Khó trong tuyển sinh…
Số liệu công bố về việc đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho thấy, đã có 199.166 nguyện vọng đăng ký vào nhóm ngành du lịch, khách sạn, dịch vụ cá nhân, với 48.334 thí sinh lựa chọn nguyện vọng 1, trong khi nhóm ngành này năm nay chỉ có 24.036 chỉ tiêu.
Nhóm ngành du lịch, khách sạn, dịch vụ đang đứng thứ tư trong tổng số 24 nhóm ngành có sự cạnh tranh trong xét tuyển mạnh nhất. Tỷ lệ nguyện vọng 1 của chỉ tiêu tuyển sinh nhóm ngành du lịch, khách sạn, dịch vụ là 201,09%. Tuy nhiên, dù lượng thí sinh đăng ký dự tuyển khá cao nhưng đến thời điểm hiện tại, nhiều trường tuyển sinh nhóm ngành du lịch, khách sạn, dịch vụ cá nhân vẫn chưa đủ chỉ tiêu.
Lý giải nguyên nhân dẫn đến việc nhóm ngành du lịch, khách sạn, dịch vụ gặp khó trong khâu tuyển sinh năm nay, đại diện các trường đều cho rằng, công tác tuyên truyền tuyển sinh hướng nghiệp, quảng bá hình ảnh trường lớp đến học sinh THPT bị hạn chế do dịch COVID-19 phải thực hiện giãn cách xã hội. Ông Trịnh Cao Khải, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội cho biết, công tác tuyển sinh năm nay gặp rất nhiều khó khăn vì mùa tuyển sinh rơi vào đúng thời điểm dịch bùng phát, xã hội phải thực hiện giãn cách nên mọi hoạt động liên quan đến công tác tuyển sinh đều thực hiện qua internet từ quảng bá tuyển sinh, đăng ký, nộp hồ sơ, nhập học. Mặc dù đã tích cực đẩy mạnh tuyên truyền giới thiệu trường qua hệ thống Internet, trên các nền tảng mạng xã hội… để nhiều người biết đến hơn nhưng cũng chưa thực sự đem lại hiệu quả như mong đợi bởi tỉ lệ hồ sơ ảo khá cao, đến thời điểm hiện tại nhà trường mới tuyển sinh được khoảng 60% chỉ tiêu.
Cùng chung quan điểm này, đại diện Trường Cao đẳng Du lịch Đà Nẵng bày tỏ, “năm nay đại dịch COVID-19 hoành hành khốc liệt khiến ngành Du lịch thấm đòn quá nặng nên việc tuyển sinh khá vất vả, số lượng sinh viên nộp hồ sơ online tăng cao. Chỉ vài bước nhấp chuột, điền thông tin qua internet là 1 hồ sơ đăng ký học được hoàn thành. Nhiều sinh viên sử dụng hồ sơ để dự phòng khi không đỗ các trường khác nên rất khó có thể xác định được số lượng hồ sơ ảo. Điều này đã phát sinh nhiều mặt hạn chế khi tuyên truyền và nhập học qua internet”. Tuy nhiên, ông Đặng Phúc Sinh, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Nghề Việt - Úc khẳng định, việc khó khăn trong tuyển sinh đã diễn ra từ năm 2020 khi dịch bắt đầu bùng phát. Cụ thể, trường chỉ tuyển được 300/800 chỉ tiêu đề ra.
Đa số các chuyên gia tuyển sinh, đào tạo cho rằng, bên cạnh việc lựa chọn nghề nghiệp của thí sinh ngày càng thực tế hơn thì nguyên nhân chính dẫn tới hiện tượng tuyển sinh gặp khó là do nhận thức của xã hội chưa đúng so với tầm quan trọng của nghề này. Bằng chứng là mọi người chỉ nhìn nhận nhóm ngành này trong bối cảnh dịch bệnh đang hoành hành, chưa có cái nhìn nhận xa hơn về tiềm năng và lợi thế thu hút nhân sự của nhóm ngành du lịch, khách sạn, dịch vụ trong tương lai khi dịch bệnh được đẩy lùi.
Hơn nữa, theo đánh giá của nhiều người, các chính sách về lương hay vị trí việc làm đối với nhóm ngành này vẫn chưa thật sự hấp dẫn, khiến tính cạnh tranh trong thị trường lao động có sự chênh lệch khá lớn. Ngoài ra, việc thiếu dự báo về nhu cầu nguồn nhân lực của các ngành nghề như hiện nay cũng khiến thí sinh không hình dung được thị trường lao động trong tương lai nói chung, đặc biệt là nhóm ngành du lịch, khách sạn, dịch vụ nói riêng.
