Trong bối cảnh giá cả dịch vụ, xăng dầu, thực phẩm… tăng “phi mã”, việc đạt được tốc độ tăng trưởng cao là một tín hiệu hết sức đáng mừng đối với Ngành. Không những thế, bên cạnh các thị trường truyền thống tiếp tục được duy trì ổn định, thì khách ở nhiều thị trường mới (đặc biệt là đối tượng khách chi trả cao) có xu hướng ngày càng tăng. Khách du lịch trên các phương tiện đường không, đường bộ, đường thủy đều có sự tăng trưởng đáng kể, trong đó phải kể đến chuyển biến mạnh mẽ của khách du lịch đường bộ. Theo đánh giá, đây là hiệu ứng của việc xúc tiến quảng bá, chào bán các sản phẩm du lịch hướng vào đối tượng và thị trường cụ thể. Trong đó, phải kể đến một loại hình du lịch đang rất ăn khách là Caravan (du lịch bằng ô tô tay lái nghịch do du khách tự lái). Thống kê cho thấy, chỉ sau một thời gian ngắn hoạt động thử nghiệm, đến nay đã có 2.000 lượt xe ô tô và 80.000 khách caravan vào Việt Nam qua các cửa khẩu đường bộ. Mới đây, Chính phủ đã chính thức cho phép các đoàn caravan vào Việt Nam tham quan, khảo sát du lịch...
Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu khả quan, vấn đề ngành Du lịch lo ngại nhất là cơ sở hạ tầng, cơ sở lưu trú chưa đáp ứng được với tốc độ phát triển của khách quốc tế. Thống kê của Vụ Khách sạn - TCDL, cả nước có tới 8.556 khách sạn (KS) với 180.551 buồng, song số KS cao cấp quá ít, trên toàn quốc chỉ có 25 KS 5 sao với 7.167 phòng, 65 KS 4 sao với 8.236 phòng, 141 KS 3 sao với 10.081 phòng… Riêng Hà Nội có 450 khách sạn với 14.500 phòng, trong đó, có 9 khách sạn 5 sao với 2.704 phòng, trước sự “bùng nổ” của làn sóng khách du lịch cao cấp, tình trạng khan hiếm buồng phòng diễn ra khá thường xuyên trong mùa cao điểm. Bà Cao Thị Ngọc Lan, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết, với tốc độ tăng trưởng khách quốc tế đến Hà Nội khoảng 14%/năm (khách quốc tế đến Hà Nội đạt1,27 triệu lượt năm 2007), từ nay đến 2010 Hà Nội thiếu khoảng 7.000 phòng khách sạn. Mặc dù Hà Nội đứng thứ 2 trong cả nước về lượng khách du lịch quốc tế, song thời gian lưu trú của khách thấp, do chất lượng dịch vụ, chất lượng lưu trú chưa đáp ứng được yêu cầu. Lý giải về nguyên nhân chậm trễ trong việc phát triển các cơ sở lưu trú cao cấp trên địa bàn, bà Lan cho rằng do liên quan đến nhiều Ban, Ngành và các yếu tố như quỹ đất, địa điểm, vốn, nhà đầu tư…
Theo bà Đổng Thị Kim Vui, Giám đốc Sở Du lịch TP.Hồ Chí Minh, chưa có cơ sở để đảm bảo với tốc độ thu hút khách du lịch quốc tế đến TP.Hồ Chí Minh tăng bình quân từ nay đến 2010 khoảng 5 triệu du khách, cũng do tình trạng khách sạn cao cấp thiếu nghiêm trọng...
Kết quả khảo sát mới đây của Hiệp hội du lịch châu Á - Thái Bình Dương (PATA) cũng xếp cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch của Việt Nam ở vị trí gần... cuối bảng.
Theo ông Peter A.Semone, nguyên Phó Chủ tịch PATA, để du lịch hoạt động có hiệu quả và tăng sức hấp dẫn, ngành Du lịch Việt Nam nên chuẩn bị tốt cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư, nhất là về quỹ đất và thủ tục hành chính. Việt Nam cần tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, dịch vụ lưu trú du lịch, vì dù có giàu tiềm năng đến mấy cũng không thể khai thác và phát huy hiệu quả nếu cơ sở hạ tầng du lịch còn nhiều bất cập.
VIỆT ANH