liên quan đến biển./.
TS. VŨ THỊ NHÀI
Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh