(VTR) - Cách bờ biển thành phố Phan Thiết (Bình Thuận) khoảng 120km về phía Đông Nam là một quần thể hơn mười hòn đảo lớn nhỏ, có tên gọi chung là huyện đảo Phú Quý. Nơi đây mang vẻ đẹp hoang sơ với núi non xanh ngắt, những bãi cát vàng mịn, hay những dải san hô, những ghềnh đá đen có hình thù ngộ nghĩnh.
Dù khí hậu khắc nghiệt, trên đảo có nhiều phong cảnh đẹp và nguồn hải sản rất phong phú. Phú Quý còn hấp dẫn du khách bởi vẻ đẹp của đồi núi và các đảo nhỏ xung quanh. Cách cảng chính ba cây số về phía Tây là ngọn núi Cấm, cao 108m so với mực nước biển, trên đỉnh núi có ngọn đèn hải đăng thuộc loại lớn nhất Việt Nam. Cách đó không xa về hướng Đông là núi Cao Cát, trên đỉnh có ngôi chùa Linh Sơn Tự, là một trong hai ngôi chùa xây trên núi của tỉnh Bình Thuận. Từ đây du khách có thể phóng tầm mắt nhìn ra vùng biển cả bao la.
Mỗi đảo nhỏ của Phú Quý mang những vẻ đẹp rất đặc trưng. Hòn Tranh nằm phía bên trái của cảng, sau hơn 10 phút đi ca nô du khách sẽ được rảo bước dưới những tán cây tỏa bóng mát và tìm hiểu cuộc sống của ngư dân vốn có truyền thống lặn bắt tôm hùm. Đi tiếp sẽ tới hòn Hải - nơi xuất phát của những con thuyền làm nghề câu cá mập nổi tiếng ở Phú Quý và độc nhất vô nhị tại Việt Nam. Hòn Hải cách đảo lớn gần ba giờ tàu chạy, được xác định là điểm ngoài cùng của quần đảo Phú Quý trên biển Đông. Từ hòn Hải, thuyền câu cá mập phải trải qua một hành trình dài mới tới được điểm câu. Thông thường, mỗi chuyến câu của ngư dân kéo dài chừng một tháng. Trên đường đến hòn Hải sẽ đi ngang qua nhiều đảo nhỏ, trong đó có hòn Bố. Đó là một đảo đá đang trong quá trình phong hóa dữ dội, đá non đã ngả màu vàng đất, trên đảo không có dân sinh sống do không có nước ngọt, không một bóng cây, nhưng là nơi cư ngụ của các loài chim biển, vào mùa mưa có hàng ngàn con chim mố (một loài ó biển) về đây sinh sôi nảy nở.
Phú Quý trong một thời gian dài đã sống trong điều kiện khép kín, tự cung tự cấp bằng nghề trồng trọt, đánh bắt hải sản và một số nghề thủ công như dệt vải, đan võng, ép dầu... Ngày nay, ngành Du lịch ở đây đã bắt đầu được chú ý khi du khách từ đất liền thích đến đây tắm biển, đi du thuyền, câu cá, leo núi, sưu tầm các loài sinh vật biển.
Ngọc Châu