Thay mặt nhóm tác giả, TS Lê Quang Đăng báo cáo kết quả nghiên cứu và đưa ra những khuyến nghị chính sách thông qua những dẫn chứng cụ thể và kết quả khảo sát của nhóm tác giả sau 4 tháng thực hiện đề tài. Báo cáo cho thấy, hầu hết các địa phương trong cả nước đều rất quan tâm đến phát triển loại hình farmstay, nhiều địa phương đã ban hành những cơ chế đặc thù, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp phát triển loại hình du lịch này, đã có nhiều cơ sở kinh doanh farmstay rất thành công. Tuy nhiên, hiện tại ở Việt Nam chưa có quy định về loại hình farmstay trong các Luật và văn bản hướng dẫn do đó đã khiến cho nhiều địa phương còn lúng túng, khó khăn trong công tác quản lý, khuyến khích phát triển cũng như xử lý sai phạm.
Tác giả cũng đưa ra những nguyên nhân khách quan, chủ quan dẫn đến tình trạng nêu trên đồng thời đưa ra những giải pháp, khuyến nghị trong đó tập trung chủ yếu vào các giải pháp hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ cho đầu tư phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với farmstay; nguồn nhân lực du lịch nông nghiệp; quảng bá, xúc tiến; phối hợp liên ngành, quản lý điểm đến; hoạt động kinh doanh...
Đặc biệt, một số khuyến nghị chính sách, văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của Quốc hội, Chính phủ đã được đề cập khá cụ thể trong báo cáo như: Đề xuất điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung Luật Du lịch 2017 trong đó cần giải thích cụ thể điều 3 về thuật ngữ “Du lịch nông nghiệp nông thôn”, giải nghĩa và liệt kê một số loại hình của du lịch nông nghiệp nông thôn trong đó có famstay; tại “điều 48. Các loại hình cơ sở lưu trú du lịch”, cần bổ sung loại hình lưu trú nông trại (farmstay)...
Các nhà khoa học, đại biểu tham dự hội thảo đồng tình và đánh giá cao báo cáo nghiên cứu và đã có những ý kiến đóng góp quý báu. Theo TS. Ngô Kiều Oanh, đây là một báo cáo rất căn cơ, đưa ra được định nghĩa khá chính xác về loại hình farmstay. Thực tế đây là loại hình đã xuất hiện từ khá lâu ở Việt Nam nhưng còn nhiều khó khăn vướng mắc chưa được tháo gỡ nên còn nhiều lúng túng khi đi vào hoạt động. Do vậy, cần sớm có bộ tiêu chí hướng dẫn hoạt động cho loại hình này để giúp các nhà đầu tư và người dân có cơ sở thực hiện. Tiêu chí hoạt động cần bám sát vào thực tiễn, phân loại được sản phẩm cốt lõi của từng vùng miền cùng các cấp độ khác nhau cũng như cần học hỏi những kinh nghiệm của các nước có kinh nghiệm phát triển loại hình này, ví dụ như Đài Loan. TS. Ngô Kiều Oanh cũng đề xuất nâng cấp đề tài lên cấp Bộ hoặc cấp Nhà nước để có có sức thuyết phục cao hơn.
Ở góc nhìn khác, PGS. TS Hoàng Thị Mỹ Dung - Viện Nghiên cứu Phát triển Nông nghiệp nông thôn cho rằng, farmstay không chỉ là loại hình ở những vùng xa xôi, hẻo lánh mà có ở khắp nơi do đó tính tính phổ biến rất lớn nhưng đều vướng vào luật đất đai sửa đổi cũng như nghị định hướng dẫn phát triển trang trại chưa được ban hành dù đã có khá nhiều nghiên cứu trước đây được đưa ra.
