Vùng đất ẩn chứa kho bạc Vương gia
Theo tiếng Khmer, Sóc Trăng có tên cổ là Srok Kh’Leang, dịch ra tiếng Việt nghĩa là xứ hoặc cõi, chữ Kh’Leang nghĩa là kho hay vựa chứa bạc. Hiện nay, địa danh Kh’Leang chỉ còn được nhớ đến qua một ngôi chùa nằm ngay trung tâm TP. Sóc Trăng. Đây là ngôi chùa lớn, đẹp nhất Sóc Trăng, được xây dựng khoảng 500 năm trước. Chùa Kh’Leang mang dấu ấn kiến trúc Khmer rất tinh tế, sắc sảo, nhưng vẫn pha trộn phong cách Việt – Hoa trong bài trí.
Trước đây, vùng đất Phù Nam vốn là một dải phù sa bát ngát do sông Mekong màu mỡ tạo thành. Ngày ấy, những người Khmer cổ đã tận dụng con nước để gieo trồng lúa mùa. Vào mùa gặt, họ chèo ghe, bơi thuyền, gặt lúa và tự đóng các lẫm lúa lớn quanh ngôi chùa nhỏ do họ dựng nên để cúng phật cầu an, với niềm tin đơn giản và yêu kính phật thật chân thành. Vào lúc rảnh rỗi, các nghệ nhân ra sức chạm khắc cho ngôi chùa của mình càng thêm rực rỡ. Họ tin rằng làm đẹp cho chùa, đức phật cũng yên vui cư trú và ban phước an lành nhiều hơn.
Trải qua nhiều biến động, cái tên Srok Kh’Leang được đổi thành Nguyệt Giang, Ba Xuyên và Sóc Trăng như hiện nay. Đây cũng là nơi cư trú của ba dân tộc tiêu biểu là Việt – Hoa – Khmer cùng sinh sống, giao thương…
Nếu người Hoa vang danh với thương hiệu đặc sản như bánh pía, mè láo, lạp xưởng, tăng xại, sá bấu ngọt, thì người Khmer lại nổi danh với những làng nghề chạm khắc, vẽ tranh trên kính, ghe ngo và các di tích kiến trúc nổi bật bao gồm gần 100 ngôi chùa mang dấu ấn kiến trúc tinh xảo. Ngoài ra, một vài ngôi chùa được xem là địa chỉ được du khách yêu thích như chùa Mahatup tức chùa Dơi, chùa Chén Kiểu (pha trộn phong cách Khmer – Hoa), chùa Đất Sét… Sóc Trăng còn được biết tới với những lễ hội như: Chaul Chnam Thmay (là tết mừng năm mới), Ooc Om Bok là lễ cúng trăng. Người Hoa và Việt thì có tết âm lịch, thanh minh, tết đoan Ngọ; lễ hội Nghinh Ông, lễ hội Sông nước miệt vườn. Vào thời Pháp thuộc, Đạo Thiên Chúa được phát triển, dấu ấn của đạo thể hiện rõ ở một số công trình như nhà thờ Chính tòa, nhà dòng và trường La san Taber Sóc Trăng.
Sóc Trăng – vùng đất của những bất ngờ
Chỉ riêng về gạo, chúng tôi đã tìm được nhiều giống gạo quý hiếm nổi tiếng như gạo Ba Thắc, gạo Ba Xuyên, gạo Hàm Trâu (sau này đọc là Hàm Châu), đặc biệt, nếp Sóc Trăng rất dẻo và thơm, vào dịp lễ Ooc Om Bok, người dân Khmer dùng lúa nếp non giã thành cốm dẹp, với nước dừa tươi, dừa sợi và đường, tạo thành món ăn vô cùng hấp dẫn.
Ngoài lúa gạo, chúng tôi còn bất ngờ hơn khi biết hành tím Vĩnh Châu vốn thơm ngon có tiếng, ngoài ra, mía Long Phú, bồn bồn Mỹ Xuyên cũng là đặc sản địa phương.
