Những chàng trai, cô gái dân tộc Mông trong ngày Hội Pao. Ảnh: QK
Ngày hội du xuân của người Mông thường kéo dài từ mùng 1 -15 tháng Giêng âm lịch. Cao điểm là các ngày từ mùng 3 - 10 tháng Giêng, khi tiếng khèn vang lên, tiếng đàn môi xen tiếng lao xao của gió xuân báo hiệu mùa xuân về trên khắp bản làng, như mời gọi chàng trai cô gái Mông tìm về Hội Pao. Ngày tết, nếu người con trai Mông thường mang theo cây Khèn và biểu diễn những điệu múa Khèn mạnh mẽ thể hiện sự trai tráng của mình; người con gái Mông phải mang theo quả Pao để đối xứng. Quả pao thể hiện sự cần cù, chăm chỉ và khéo léo của người phụ nữ Mông.
Sự tích quả pao
Theo các cụ cao niên kể lại: Ngày xưa có một chàng trai Mông nghèo không có khèn đi chơi xuân, chàng đã bứt cỏ khô, cuộn lại thành quả pao để chơi (quả cỏ). Chàng còn hái các loại hoa đẹp gài vào quả cỏ. Cầm quả cỏ trên tay sau một hồi ngắm nghía, chàng trai nhẹ nhàng tung quả cỏ lên cao, rồi chàng bắt lấy, rồi lại tung, lại bắt. Quả cỏ bay trên không trung làm cho những dây hoa phấp phới trong gió trông thật đẹp mắt. Có nàng tiên xinh đẹp thấy quả cỏ của chàng trai đẹp quá, nên đã xin chơi cùng. Chơi vui quá, nàng tiên không muốn về trời mà ở lại làm vợ của chàng trai. Nam nữ trong hội thấy vậy cũng học theo chàng trai làm pao để chơi. Từ đó, dân tộc Mông có thêm một trò chơi mới là ném pao.
Cách làm pao
Quả pao được các cô gái Mông tự tay khâu rất cẩn thận và tỉ mỉ. Họ khâu nối các miếng vải lanh thành trái tròn, to bằng quả cam, bên trong nhồi hạt lanh bởi theo quan niệm của người Mông, hạt lanh tượng trưng cho sự sinh sôi và phát triển. Khi khâu vải phải cuộn thật chặt, sau đó lại lấy miếng vải to khác khâu bọc lại, khâu bọc bên ngoài 2 đến 3 lần, khi nào thấy căng tròn mới được. Ngày nay, các thiếu nữ Mông còn dùng thổ cẩm của người Thái, hay lụa tơ tằm để tạo sắc màu cho quả pao. Quả pao của các thiếu nữ màu sắc bắt mắt và sặc sỡ hơn, còn pao của các cô bé mới lớn đơn giản hơn và thường có màu đen. Người con trai Mông đi tìm vợ thì việc đầu tiên họ xem là khả năng dệt vải, thêu thùa và làm quả pao. Một quả pao tốt thì các đường khâu phải kín, khi cầm quả pao không được cứng hoặc mềm quá. Một người phụ nữ Mông giỏi giang, đảm đang thì phải biết làm quả pao cho tốt và đẹp.
Địa điểm hội ném pao được diễn ra ở những khu đất rộng tương đối bằng phẳng. Người chơi được chia làm hai bên nam – nữ. Khoảng cách hai đội cách nhau khoảng 6 – 8 mét. Tài khéo léo của người ném pao là không để cho pao rơi xuống đất. Họ ném đến khi nào thấy nhắm mắt lại cũng có thể bắt được quả pao của người kia ném sang. Trong khi chơi, nam nữ giao ước với nhau về số lần ném, số lần bắt được pao, nếu bên nào thua thì phải hát một bài hoặc làm một điều gì đó mà bên thắng yêu cầu.
Hội ném pao - Nơi trao tình
Đối với đồng bào Mông, ném pao không chỉ là trò chơi mà nó còn ẩn chứa bao điều về tình người, tình yêu đôi lứa. Hầu hết nam thanh nữ tú về đây đều mong tìm được bạn tình qua trò chơi pao. Khi ném pao, họ bắt đầu trò chuyện và "ném" cho nhau ánh mắt trao tình, cùng những nụ cười yêu thương duyên dáng. Khi đôi trai gái có tình cảm với nhau, họ sẽ "hẹn hò" trong suốt thời gian du xuân. Sau đó tìm hiểu và đi đến quyết định dựng xây hạnh phúc. Lúc đầu họ chỉ chơi cho vui với nhau theo từng nhóm. Rồi sau đó đôi nam nữ nào thích nhau họ sẽ ném quả Pao cho nhau, cứ ném qua, ném lại hàng giờ, hàng ngày mà không biết chán. Khi ném Pao cũng là lúc trao nhau tình cảm. Khi người con trai cảm mến cô gái thì giữ quả pao, tạo cớ đến nhà, hay tìm gặp bằng được cô gái để bày tỏ tình cảm. Khi thấy hợp nhau họ cùng hẹn hò và trở thành vợ chồng. Đây chính là nét đặc sắc, tính nhân văn của trò chơi dân gian ném pao. Cũng phải nói thêm rằng, khi họ cùng ném pao thường là mối tình đầu, vì những lý do nào đó mà chàng trai, cô gái không đến được với nhau, thì ném pao sẽ trở thành hoài niệm, khắc khoải trong suốt cuộc đời của mỗi người. Họ thường gặp lại nhau trong phiên chợ vùng cao, hoặc những ngày du xuân ...
Hội ném pao không chỉ là trò chơi dân gian mà còn là nơi trao tình, cùng những hoài niệm đẹp ban đầu về tình yêu và hạnh phúc đôi lứa./.
Nguồn:dangcongsan.vn