…vướng ở đào tạo
Ghi nhận thực tế cho thấy, dịch COVID-19 không chỉ gây khó tuyển sinh mà còn ảnh hưởng nặng nề tới quá trình đào tạo. Việc chuyển từ đào tạo trực tiếp sang đào tạo kết hợp với trực tuyến cũng gặp khá nhiều vấn đề. Đó là, giảng viên phải bồi dưỡng thêm các kiến thức, kỹ năng các ứng dụng phần mềm giảng dạy, soạn lại giáo trình…; sinh viên cũng phải trang bị thêm thiết bị công nghệ, làm quen với các ứng dụng học tập mới.
Theo Phó trưởng Khoa Du lịch - Khách sạn Trường Đại học Văn hóa Hà Nội Đỗ Trần Phương, dạy học trực tuyến hoàn toàn khác so với các lớp học truyền thống, đòi hỏi giáo viên phải có hiểu biết về việc sử dụng các trang thiết bị, phần mềm dạy học vì không thể áp dụng các phương pháp giảng dạy, đứng lớp thông thường vào dạy học trực tuyến. Do đó, giáo viên phải đầu tư vào việc bồi dưỡng cách sử dụng công nghệ dạy học trực tuyến mới nhất, những quy định, lưu ý khi giảng dạy trực tuyến, cách tạo hấp dẫn để thu hút sinh viên tập trung vào bài giảng.
Bên cạnh đó, một trong những thách thức lớn nhất của việc học trực tuyến là phải tập trung nhìn vào màn hình máy tính/điện thoại trong thời gian dài. Đặc biệt, khi học trực tuyến tại nhà, sinh viên thường bị phân tâm bởi mạng xã hội hoặc các trang web khác...
Một thách thức quan trọng khác của các lớp học trực tuyến là kết nối internet và công nghệ học thường không được ổn định do đường truyền, kỹ thuật…, điều này gây bất lợi cho quá trình học tập trực tuyến của sinh viên, cũng khó đảm bảo chất lượng chương trình giảng dạy. Đặc biệt, học phần thực tập của sinh viên nhóm ngành du lịch, khách sạn, dịch vụ gặp vô vàn khó khăn. Đây không chỉ là vướng mắt đơn thuần, nó còn ảnh hưởng tới tâm lý, tới khả năng thích ứng, trải nghiệm thực tế của đội ngũ nhân sự nhóm ngành “công nghiệp không khói” trong tương lai. Ông Trịnh Cao Khải, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội cho rằng, chương trình liên kết giữa nhà trường - doanh nghiệp để đào tạo nguồn nhân lực bị ảnh hưởng nặng nề nhất vì sinh viên không thể học tập do chương trình đào tạo được xây dựng riêng với hàm lượng thực hành là chính .
“Với tình hình dịch bệnh hiện nay, các thầy cô rất lo lắng cho sinh viên. Nếu dịch bệnh không được xử lý sớm thì sẽ ảnh hưởng rất lớn tới công tác giảng dạy cũng như việc học tập của sinh viên vì thời gian hoàn thiện học phần thực hành bị kéo dài, tạo tâm lý chán nản và giảm tình yêu với ngành nghề đang theo học” - ông Đỗ Trần Phương, Phó trưởng Khoa Du lịch - Khách sạn Trường Đại học Văn hóa Hà Nội chia sẻ.
Hầu hết đại diện các trường đều nhìn nhận, dịch bệnh khiến sinh viên tìm nơi thực tập rất khó, bởi đa số nhà hàng, khách sạn đều cắt giảm nhân sự, hạn chế nhân viên đi làm để đảm bảo giãn cách xã hội nên việc sinh viên đến thực hành, thực tập là không thể nên đến thời điểm hiện tại nhiều sinh viên chưa hoàn thành được học phần này. Đây là những khó khăn lớn nhất trong quá trình đào tạo mà nhóm ngành du lịch, khách sạn, dịch vụ đã gặp phải.
Nỗ lực vượt khó
Liên quan đến công tác đào tạo, ông Trịnh Cao Khải, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội cho biết, hiện nay học phần lý thuyết chủ yếu dạy bằng hình thức online. Học phần thực hành chưa thể dạy trực tiếp nên nhà trường sẽ quay video hướng dẫn thực hành cho sinh viên nghên cứu trước, khi có đủ điều kiện sẽ bố trí cho sinh viên học thực hành để hoàn thiện khung chương trình đào tạo. Đây có thể coi là giải pháp phù hợp nhất trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay nhưng cũng không phải là giải pháp hiệu quả nhất.