Món ngon vùng này là lạp xưởng. Ngoài ra, nơi đây còn có món bún nước lèo, bánh Cống, heo quay rất riêng và độc đáo. Tuyệt vời hơn, trong những ngày miệt mài trên ruộng đồng cùng nông dân, tôi có dịp thưởng thức món cháo cá lóc đồng tuyệt ngon, tô canh chua bần cá ngát ăn no mà vẫn thòm thèm. Thi thoảng, người dân còn đãi tôi món chuột dừa quay lu và lẩu cháo vạc rất ngon.
Vui chơi mùa lễ cúng trăng
Lễ cúng trăng vào đêm rằm tháng 10 âm lịch. Đây là dịp vui nhất trong năm, người dân các vùng lân cận như Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang, An Giang, Cà Mau, Sài Gòn, Vĩnh Long đều đến Sóc Trăng vui chơi. Điểm nhấn nổi bật của lễ hội chính là cuộc đua ghe ngo có truyền thống rất lâu đời trong lịch sử.
Lễ cúng trăng nhằm tưởng nhớ đến tiền kiếp của đức phật Thích Ca. Trong lễ cúng, cốm dẹp được xem là lễ vật quan trọng nhất của tết Ooc Om Bok. Do vậy, trước dịp lễ, mọi người dân Khmer đã lo chuẩn bị lễ vật này. Họ ra ruộng lựa từng bông lúa chín vừa tới, nâng niu đem hạt nếp về nhà, họ giã thật dẻo tay để tạo nên mẻ cốm thơm ngon cúng phật.
Sau khi thực hiện nghi thức cúng phật xong, người già sẽ cho trẻ em món cốm cúng trăng. Tôi thấy, những ông già, bà lão đút cốm cho từng đứa trẻ rồi vỗ lưng chúng hỏi con ước mơ gì? Qua đó, mỗi em bé sẽ nói lời mơ ước của mình và bậc cha mẹ ngồi nghe, xem đó là những "điềm" báo tương lai mùa tới, với bao niềm hy vọng.
Sau khi được phân phát gói cốm lộc phật, chúng tôi ghé xem các màn múa Dù kê, Rô Băm do các nghệ nhân Khmer biểu diễn. Người dân Khmer vui đón lễ hội với tất cả trái tim mình. Trên những gương mặt ngăm đen chân chất, tất cả đều vui say dõi theo bài hát, điệu múa uyển chuyển. Bầu trời đêm nay, trăng vẫn vằng vặc tỏa sáng, những tiếng đàn ca như vẫn theo mãi chúng tôi đi vào giấc ngủ.
Theo tâm linh của người Khmer, ghe ngo được chế tạo, được bảo quản trong chùa của sóc. Khi đóng xong, ghe ngo được sơn phết, trang trí rực rỡ, đầu đuôi cong vút, rất oai nghiêm với biểu tượng của chùa. Chiếc ghe ngo là vật thiêng mà người Khmer tin rằng: Mỗi ghe đều có thần ghe (họ gọi là Niềng).
Trời vừa đứng Ngọ, tiếng còi hiệu lệnh nổi lên, lúc này hai bên bờ sông đã ken đặc hàng chục ngàn người dân reo hò cổ vũ. Âm thanh tiếng loa vang vọng mời các đội đua ghe về điểm tập kết… Rồi nghi thức đua cũng diễn ra, những tay chèo hòa theo nhịp nhanh chậm của người thổi còi đứng trên ghe, nhịp nhàng như vũ công, trông thật đẹp mắt. Mỗi đội đua ghe ngo đều hăng say thi đấu hết mình.
Trời vẫn nắng gắt, tiếng hát vang vọng, nhiều cổ động viên cũng hò reo. Dường như trong thời khắc này, không gian chỉ gói ghém lại trên mặt sông, mọi người như hòa trong niềm vui để ngắm những chiếc ghe đang vun vút lướt về đích.
Dương Thủy
(Nguồn: Tạp chí Du lịch)