Giữa năm 2020, một vụ lừa đảo combo du lịch giá rẻ với số tiền lên đến nhiều tỷ đồng đã gây chấn động làng du lịch. Vụ việc gây xôn xao dư luận suốt một thời gian dài bởi tính chất phức tạp do liên quan nhiều cá nhân (được xem như “đại lý” cấp dưới của kẻ lừa đảo), nhiều khách hàng dính bẫy do ham rẻ. Những tưởng, sau bài học này, người tiêu dùng phải “tỉnh” ra, phải cẩn trọng hơn, nhìn nhận thấu đáo hơn trước khi “xuống tiền” mua một voucher nào đó cho mình; thế nhưng, thực tế hoàn toàn không như vậy. Lách vào khoảng trống pháp lý đối với loại hình kinh doanh này cùng với việc đánh trúng “huyệt đạo” ham rẻ của không ít người tiêu dùng, nhiều đại lý online bán combo, voucher đang tạo ra một thị trường như “mê hồn trận’.
Trao đổi với Tạp chí điện tử Du lịch, Giám đốc một doanh nghiệp lữ hành cho biết, voucher hay combo du lịch không phải là mới, mà đã xuất hiện từ khá lâu, do các khu nghỉ dưỡng, khách sạn bán ra với giá thấp nhằm thu hút khách trong mùa thấp điểm. Tuy nhiên, gần đây, voucher, combo phát triển rất mạnh và không còn tính “mùa vụ” như trước.
“Voucher hay combo đáp ứng tốt cho đối tượng khách chỉ có nhu cầu vé và lưu trú, mang tính chất nghỉ dưỡng nhiều hơn là tham quan, trải nghiệm. Tuy nhiên, do chính sách giá khá mập mờ nên người mua không thể biết dịch vụ họ được hưởng có tương xứng số tiền bỏ ra hay không”, vị này cho hay.
Theo phân tích, một công ty lữ hành (tạm gọi là công ty A) luôn đảm bảo với hãng hàng không một lượng khách nhất định trong tuần trên một chuyến bay, vì vậy luôn được chính sách ưu đãi về giá vé. Bên cạnh đó, công ty A cũng luôn đảm bảo một lượng phòng nhất định với khu nghỉ dưỡng (hoặc khách sạn), do vậy luôn được hưởng chính sách giá tốt nhất; từ lợi thế đó, công ty bán voucher, combo hướng vào đối tượng khách không muốn đặt tour trọn gói của các đơn vị lữ hành.
Từ công ty A, hình thành một loạt “đại lý” bán voucher cấp dưới, mỗi “đại lý” được hưởng phần trăm hoa hồng với mỗi Voucher bán được.
Điểm khác biệt so với mua tour từ các đơn vị lữ hành là người mua sẽ không được ấn định ngày khởi hành, mà chỉ biết chung chung là sẽ “khởi hành” trong tháng; do đơn vị bán còn “nghe ngóng” hàng không để làm sao lấy được giá vé thấp nhất có thể.
“Đối với các chuyến bay ngày thường (không phải cuối tuần), các hãng hàng không thường áp dụng chính sách giá vé rất tốt để nâng tỷ lệ lấp kín chỗ. Do vậy, nếu lấy được vé càng rẻ, thì lợi nhuận của đơn vị bán càng cao”, vị này nói.
Voucher chỉ có vé máy bay và khách sạn (hoặc khu nghỉ dưỡng), combo có thể có thêm một số dịch vụ đi kèm như đưa đón sân bay…
Giám đốc một doanh nghiệp lữ hành cho rằng, các đại lý voucher dường như đã rất thành công trong việc “đánh” trúng tâm lý chuộng giá rẻ của du khách, từ việc quảng cáo sôi động trên mạng xã hội.
“Hầu hết nội dung quảng cáo đều nhấn mạnh vào ‘giá rẻ, dịch vụ sang chảnh’ và tạo ra ‘tâm lý cơ hội’, hình thành suy nghĩ ‘không đi là mất’. Do đó, khách hàng không ngần ngại ‘xuống tiền’ để có những khuôn hình ‘sống ảo’ ”, vị này nói và cho rằng, vụ lừa đảo combo du lịch rúng động năm 2020 cũng bắt nguồn từ tâm lý này, khách hàng “sập bẫy” do hám rẻ và chủ quan không tìm hiểu kỹ nơi bán đã vội vã chuyển tiền.
Một đại lý voucher (đề nghị không nêu tên) cho hay, giá bán voucher có thể xuống rất thấp so với giá công bố, do đơn vị bán thỏa thuận được với khu nghỉ dưỡng, khách sạn (tùy thời điểm). Vì vậy, cùng một voucher nhưng giá mỗi nơi mỗi khác, mà ngay chính đại lý này cũng cảm thấy “hoa mắt”.
“Hiện có voucher Phú Quốc 3 ngày 2 đêm, khách sạn 5 sao, giá khoảng 5 triệu đồng/khách, tuy nhiên nếu rơi vào cuối tuần sẽ áp dụng phí phụ thu với khách, và có thể chuyển sang khách sạn thấp sao hơn”, vị này chia sẻ.
Ông Lê Trung Thu, Giám đốc công ty CP dịch vụ quốc tế Việt cho rằng, trong khi hầu hết các đơn vị lữ hành lao đao vì đại dịch Covid-19, thì nhiều đại lý voucher lại khá ổn nhờ bán online.
“Đại lý bán voucher không có pháp nhân rõ ràng, nên khi xảy ra sự cố sẽ rất phức tạp, nhiều hệ lụy, thêm nữa, chính sách giá cũng rất mập mờ mà ngay cả người mua cũng không biết mình sẽ được hưởng những dịch vụ gì, có tương xứng với giá tiền hay không”, ông Thu nói.
Bà ĐTH, Giám đốc công ty CP du lịch H-tour cho hay, voucher hay combo là lựa chọn khá phù hợp với khách đi lẻ. Tuy nhiên, người tiêu dùng nên cẩn trọng khi mua voucher cho mình. “Tốt nhất là mua từ các đơn vị lữ hành có pháp nhân, có Giấy phép kinh doanh lữ hành do TCDL cấp, không nên mua theo trào lưu, mua từ những nơi bán online không rõ ràng, và nhất là không nên hám rẻ…”, bà H nói.
Viễn Nguyệt