Năm 2021, vaccine phòng, chống Covid-19 đã được nghiên cứu thành công và được triển khai tiêm chủng trên diện rộng, hỗ trợ việc kiểm soát tốt dịch bệnh. Từ đó cũng đặt ra yêu cầu thúc đẩy việc phục hồi phát triển kinh tế, du lịch giữa các quốc gia, đây không chỉ là vấn đề quan trọng, mang tính cấp bách và cần thiết đối với Việt Nam mà còn cả với các quốc gia trên thế giới.
Trong những ngày gần đây, khái niệm “hộ chiếu vaccine” đang là vấn đề nóng được đem ra thảo luận và bàn bạc không chỉ trên các diễn đàn, mạng xã hội mà còn ngay cả trong các cơ quan quản lý nhà nước. Trong đó nhiều ý kiến đồng tình kêu gọi nhanh chóng đưa “hộ chiếu vaccine” vào áp dụng, coi đó là công cuộc để khơi dậy thị trường khách du lịch quốc tế, ngoài ra có ý kiến ủng hộ nhưng có điều kiện phải cách ly 14 ngày và ý kiến trái chiều không đồng ý vẫn xảy ra, yêu cầu thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
"Hiện nay virus SARS-COV 2 có rất nhiều biến thể mới và “hộ chiếu vaccine” có chỉ số an toàn không cao, nếu ban hành phải áp dụng thí điểm và thận trọng. Khi thị trường khách du lịch quốc tế mở cửa trở lại sẽ diễn ra một cuộc cạnh tranh vô cùng quyết liệt giữa các quốc gia và nước nào “chậm chân” sẽ mất thị phần" - Phó Tổng cục trưởng TCDL Ngô Hoài Chung nhận định.
Nhiều nước trong khu vực châu Á, Đông Nam Á cũng đã thí điểm và dự kiến ban hành “hộ chiếu vaccine” như Trung Quốc, Thái Lan, Myanmar...
Trước vấn đề trên, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã có công văn gửi tới các bộ, ngành xin ý kiến về vấn đề này, đồng thời, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ xin chính sách hỗ trợ cho các đơn vị du lịch để phục hồi sau đại dịch và đề xuất cho phép Hiệp hội Du lịch phối hợp với Bộ VHTTDL nghiên cứu, xem xét và đề xuất với Chính phủ về việc ban hành "hộ chiếu vaccine". Qua đó, Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp có ý kiến giao Bộ VHTTDL, Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng… nghiên cứu, xem xét trình Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này.
Để thực hiện chủ trương của Thủ tướng Chính phủ, Bộ VHTTDL yêu cầu các bộ, ban, ngành cho ý kiến, để vừa đảm bảo công tác phòng, chống dịch an toàn, hiệu quả, vừa phát triển kinh tế, du lịch khi có điều kiện phù hợp bởi du lịch là một trong những ngành kinh tế trọng điểm của quốc gia, nếu du lịch phục hồi sẽ kích thích và thúc đẩy các ngành công nghiệp khác cùng phát triển, tạo tiền đề hoàn thành mục tiêu kép mà Chính phủ đề ra.
Theo ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến ngành Du lịch khiến các địa phương bị “tê liệt”, khách du lịch thiếu vắng, kinh tế bị ảnh hưởng và từ đó dẫn đến việc thí điểm mở cửa lại du lịch quốc tế, tuy nhiên đây không phải vấn đề nên hay không nên mà là làm như thế nào. Hiệp hội Du lịch (HHDL) đã phối hợp với TCDL xây dựng dự thảo kế hoạch về việc đón khách quốc tế, trong đó TCDL và HHDL là đầu mối. HHDL sẽ chọn lựa từng doanh nghiệp, điểm đến và việc tổ chức đón khách quốc tế phải thật chuyên nghiệp, chặt chẽ.
Về thị trường thí điểm nên chọn những quốc gia phòng, chống dịch tương đối tốt như Hàn Quốc, Nhật Bản đây là các nước vẫn còn dịch nhưng thấy rõ sựquyết tâm vào cuộc của chính phủ. Vì là thị trường thí điểm nên các quốc gia cần phải cam kết về an toàn chống dịch bởi không chỉ là đưa khách ra nước ngoài mà còn là trao đổi khách hai chiều. Quy trình đón khách giai đoạn đầu phải chọn các chuyến bay charter để đảm bảo các biện pháp chống dịch an toàn cho khách, các điểm đến cũng tương tự như vậy, tại Việt Nam có loại hình thể thao golf hoặc một số cơ sở nghỉ dưỡng biển đảm bảo cho du khách khi đến đây không cần phải ra ngoài bởi trong đây có lưu trú và các dịch vụ cần thiết.
