Đoàn khảo sát đã trải nghiệm du lịch phố cổ bằng xe điện đến những điểm di tích nổi tiếng của phố cổ Hà Nội như: đình Đồng Lạc (38 Hàng Đào), Trung tâm văn hóa nghệ thuật – Hội Quán Quảng Đông (22 Hàng Buồm), đền Quan Đế (28 Hàng Buồm), đình Kim Ngân (42 Hàng Bạc), ngôi nhà Di sản (87 Mã Mây) - Ngôi nhà đã xuất hiện trong các ấn phẩm du lịch chuyên nghiệp như Toutard, Lonely Planet. Đoàn cũng khảo sát Trung tâm giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội (50 Đào Duy Từ), đây là địa điểm giới thiệu về lịch sử, quá trình hình thành và phát triển của khu phố cổ, là nơi tổ chức gặp gỡ, trao đổi giữa các nhà khoa học, người dân và là nơi giao lưu giới thiệu các loại hình nghệ thuật truyền thống của Hà Nội tới du khách và giới thiệu các loại hình nghệ thuật trên thế giới.
Với những giá trị di sản còn hiện hữu, mặc dù khu phố cổ Hà Nội đã trải qua nhiều biến đổi của lịch sử, chiến tranh,… nhưng đến nay đây vẫn là trung tâm kinh tế, văn hóa, du lịch của cả nước. Trong những năm qua, quận Hoàn Kiếm luôn thu hút một lượng lớn du khách trong và ngoài nước khi đến Hà Nội. Theo thống kê trước dịch COVID-19, lượng khách du lịch ở quận Hoàn Kiếm chiếm 2/3 lượng khách du lịch tham quan Hà Nội, trung bình hàng năm tăng 18,21%.
Phó Trưởng ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội Trần Thị Thúy Lan cho biết, để phát huy giá trị di tích, di sản và thu hút du khách trong thời gian tới, Ban quản lý sẽ kết nối các điểm đến tại Hà Nội, trong nước với không gian di sản quốc gia đặc biệt hồ Hoàn Kiếm và không gian di sản quốc gia phố cổ Hà Nội. Đồng thời, hỗ trợ kết nối các đơn vị lữ hành, khai thác và xây dựng các sản phẩm du lịch, xây dựng tour, giới thiệu các điểm đến của hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội; hỗ trợ tổ chức các sự kiện, các cuộc thi về âm nhạc truyền thống hàng năm: hát ca trù, xẩm, chèo, tuồng... Đặc biệt, quảng bá các giá trị di sản tới du khách trong nước và trên thế giới qua các phương tiện thông tin đại chúng, diễn đàn, hội thảo, hội chợ.
Theo Phó Giám đốc HPA Bùi Duy Quang, với tài nguyên du lịch hiện có của Hoàn Kiếm, quận phải tiếp tục quảng bá rộng rãi đến các quận, huyện, qua đó tổ chức sự kiện thu hút khách; đồng thời, hỗ trợ địa phương lân cận phát triển. Trong thời gian tới, ông Quang mong muốn Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội sẽ cung cấp thông tin, sự kiện diễn ra trong năm 2022 nhằm giúp các doanh nghiệp lữ hành căn cứ xây dựng tour tuyến với lộ trình phù hợp, từ đó thúc đẩy hợp tác chặt chẽ, hiệu quả giữa các bên.
Đại diện doanh nghiệp lữ hành tham gia khảo sát, Tổng Giám đốc Công ty AZA Travel Nguyễn Tiến Đạt cho rằng, Hoàn Kiếm là nơi hội tụ tinh hoa của Thủ đô với nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, tuy nhiên sản phẩm du lịch còn rời rạc, chưa hấp dẫn du khách. Để du lịch Hoàn Kiếm phát triển và đem lại giá trị kinh tế, Hà Nội cần phát triển sản phẩm sinh động hơn, hình thành sản phẩm mới áp dụng công nghệ 4.0 tạo sự mới mẻ, đa dạng đồng thời phát triển kết nối các điểm đến; từng bước để Hà Nội nói chung và Hoàn Kiếm nói riêng phát triển thành trung tâm giới thiệu làng nghề, phát huy thế mạnh về du lịch ẩm thực với các tour ẩm thực đường phố…
Về phương án chuẩn bị các điều kiện để đón khách du lịch trong trạng thái bình thường mới, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội đã bố trí khu vực đón tiếp khách, cửa ra vào và lối đi theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế; niêm yết mã QR và bảng thông tin hướng dẫn đảm bảo an toàn, phòng chống dịch COVID-19 tại nơi đón tiếp; tổ chức đo thân nhiệt đối với khách; bố trí đủ thùng đựng rác có nắp tại khu vực công cộng và khu vực dịch vụ; thông tin đường dây nóng qua kênh của Thanh tra Sở Du lịch, trao đổi thông tin, hỗ trợ khách; đăng ký và tự đánh giá an toàn COVID-19 hàng ngày qua địa chỉ kết nối với hệ thống an toàn COVID quốc gia.
TT