Quần thể danh thắng Tràng An có cảnh quan thiên nhiên độc đáo, ẩn chứa các giá trị văn hóa, lịch sử và đa dạng sinh học, đặc biệt nổi bật toàn cầu về địa chất, địa mạo. Với những giá trị đặc biệt ấy, ngày 25/6/2014, quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới.
Hơn một năm qua, những chiến lược, chương trình, kế hoạch về bảo tồn, phát huy giá trị di sản đã và đang được các cấp ủy Đảng, chính quyền triển khai tích cực. Tỉnh Ninh Bình đã thành lập Ban Chỉ đạo bảo tồn và phát huy giá trị di sản thế giới. Ban hành Nghị quyết về nâng cao hiệu quả quản lý, bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị di sản bằng các hình thức: Xác định mốc giới, ranh giới để cắm mốc, biển báo vùng lõi và vùng đệm của di sản. Tuy nhiên, Di sản thế giới quần thể danh thắng Tràng An đang đối mặt với những thách thức về sức ép gia tăng phát triển dân số, giữa bảo tồn nguyên vẹn giá trị di sản với phát triển du lịch, vấn đề quản lý di sản với những mục tiêu phát triển bền vững các giá trị di sản phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương…
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác quản lý quần thể danh thắng Tràng An – Di sản văn hóa, thiên nhiên của nhân loại; đồng thời đề nghị tỉnh Ninh Bình tích cực phối hợp với các Bộ, ban, ngành có liên quan rà soát các quy định trong Luật Di sản văn hoá cùng với văn bản hướng dẫn thi hành, hướng dẫn thực hiện công ước bảo vệ di sản, các nội dung khuyến nghị của UNESCO để triển khai làm tốt nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị Di sản Tràng An, giữ gìn giá trị nổi bật toàn cầu, tính toàn vẹn, xác thực của di sản. Triển khai tốt công tác tuyên truyền, quảng bá để du khách, các nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế biết và tới tham quan, tìm hiểu giá trị của di sản.
Tại hội nghị các đại biểu, chuyên gia, nhà nghiên cứu đã cùng chia sẻ, phân tích các vấn đề về chương trình, kế hoạch bảo tồn, phát huy giá trị di sản Tràng An. Nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên di sản, quản lý về xây dựng trong khu di sản, phối hợp quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường di sản, mốc giới, biển báo vùng lõi và vùng đệm của di sản. Cùng với đó đưa ra giải pháp khắc phục những khó khăn, thách thức cần phải giải quyết như việc nhận diện, ngăn ngừa các nhân tố, sức ép tác động tiêu cực đến di sản như sức ép từ các hoạt động du lịch, gia tăng dân số...
Từ những tham vấn của các chuyên gia sẽ là cơ sở quan trọng để Ninh Bình bổ sung, hoàn chỉnh kế hoạch quản lý di sản phù hợp với thực tiễn của di sản, đồng thời đáp ứng các tiêu chuẩn, yêu cầu của UNESCO.
(Nguồn: baovanhoa.vn)