Ngành Du lịch TP. Hồ Chí Minh tái khởi động, kích cầu sản phẩm theo quy trình tổ chức du lịch an toàn
Theo bà Nguyễn Thị Khánh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP.HCM, kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát và lan rộng trên toàn cầu, gây ảnh hưởng nghiêm trọng và thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế, mà trong đó ngành Du lịch chính là ngành chịu nhiều thiệt hại nhất. Chính phủ và các ban, ngành đã cùng chung tay, nỗ lực quyết liệt trong công tác phòng, chống dịch. Nhờ đó, chúng ta đạt được nhiều kết quả khả quan trên cơ sở tình hình dịch bệnh được kiểm soát.
Đặc biệt, trong tương lai gần, khi Nhà nước tạo điều kiện cho người dân được dễ dàng tiếp cận với nguồn vaccine hiệu quả an toàn, ổn định đời sống sinh hoạt xã hội; thì ngay từ lúc này, ngành Du lịch cần chuẩn bị cho các hoạt động sinh hoạt dần trở về trạng thái bình thường mới.
Trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát, để thể hiện trách nhiệm với chính mình và cộng đồng, cùng với lời kêu gọi từ Chính phủ, thì người dân và du khách đã hoãn, hủy hầu hết các chuyến đi trong và ngoài nước; thêm vào đó là sau thời gian giãn cách xã hội, tự cách ly, hạn chế tiếp xúc đã tạo ra tâm lý căng thẳng ức chế đối với người dân. Do vậy, sau khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, ngay lập tức nhu cầu vui chơi giải trí, du lịch… chắc chắn sẽ tăng cao rất lớn.
Hiện tại, trước nhu cầu thực tế và chủ trương kích cầu của ngành Du lịch, các công ty lữ hành, khách sạn, khu nghỉ dưỡng và các đơn vị cung ứng dịch vụ… ở khắp các tỉnh, thành trên cả nước đã đồng loạt tung ra những gói khuyến mãi, ưu đãi hấp dẫn, hứa hẹn một mùa du lịch sớm phục hồi trở lại sau cơn khủng hoảng. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến khó lường, ngành Du lịch luôn nâng cao ý thức cảnh giác bảo vệ an toàn cho khách. Vì vậy, Hiệp hội Du lịch TP. HCM đã xây dựng bộ quy trình chung về Tổ chức du lịch an toàn dành cho các doanh nghiệp du lịch lữ hành, các đơn vị cung ứng dịch vụ và vai trò trách nhiệm của từng thành viên trong chuỗi.
Ông Hoàng Hữu Lộc - Chủ tịch Chi hội lữ hành TP.HCM cũng cho biết: Bộ tiêu chí được xây dựng và vận dụng từ chủ trương phòng, chống dịch theo tiêu chí 5K của Bộ Y tế, nhằm phù hợp với tình hình thực tế của ngành Du lịch được cụ thể hóa ở từng khâu; vệ sinh kháng khuẩn, đeo khẩu trang, giữ khoảng cách an toàn cho du khách, phương tiện vận chuyển, địa điểm lưu trú, nhà hàng, điểm tham quan du lịch, nhân viên phục vụ.
Ngoài ra, bản dự thảo còn nêu rõ các đơn vị du lịch cần phải cập nhật các thông tin từ các cơ quan quản lý du lịch địa phương thật sâu sát để nắm rõ tình hình và tư vấn cho khách kịp thời. Đặc biệt, trong hành trình tour tuyến nếu nhận thấy có những trường hợp khách có dấu hiệu bị ho sốt, đau họng; thì HDV phải báo cáo ngay với trưởng đoàn để đưa khách đến trạm y tế tiến hành xét nghiệm và hướng dẫn xử lý theo quy định.
Về giải pháp kích cầu khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát tốt, Hiệp hội Du lịch TP.HCM cũng đã có văn bản gửi đến Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Hiệp hội Du lịch các tỉnh, thành trong cả nước để phối hợp, tạo kết nối và giới thiệu các sản phẩm chủ lực ở mỗi địa phương; qua đó xây dựng chính sách khuyến mãi theo từng giai đoạn. Dự kiến, trong tháng 3/2021, chính sách khuyến mại kích cầu sẽ được tung ra thị trường.
Tại buổi tọa đàm, ý kiến của đại diện các công ty du lịch đều cho rằng, nên đẩy mạnh giới thiệu Việt Nam - Điểm đến an toàn để sẵn sàng đón khách quốc tế trở lại khi mà Việt Nam đã kiểm soát khá tốt dịch Covid-19. Các doanh nghiệp du lịch cũng kiến nghị các cơ quan quản lý Nhà nước cần chú tâm thực hiện tốt hơn nữa các biện pháp an toàn và chú trọng khâu quảng bá, truyền thông về sự an toàn đến bạn bè các nước trên thế giới được biết “Việt Nam là điểm đến an toàn”.
Được biết, Hiệp hội Du lịch TP.HCM cũng đã liên tiếp gửi các văn bản kiến nghị các giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong thời điểm sống còn này và đã được các cơ quan chức năng ghi nhận. Bên cạnh các kết quả tích cực thu được từ chính sách của Chính phủ, trên cơ sở từ thực tiễn triển khai. Đồng thời, ngay trong buổi tọa đàm, Hiệp hội Du lịch TP.HCM cũng tiếp tục kiến nghị với cơ quan chức năng một số giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp du lịch trước những khó khăn, vướng mắc còn tồn đọng. Một số doanh nghiệp cũng tiếp tục ý kiến, đề xuất Chính phủ cần có biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp du lịch cụ thể trong việc vay vốn, cho thuê mặt bằng, giảm thuế, giãn thuế, đóng bảo hiểm xã hội… cũng như là giải pháp phục hồi ngành Du lịch và thu hút du khách sau dịch.
Tại buổi tọa đàm, bà Bùi Thị Ngọc Hiếu - Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, cho biết: Các ý kiến đề xuất thuộc thẩm quyền thành phố giải quyết, Sở sẽ đệ trình UBND TP.HCM nghiên cứu hỗ trợ, riêng các ý kiến thuộc phạm trù chủ trương chính sách của Trung ương, cũng sẽ được ghi nhận để gửi lên UBND TP.HCM, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch và Chính phủ để có hướng tháo gỡ phù hợp, thúc đẩy ngành Du lịch phát triển nhanh chóng và kịp thời.
Dương Thủy