Bên cạnh hình thức học trực tuyến để hoàn thiện khung lý thuyết đào tạo đã được xây dựng trước đó, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội đã lồng ghép thêm các chương trình đào tạo kỹ năng mềm cho sinh viên nhóm ngành du lịch, khách sạn. Cụ thể, đào tạo ngoại khóa với các nội dung: kỹ năng xử lý khủng hoảng, ứng phó với dịch bệnh… Ông Đỗ Trần Phương, Phó trưởng Khoa Du lịch - Khách sạn Trường Đại học Văn hóa Hà Nội cũng chia sẻ thêm, “văn hóa giao tiếp ứng xử, xử lý khủng hoảng, ngoại ngữ, tin học, khả năng thích ứng… là những kỹ năng mềm rất cần thiết với sinh viên - nguồn nhân lực tương lai của ngành Du lịch. Do vậy, song song việc phân tích những lợi thế của ngành Du lịch, cơ hội nghề nghiệp trong ngành Du lịch… lồng ghép trong bài giảng, chúng tôi còn kết hợp tổ chức các zoom chia sẻ về kỹ năng quản trị, xử lý khủng hoảng, văn hóa kinh doanh, kỹ năng marketing… để tạo diễn đàn cho sinh viên tham gia học tập trao đổi. Ngoài ra cũng định hướng sinh viên học thêm các kỹ năng công nghệ để sẵn sàng thích ứng bối cảnh mới”.
Để gỡ khó trong công tác tuyển sinh nhằm thu hút người học, TS. Lê Viết Khuyến Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, thay vì ngồi chờ thí sinh, chờ mùa tuyển sinh, ngay từ bây giờ các trường cần chủ động sớm hơn trong việc kết hợp công nghệ “vừa trực tiếp và trực tuyến” trong truyền thông về hướng nghiệp, cập nhật các thông tin - cơ hội nghề nghiệp; tăng cường liên kết với các tổ chức doanh nghiệp trong và ngoài nước để đàotạo nâng cao giá trị nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng đào tạo, mở rộng cơ hội việc làm cho sinh viên… Ngoài ra, TS. Lê Viết Khuyến cũng cho rằng, hiện nay chúng ta đang thiếu sự đánh giá tổng thể về nhu cầu nguồn nhân lực của các ngành nghề và những dự báo về sự biến động của nhu cầu ấy trong tương lai. Do đó, cần sớm có quy hoạch tổng thể nguồn nhân lực cho 10 năm, 20 năm tới, từ đó mới có thể “đón đầu” được nhu cầu sử dụng các nguồn nhân lực. Để làm được điều này, cần phải có sự vào cuộc của Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội, Tổng cục Thống kê, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Kế hoạch & Đầu tư để thống kê, dự báo xem nguồn nhân lực cần trong 5 - 10 năm tới sẽ ra sao, từ đó công khai rộng rãi cho toàn xã hội và thí sinh tham khảo. Đặc biệt, các cơ sở đào tạo cũng lưu ý thí sinh không nên chỉ “chăm chăm” lựa chọn các ngành được dự báo là “hot” mà cần phải có sự đánh giá và nhìn nhận đúng vấn đề.
Không chỉ có vậy, TS. Đỗ Hồng Cường, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Thủ đô Hà Nội cũng bày tỏ, đã đến lúc các cơ sở đào tạo nên thực hiện giải trình với xã hội về tỷ lệ sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp bởi đây là chỉ báo quan trọng để đo lường mức độ đáp ứng của chất lượng giáo dục đối với nhu cầu của thị trường lao động, từ đó sẽ tạo được sức hút đối với các thí sinh. Không chỉ có vậy, để nâng cao chất lượng đào tạo, cần tăng cường sự tham gia của đơn vị sử dụng lao động trong quá trình đào tạo, đảm bảo hài hòa lợi ích ba bên: Nhà nước - Nhà trường - Doanh nghiệp. “Trường Đại học Thủ đô Hà Nội đã xây dựng chuẩn đầu ra cho người học có sự tham khảo nhu cầu thị trường và đơn vị sử dụng lao động, đồng thời khi xây dựng khung chương trình giảng dạy, biên soạn, cải tiến giáo trình và giảng dạy cũng có sự tham gia của các đơn vị này” - TS. Đỗ Hồng Cường cho hay.
Tuy nhiên, ông Trịnh Cao Khải, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội cho rằng, vai trò của truyền thông rất quan trọng trong việc góp phần truyền tải các thông điệp về phục hồi phát triển ngành Du lịch trong bối cảnh trong và sau đại dịch COVID-19. Cần cung cấp thông tin về lộ trình mở cửa du lịch nội địa, quốc tế cũng như nhu cầu về nguồn nhân lực cho nhóm ngành này trong tương lai để mọi người có cái nhìn chính xác hơn về tầm quan trọng, nhu cầu cần thiết nhân lực ngành này. Từ đó góp phần gỡ khó cho khâu tuyển sinh, đào tạo nhân lực ngành du lịch trong và sau đại dịch.
Đoàn Hoa
(Nguồn: Tạp chí Du lịch tháng 10/2021)