Quy hoạch này bao gồm 7 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Thủ đô Hà Nội, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương và Quảng Ninh.
Về du lịch, phát triển Vùng trở thành trung tâm du lịch hàng đầu của cả nước với hệ thống sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo, có thương hiệu riêng, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc và cạnh tranh được với các nước trong khu vực; trở thành khu vực thu hút và phân phối khách du lịch hàng đầu của cả nước.
Đến năm 2025 đón khoảng 9 triệu lượt khách du lịch quốc tế, phục vụ hơn 26 triệu lượt khách du lịch nội địa; tổng thu nhập từ du lịch đạt xấp xỉ 170 nghìn tỷ đồng; tạo được khoảng 350 nghìn lao động trực tiếp; cơ sở lưu trú khoảng 170 nghìn buồng.
Đẩy mạnh phát triển đồng thời cả du lịch nội địa và du lịch quốc tế. Tập trung đầu tư, phát triển nhóm sản phẩm du lịch đặc trưng của Vùng như: Du lịch gắn với các giá trị của nền văn minh sông Hồng; du lịch văn hóa, du lịch tâm linh, du lịch biển đảo.
Phát triển mạnh các khu, điểm du lịch quốc gia và đô thị du lịch gồm: 7 khu du lịch quốc gia là: Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Hà Nội), Khu du lịch Ba Vì - Suối Hai (Hà Nội), Khu du lịch Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Khu du lịch Côn Sơn - Kiếp Bạc (Hải Dương), Khu du lịch Hạ Long - Cát Bà (Quảng Ninh - Hải Phòng), Khu du lịch Vân Đồn (Quảng Ninh), Khu du lịch Trà Cổ (Quảng Ninh); 5 điểm du lịch quốc gia: Điểm du lịch Hoàng thành Thăng Long gắn với quần thể các di tích nội thành Hà Nội, Điểm du lịch thành phố Bắc Ninh và phụ cận (Bắc Ninh), Điểm du lịch Chùa Hương (Hà Nội), Điểm du lịch Phố Hiến (Hưng Yên), Điểm du lịch Yên Tử (Quảng Ninh); 2 đô thị du lịch: Hạ Long (Quảng Ninh) và Đồ Sơn (Hải Phòng).
Về văn hóa gia đình, Quy hoạch sẽ ưu tiên bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của Vùng, trước hết là các di sản thế giới, di tích cấp quốc gia đặc biệt tiêu biểu. Từng bước tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp hệ thống di tích khác từ nay đến 2025 và 2030.
Nâng cao chất lượng hoạt động phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" gắn với công cuộc xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh, hiện đại.
Phát triển hệ thống thiết chế văn hóa cơ cở đồng bộ, từng bước khắc phục tình trạng chênh lệch về mức hưởng thụ văn hóa và vui chơi giải trí của nhân dân. Phấn đấu đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, hoàn thiện và nâng cấp các trung tâm văn hóa, trung tâm văn hóa - thể thao đạt chuẩn; các khu dân cư, khu đô thị mới, khu công nghiệp, khu chế xuất có trung tâm văn hóa - thể thao, điểm vui chơi giải trí cho trẻ em.
Phát triển Vùng thành trung tâm bảo tồn và phát huy giá trị di sản nghệ thuật biểu diễn truyền thống trên cơ sở phát huy thế mạnh của từng địa phương và sức lan tỏa của từng loại hình nghệ thuật như Quan họ, Ca trù, Chèo, Hát Trống quân, Múa rối; hoàn thiện tổ chức các sự kiện Lễ hội Hoa phượng đỏ, Carnaval Hạ Long thành thương hiệu văn hóa - nghệ thuật của Vùng.
Phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình, dòng họ. Giảm tỷ lệ số vụ bạo lực gia đình; ngăn chặn có hiệu quả sự xâm nhập của các tệ nạn xã hội vào gia đình./.
Nguồn: toquoc.vn