Thấy gì từ công tác đào tạo và tuyển dụng nhân lực du lịch TP. Hồ Chí Minh
Thiếu người làm công việc cụ thể
Đề cập đến vấn đề đào tạo nguồn nhân lực du lịch tại TP. Hồ Chí Minh, Giám đốc nhân sự Tập đoàn IHG (Khách sạn Intercontinental Saigon) Đoàn Trần Phương Thảo chia sẻ, TP. Hồ Chí Minh có 200 cơ sở đào tạo du lịch, trong đó có 62 trường đại học có Khoa Du lịch, 54 trường cao đẳng cùng rất nhiều trường trung cấp, trung tâm dạy nghề cung ứng nhân sự cho ngành Du lịch. Tuy nhiên, năm 2022 – 2023, TP. Hồ Chí Minh cần khoảng 40.000 lao động du lịch có trình độ mà các trường đào tạo nghề mới chỉ đáp ứng được khoảng 15.000 lao động. Dù “sức cầu” về nguồn nhân lực du lịch tại TP. Hồ Chí Minh được dự báo rất cao trong thời gian tới, cùng với số lượng cơ sở đào tạo có ngành Du lịch là không hề nhỏ, tuy nhiên nhiều doanh nghiệp vẫn đánh giá chưa cao về chất lượng nguồn nhân lực du lịch được đào tạo ra trong thời gian qua.
Bà Đoàn Trần Phương Thảo cho rằng, việc đào tạo nguồn nhân lực du lịch tại TP. Hồ Chí Minh chưa đáp ứng nhu cầu của đa phần các doanh nghiệp du lịch. Bởi lẽ, chương trình đào tạo chưa sát công việc thực tế tuyển dụng. Trình độ ngoại ngữ của sinh viên ra trường chưa cao, gặp nhiều phàn nàn từ du khách. Kết cấu chương trình đào tạo giữa các cơ sở chưa đồng nhất, dẫn đến chất lượng chuyên môn, kỹ năng chưa được cải thiện.
Cùng quan điểm, Phó Giám đốc khách sạn Viễn Đông Nguyễn Thị Kim Trang cho rằng, ở góc độ khách sạn, tình hình chung vẫn thiếu nhân lực, nhưng là thiếu những người làm các công việc cụ thể như: buồng, phục vụ, tiếp tân, bảo vệ… Thời gian sau dịch vừa qua, khách sạn rất loay hoay về vấn đề nguồn nhân lực và phải hơn nửa năm mới cơ bản giải quyết xong.
Đối với vấn đề này, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Sài Gòn Phan Bửu Toàn nhận định, thiếu ở đây là thiếu người trực tiếp vào làm một nghiệp vụ nào đó. Hiện nay, TP. Hồ Chí Minh cung cấp nhiều nhân lực chất lượng cao cho ngành Du lịch ở các bậc Đại học, Thạc sĩ, Tiến sĩ... Nhưng những người học như thế sẽ không đi làm một việc làm cụ thể. Điều mà đa số doanh nghiệp đang cần là con người, nguồn nhân lực cụ thể để làm một công việc cụ thể lại đang không có. Nó xuất phát từ việc học dàn đều, khiến sinh viên khi ra trường vào doanh nghiệp phải đào tạo lại. Nguyên nhân là do không xác định và đào tạo không chuyên sâu vào một ngành nghề cụ thể, một vị trí việc làm cụ thể.
Đơn vị đào tạo cần thích ứng với thực tiễn
Để sinh viên ra trường đáp ứng được yêu cầu công việc từ doanh nghiệp du lịch thì các cơ sở đào tạo cần thay đổi để thích ứng với tình hình hiện nay. Theo Thạc sĩ Phan Bửu Toàn, đối với vấn đề đào tạo hiện nay, phải thay đổi rất nhiều và phải nắm bắt được xu hướng nó sẽ thay đổi như thế nào. Cơ sở đào tạo phải có những sự liên kết, hợp tác qua lại với các doanh nghiệp, để tiếp thu, xây dựng chương trình đào tạo cho sát với thực tế. “Mỗi năm, nhà trường đều có một lần tiếp xúc lớn mời các doanh nghiệp du lịch đến để lắng nghe, tiếp thu những chia sẻ. Đồng thời, tùy khoa, tổ bộ môn sẽ mời doanh nghiệp liên quan đến ngành nghề đào tạo đến để góp ý chương trình khung đào tạo. Từ đó, tiếp thu ý kiến, có kế hoạch chỉnh sửa, để tạo nên một chương trình khung phù hợp với thực tiễn: bao nhiêu tiết là vừa, thay đổi cái gì, nên thêm cái gì, nên bớt cái gì... Sau khi sửa lại tiếp tục xin ý kiến doanh nghiệp để hoàn thiện, rồi thí điểm dự giờ để thu thập ý kiến phản hồi, mới có thể xây dựng đề cương cho môn học sát với thực tế” - Thạc sĩ Phan Bửu Toàn chia sẻ.