“Khi lựa chọn đúng các điểm đến và doanh nghiệp với sự kiểm soát chặt chẽ phối hợp của các ngành với nhau thì du lịch phải đứng ra chịu trách nhiệm trước Nhà nước cùng với đó là sự ủng hộ từ các bộ, ban, ngành như Ngoại giao, Quốc phòng, Công an và sự đồng hành xuyên suốt của Bộ Y tế trong giai đoạn mở cửa du lịch quốc tế”, ông Bình cho biết.
Tại cuộc họp, đại diện Bộ Ngoại giao, Cục Quản Lý Xuất Nhập Cảnh, Cục Cửa khẩu Bộ đội Biên phòng,... hoàn toàn ủng hộ việc mở lại du lịch quốc tế, thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ. Trong đó đại diện các bộ, ban ngành đã có góp ý để hoàn thiện bản Kế hoạch như: chỉnh sửa lộ trình đón khách cho hợp lý; có cơ chế để kiểm soát dịch bệnh; kế hoạch phải có tính khả thi, chi tiết; xác định một số thị trường thí điểm đợt 1, 2 và lựa chọn các địa phương ở Việt Nam hoặc 1 số doanh nghiệp đáp ứng được yêu cầu đề ra…
Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Tổng cục trưởng TCDL Ngô Hoài Chung nhấn mạnh việc mở cửa lại thị trường du lịch quốc tế là vấn đề cần thiết, nên làm và phải làm trong bối cảnh đất nước hiện nay. Vấn đề là cách mở, điều kiện mở, phương thức thực hiện và quy trình kích hoạt như thế nào để vừa đảm bảo an toàn phòng, chống dịch hiệu quả, vừa thúc đẩy kinh tế du lịch phát triển.
Cuộc họp đã thống nhất thí điểm mở cửa du lịch quốc tế, đây là vấn đề lớn liên quan đến an toàn quốc gia, ảnh hưởng trực tiếp sức khỏe và vận mệnh của đất nước, của nhân dân, vì vậy cần thực hiện theo những phương thức sau:
Thí điểm thị trường khách: Cần lựa chọn thị trường thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch, có thỏa thuận song phương với Việt Nam trong việc chấp nhận kết quả của công tác phòng, chống dịch, những thủ tục, trình tự, cách hoạt động, đồng thời chấp nhận cam kết của hai bên. Có thể kể đến một số thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan…
Thí điểm về thực hiện các chuyến bay: Các chuyến bay này cần bay thẳng, do các công ty du lịch thuê bao, không bay cùng các khách thương mại khác.
Thí điểm các doanh nghiệp đón khách: Lựa chọn các doanh nghiệp có năng lực về đội ngũ nhân lực và tài chính, tự nguyện và đáp ứng đầy đủ các điều kiện do cơ quan nhà nước quy định.
Thí điểm những điểm đến của khách: Cần lựa chọn những điểm đến đáp ứng được đầy đủ những điều kiện phòng, chống dịch bệnh, chính quyền địa phương cam kết và sẵn sàng đón khách.
Thí điểm về sản phẩm du lịch: Cần lựa chọn những điểm du lịch tốt, các điểm nghỉ dưỡng trên biển hoặc trên núi phù hợp với nhu cầu và thị hiếu của du khách khi có nhu cầu đi du lịch trong điều kiện dịch bệnh.
Các thí điểm trên được coi như bộ khung của kế hoạch, Vụ Lữ hành cần phối hợp chặt chẽ với HHDL để triển khai nghiên cứu và trình Thủ tướng Chính phủ xin ý kiến, xem xét và phê duyệt. Đây là vấn đề quan trọng và cấp thiết, liên quan đến rất nhiều lĩnh vực, cần sự chung tay của các bộ, ban ngành cùng thảo luận, thống nhất cùng ra giải pháp cho vấn đề này. Bên cạnh đó cũng cần xem xét, kiểm tra, đánh giá và có những chỉ đạo kịp thời nếu có sự cố xảy ra.
Thảo Anh