![](/FileManager/mypicture/Du-khach-tham-quan-thon-Lun.jpg)
|
Du khách tham quan làng văn hóa du lịch Lũng Cẩm Trên |
Phát biểu tại hội thảo Du lịch cộng đồng – thực trạng và giải pháp phát triển bền vững Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Vương Mí Vàng khẳng định: du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của Tỉnh, trong đó phát triển du lịch cộng đồng là bước đột phá nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng và thế mạnh của Du lịch Hà Giang. Ngày 14/8/2006, UBND tỉnh Hà Giang đã ban hành Chương trình hành động 35/CTHĐ-UB nhằm “xây dựng các làng văn hóa du lịch cộng đồng tại các huyện (mỗi huyện 2 - 3 làng trở lên) để từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân các dân tộc”. Thực hiện Chương trình này, đến nay, Hà Giang đã tổ chức khảo sát và xây dựng 25 làng văn hóa du lịch cộng đồng trên địa bàn toàn Tỉnh; tổng nguồn vốn đầu tư cho hệ thống cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật đạt 6.808 triệu đồng, trong đó vốn do dân đóng góp là 3.647 triệu đồng; tổ chức 25 lớp tập huấn du lịch cộng đồng tại thôn bản cho gần 1500 lượt người; tổ chức các đoàn tham quan học tập mô hình du lịch cộng đồng tại Mai Châu, Sapa. Trong năm 2007, một số thôn bản như thôn Tha, thôn Tiến Thắng, bản Tuỳ, thôn Bục Bản… đã đón và phục vụ hàng nghìn lượt du khách trong và ngoài nước đến tham quan; các mặt hàng thủ công truyền thống như dệt lanh, mây tre đan, trang phục dân tộc trở thành hàng lưu niệm bán cho khách; người dân ở các làng văn hóa đã bước đầu nhận thức vai trò và chủ động tham gia vào các hoạt động du lịch cộng đồng tại địa phương. Nhờ đó, không chỉ đời sống của cư dân địa phương được cải thiện đáng kể mà còn góp phần khôi phục làng nghề truyền thống, sinh hoạt văn hóa, nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh và bảo vệ môi trường.
Tuy đã đạt được nhiều kết quả trong quá trình phát triển du lịch cộng đồng ở Hà Giang, nhưng theo Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin Hà Giang Nguyễn Trùng Thương hiện một số làng được lựa chọn xây dựng làng văn hóa du lịch cộng đồng chưa đảm bảo các tiêu chí về tính truyền thống và bản sắc văn hóa dân tộc, yếu tố vệ sinh môi trường và chỉ đón khách tới tham quan, phục vụ ăn uống chứ chưa đủ điều kiện cho khách lưu trú qua đêm.
Nhằm phát triển du lịch cộng đồng tại Hà Giang, Vụ trưởng Vụ Lữ hành – Tổng cục Du lịch Vũ Thế Bình cho rằng, cần tập trung vào một số vùng có tiềm năng du lịch nổi trội như Đồng Văn, Quản Bạ, Hoàng Su Phì, Xín Mần, Bắc Mê. Trong đó, cần xây dựng quy hoạch tổng thể và chi tiết các tuyến điểm du lịch cộng đồng mang tính đặc sắc về văn hóa, đa dạng về sinh thái; đồng thời tuân thủ triệt để quan điểm phát triển du lịch bền vững, hạn chế tối đa sự ảnh hưởng tiêu cực của hoạt động du lịch đến người dân và môi trường. Trong quá trình khai thác, các cơ quan quản lý và doanh nghiệp cần coi trọng tới lợi ích của đồng bào địa phương. Hà Giang cần tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp kinh doanh du lịch bằng các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư phát triển các loại hình du lịch thân thiện với môi trường; tập trung đào tạo nguồn nhân lực du lịch, đặc biệt là cộng đồng thôn bản nơi có khách du lịch đến thăm về kỹ năng nghiệp vụ cũng như biện pháp bảo vệ môi trường; khuyến khích người dân địa phương duy trì giữ gìn các nét văn hóa trong cuộc sống, phát triển các làng nghề thủ công truyền thống…
HẢI DƯƠNG