Bên cạnh đó, Trường Cao đẳng Du lịch Sài Gòn cũng đẩy mạnh cập nhật kiến thức chuyển đổi số trong môn học. Ở học phần điều hành tour, Trường đã mua phần mềm giống như của doanh nghiệp để lồng ghép trong đào tạo. Trường chia đôi tiết học ra để dạy, cả phần nguyên lý đến thực hành trên phần mềm cho sinh viên, đồng thời áp dụng phần mềm này cho sinh viên thi để kết thúc học phần. “Mặt khác, trường cũng triển khai phỏng vấn sơ bộ, cho sinh viên tự viết CV cho ngành nghề mình muốn xin việc. Qua các câu hỏi, bài test phỏng vấn, nhà trường sẽ sàng lọc được sinh viên đạt chuẩn nào phù hợp với loại hình doanh nghiệp ở mức độ nào. Như vậy, khi sinh viên xin việc sẽ đúng doanh nghiệp ở mức độ năng lực mình có thể đáp ứng, sẽ làm được việc” - Thạc sĩ Phan Bửu Toàn cho biết thêm.
Kết hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp
Giám đốc khối nội địa Bến Thành Tourist Cao Tùng cho rằng, để có nguồn sinh viên ra trường lành nghề, chất lượng, không có con đường nào khác là các cơ sở đào tạo phải gắn với doanh nghiệp. Bình thường, sinh viên có 3 tháng thực tập. Nhưng đôi lúc gửi về doanh nghiệp trong mùa thấp điểm thì các bạn học được cái gì? Nếu trong 3 tháng đó là mùa cao điểm, thì liệu các bạn có biết việc để phụ hay không? Một doanh nghiệp xây dựng nên một thương hiệu đâu là chuyện dễ dàng, càng không dễ dàng để sinh viên thực tập tiếp cận những công việc có thể ảnh hưởng thương hiệu của họ” - ông Cao Tùng bày tỏ.
Từ thực tế này cho thấy, phải có sự gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp. Trong vấn đề đào tạo, doanh nghiệp cũng phải thấy được trách nhiệm của mình, bởi vì nhà trường tuyển sinh đào tạo khung lý thuyết nhưng sử dụng sau này là doanh nghiệp. “Nhà trường phải có trách nhiệm gắn kết với doanh nghiệp, để làm sao sinh viên ra trường có việc làm, làm việc phải lành nghề. Như vậy, thay vì nhà trường thu học phí của sinh viên là 4 năm, thì 2 năm gửi sinh viên về cho doanh nghiệp thì nhà trường phải có một mức phí gửi cho doanh nghiệp hỗ trợ về chuyện tiền điện, tiền nước và một số kinh phí gì đó để gắn trách nhiệm với nhau. Lúc đó sẽ có sự sòng phẳng với nhau trong trách nhiệm, doanh nghiệp cũng mạnh dạn hướng dẫn đào tạo các bạn để các bạn trở thành những con người lành nghề khi tốt nghiệp ra trường. Nếu chúng ta làm được như thế, sẽ trở thành một mô hình rất tuyệt vời, sẽ không lo gì sinh viên ra trường không có kinh nghiệm” - ông Cao Tùng chia sẻ.
Phó Giám đốc khách sạn Viễn Đông Nguyễn Thị Kim Trang cũng đưa ra nhận định, phải định hướng nghề nghiệp rõ ràng cho sinh viên ngay từ đầu. Sinh viên bây giờ đa số nhìn ở bề ngoài nhiều hơn, chưa thật sự thấy rõ cái cốt lõi của công việc mình sẽ làm sau khi ra trường. Do vậy, trong quá trình đào tạo, nhà trường cần cho sinh viên tiếp cận với doanh nghiệp nhiều hơn. Chẳng hạn như từ năm 2, các sinh viên sẽ được đi kiến tập để biết được thực tế với công việc mình phải làm như thế nào. Thời gian kiến tập cũng nên dài hơn. Sau đó về bổ sung kiến thức lý thuyết tại nhà trường, rồi lại có thêm từ 8 tháng đến 1 năm thực tập tại doanh nghiệp. Như vậy, sinh viên có nhiều thời gian trải nghiệm, hiểu hơn về ngành và công việc của mình.
Thiết nghĩ, để không còn điệp khúc doanh nghiệp “kêu ca” phải đào tạo lại nguồn nhân lực du lịch sau khi ra trường, thì nhà trường, doanh nghiệp và cơ quan quản lý du lịch tại TP. Hồ Chí Minh cần phải ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình. Các bên cần cùng ngồi lại, nhìn nhận, đánh giá toàn diện và thống nhất một chương trình khung chung cho các trường đào tạo ngành nghề về du lịch. Nhà trường với doanh nghiệp cần gắn kết, hợp tác một cách thực chất, để đào tạo nên nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu, yêu cầu của công việc. Từ đó, từng bước nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, phù hợp với tiến trình chuyển đổi số của ngành du lịch và sự phát triển của ngành trong thời gian tới.
Phước Quang – Cao Phương