Famstay thực chất là một hình thức của du lịch nông nghiệp, tuy nhiên nên phân biệt cụ thể farmstay trong xây dựng nông thôn mới. Còn nếu gắn với khái niệm chung thì nên gắn nó với nông nghiệp quốc tế và nông nghiệp Việt Nam. Bên cạnh đó, cần xác định rõ trong chính sách farmstay là của doanh nhân hay của nông dân. Cái tên farmstay cần được xác định như thế nào đồng thời phải gắn nó với các loại hình lưu trú khác như trang trại nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, diêm nghiệp... Việc bổ sung thêm khái niệm lưu trú nông trại vào mô hình lưu trú du lịch là điều cần thiết, TS.Hoàng Thị Mỹ Dung nhấn mạnh.
Chia sẻ về những khó khăn, vướng mắc trong việc đẩy mạnh loại hình farmstay tại địa phương, Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Yên Bái Vũ Thị Mai Oanh đề nghị nhóm tác giả bổ sung những đề xuất với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu thực tế mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn ở các địa phương và tham mưu xây dựng, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách pháp luật có liên quan tạo hành lang pháp lý cho loại hình du lịch nông nghiệp, nông thông phát triển đúng quy lịnh của pháp luật đồng thời xem xét, bổ sung loại hình lưu trú farmstay vào quy định của pháp luật về du lịch để thống nhất quản lý trên toàn quốc.
Đóng góp ý kiến vào báo cáo nghiên cứu, TS Trương Sỹ Vinh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Du lịch chia sẻ, luật đất đai Việt Nam 2013 quy định mỗi khu vực đất chỉ có một mục đích sử dụng nên nếu muốn chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang thương mại dịch vụ thì phải xin chuyển đổi mục đích sử dụng, đó cũng chính là vấn đề vướng mắc lớn của các farmstay đang gặp hiện nay bởi họ đang phải kinh doanh trên đất nông nghiệp là chủ yếu. Hiện tại, dự thảo luật đất đai sửa đổi đang đề cập đến vấn đề mục đích sử dụng từ đơn nhiệm sang đa nhiệm, đó cũng là bài toán cần được tháo gỡ đối với farmstay. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề phát sinh như loại đất nào được sử dụng đa mục đích, thời gian bao lâu. Từ đó, đề tài cần nghiên cứu kỹ hơn nội dung này để đưa vào trong phần đề xuất tháo gỡ khó khăn. Bên cạnh đó, nên đưa ra khái niệm rõ ràng về farmstay cùng những quy định tiêu chí trong các trang trại cho hoạt động du lịch, cần bổ sung thêm điều khoản về stay (lưu trú) trong loại hình farmstay.
Tiếp thu và kết luận các ý kiến đóng góp của các đại biểu, Viện trưởng Nguyễn Anh Tuấn đề nghị nhóm nghiên cứu bổ sung báo cáo, làm rõ hơn khái niệm fam với farmstay; nên bổ sung thêm kinh nghiệm phát triển trên thế giới thông qua các mô hình tại các nước phát triển như Mỹ, Đài Loan... Tại phần đánh giá thực trạng, Viện trưởng cũng góp ý nhóm nghiên cứu cần nêu bật rõ hơn về tiềm năng phát triển mô hình famstay, lợi thế của từng vùng tách biệt với từng đặc thù khác biệt, cần nêu rõ những khó khăn vướng mắc, nguyên nhân dẫn đến khó khăn đó là gì, tuy nhiên cần có tính linh hoạt và có hướng dẫn cụ thể để các thành phần để người dân và doanh nghiệp cùng tham gia làm famstay; bổ sung những văn bản của địa phương gắn với chính sách đặc thù; cần có khuyến nghị chính sách trước giải pháp để thực hiện khuyến nghị chính sách đó. Các khuyến nghị cần tập trung vào vấn đề chuyển đổi sử dụng đất đai (đa mục đích) đồng thời chú trọng vấn đề bảo vệ môi trường và phát triển bền vững gắn với famstay.
Phương Nhi