Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, trước khi dịch COVID-19 diễn ra, du lịch Việt Nam đang trong thời kỳ tăng trưởng khách quốc tế mạnh mẽ. Lượng khách quốc tế chủ yếu đến từ thị trường Đông Bắc Á, tiếp đó là châu Âu, Đông Nam Á và châu Mỹ. Sau đại dịch, xu hướng và thói quen đi du lịch của du khách bị tác động và thay đổi. Du khách có xu hướng lựa chọn các điểm đến mới, hoang sơ, yên tĩnh, gần gũi với thiên nhiên; điểm đến sinh thái, bền vững; điểm đến du lịch nông nghiệp nông thôn; điểm đến văn hóa, cộng đồng. Về tổ chức chuyến đi, du khách có xu hướng đặt trước qua các nền tảng trực tuyến; du lịch tự túc và tự tổ chức; theo gia đình, người thân. Du khách có xu hướng hạn chế chi tiêu cho các sản phẩm và dịch vụ du lịch; chú trọng hơn đến chi phí bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Trong khi đó, sau dịch COVID-19, du khách trong nước lại có xu hướng đi du lịch để vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng, tham quan, tìm hiểu văn hóa; lựa chọn điểm đến gắn với thiên nhiên, các điểm vui chơi giải trí, các điểm du lịch văn hóa và các điểm du lịch mới. Du khách trong nước cũng có xu hướng tự tổ chức chuyến đi; một số khác chọn giải pháp mua combo nghỉ dưỡng kết hợp với vé máy bay hoặc mua tour du lịch trọn gói…
Trên cơ sở đó, Viện Nghiên cứu phát triển du lịch đưa ra định hướng, giải pháp phát triển thị trường, hướng đến kích cầu nội địa; tăng cường tổ chức các sự kiện, hoạt động, lễ hội thu hút du khách. Đặc biệt, tăng cường công tác truyền thông, quảng bá du lịch Việt Nam - “điểm đến an toàn, hấp dẫn, nhân văn, hiếu khách” tại các thị trường quốc tế. Phối hợp với các hãng truyền thông, báo chí, trang tin điện tử ở nước sở tại để đăng tải các thông tin quảng bá du lịch Việt Nam; hợp tác với các hãng truyền hình quốc tế nổi tiếng như CNN, BBC, Discovery, National Geographic… Chú trọng các thị trường tiềm năng, thị trường xa như Nam Mỹ, Tây Á, châu Phi; trước mắt thí điểm tại một số nước có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển như Brasil, Ả Rập Xê Út, các tiểu quốc Ả Rập Thống nhất, Iran, Israel, Qatar… Bên cạnh đó, cần đa dang hóa sản phẩm du lịch, hướng đến các sản phẩm chất lượng cao; khai thác tối đa tiềm năng lợi thế địa phương, bảo vệ môi trường và cam kết về biến đổi khí hậu; tích hợp công nghệ số và đẩy mạnh chuyển đổi số. Mặt khác, đẩy mạnh hồi phục nhân lực phục vụ thị trường nội địa; tập trung phục hồi nhân thực phục vụ thị trường quốc tế chiến lược.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã nghe một số báo cáo tham luận về “Định hướng và giải pháp phát triển nguồn nhân lực đáp ứng xu hướng du lịch trong trạng thái bình thường mới”; “Định hướng và giải pháp phát triển sản phẩm du lịch nhằm đáp ứng các xu hướng du lịch mới sau đại dịch COVID-19 tại Việt Nam”; “Các xu hướng mới về ứng dụng công nghệ trong hoạt động du lịch sau COVID-19 tại Việt Nam và một số giải pháp”. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đã trao đổi, chia sẻ nhiều ý kiến, giải pháp nhằm đáp ứng xu hướng du lịch thời kỳ sau đại dịch COVID-19 như tiếp cận thị trường trong nước; xác định cơ hội, thách thức từ xu hướng mới và đưa ra giải pháp để biến thách thức thành cơ hội; các giải pháp phải phù hợp, tập trung vào sản phẩm ngắn ngày với với chuyển đổi số; tập trung xúc tiến vào các thị trường có khẳng năng chi tiêu cao.
Thay mặt Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, Phó viên trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Trương Sỹ Vinh đánh giá cao những ý kiến chia sẻ, tham luận, cũng như kết quả của nhóm nghiên cứu. Nghiên cứu đã bám sát đề cương nhiệm vụ, chỉ ra được những xu hướng chính của khách quốc tế cũng như nội địa; đồng thời, đề xuất được những định hướng, giải pháp để đáp ứng được xu hướng. “Viện Nghiên cứu phát triển du lịch và nhóm nghiên cứu sẽ tiếp thu, tận dụng ý kiến của các đại biểu trong việc xây dựng những giải pháp phù hợp” – ông Trương Sỹ Vinh cho biết.
Gia Khôi