Xác định được vai trò quan trọng của công tác bảo vệ môi trường là tiền đề quan trọng góp phần tích cực phát triển du lịch bền vững, ngay từ năm 2003, UBND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành quyết định số 3485/2003/QĐ-UB về việc bảo đảm trật tự trị an và vệ sinh môi trường tại các điểm tham quan du lịch.
 |
Du khách về thăm khu ATK Định Hóa - Thái Nguyên |
Ảnh: HD |
Từ đó đến nay, công tác bảo vệ môi trường du lịch đã được triển khai rộng khắp với nhiều hoạt động sôi nổi: tuần lễ vệ sinh môi trường du lịch, phong trào xanh - sạch - đẹp ở các khu, phố dân cư; hệ thống cây xanh liên tục được trồng mới tạo độ che phủ và cảnh quan cho khu, điểm du lịch; duy trì thường xuyên việc thu gom rác thải, đặt thùng rác ở các nơi công cộng; hệ thống xử lý nước, rác thải được xây dựng theo đúng quy chuẩn nhằm bảo vệ nguồn nước sạch; tổ chức các lớp tập huấn về môi trường; tuyên truyền giáo dục truyền thông về môi trường, tệ nạn xã hội trong kinh doanh du lịch để cộng đồng nâng cao ý thức giữ gìn, bảo vệ môi trường.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Du lịch Thái Nguyên vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức về môi trường cần giải quyết. Thứ nhất, việc xây dựng hàng loạt các khách sạn, nhà nghỉ nhưng không theo quy hoạch dẫn tới phá vỡ cảnh quan thiên nhiên. Thứ hai, môi trường tự nhiên đang bị phá hủy trầm trọng. Được biết, hiện nay hồ Núi Cốc đã bị lấp đầy dần và bẩn đi rất nhiều so với khoảng 10 năm trước. Hiện nay nước hồ Núi Cốc đã bị ô nhiễm khiến tôm càng xanh và cá bống vốn là những loài đặc sản của hồ đã không còn. Rừng đầu nguồn hồ Núi Cốc bị khai thác cạn kiệt khiến mỗi khi có mưa lũ, các loại bao, túi ni lông, rác thải… đổ dồn về hồ. Việc thiếu một cơ quan chuyên trách chịu trách nhiệm về môi trường vùng hồ cũng là một nguyên nhân khiến tình trạng ô nhiễm của hồ Núi Cốc ngày càng trầm trọng. Thứ ba, tại các điểm ở xa trung tâm thành phố như tại quần thể hang Phượng Hoàng – suối Mỏ Gà, do ý thức của người dân và khách du lịch còn hạn chế nên môi trường ở khu vực này đã bị xuống cấp. Trong lần đi khảo sát tại đây, phóng viên Tạp chí Du lịch Việt Nam đã chứng kiến các loại rác thải như túi ni lông, vỏ chai nước ngập đầy trong hang Phượng Hoàng, vỏ hộp sữa, vỏ gói dầu gội đầu nổi lềnh bềnh trên lòng suối Mỏ Gà.
Phát biểu tại lễ phát động phong trào bảo vệ môi trường du lịch, Chủ tịch UBND Tỉnh Nguyễn Văn Kim đã nêu rõ quyết tâm thực hiện chiến dịch Tháng bảo vệ môi trường Thái Nguyên, tiến tới tổ chức thực hiện tổng vệ sinh hàng tuần, triển khai đến từng tổ dân phố trong suốt năm 2007 và sau này. Đối với công tác đảm bảo an ninh trật tự, ngành Công an Thái Nguyên đã đề ra kế hoạch số 5344/KH-PVII ngày 10/8/2006, do vậy tại các điểm du lịch như khu vực trung tâm TP. Thái Nguyên, khu du lịch hồ Núi Cốc, hang Phượng Hoàng – suối Mỏ Gà, ATK Định Hóa hiện nay đã không còn cảnh ăn xin, níu kéo, ép mua, ép giá khách du lịch, bán hàng rong trong khu du lịch… Trên thực tế hoạt động du lịch của Thái Nguyên thời gian qua cho thấy để bảo vệ tốt môi trường du lịch, quản lý tốt các di tích lịch sử, UBND Tỉnh cần có quy chế phối hợp, giao trách nhiệm cụ thể công tác quản lý giữa các ngành và các huyện, xã để tránh những kẽ hở dẫn đến tình trạng buông lỏng quản lý. Riêng ở khu vực hồ Núi Cốc, chính quyền địa phương cần có sự cam kết bảo vệ môi trường đối với các hộ kinh doanh và sinh sống xung quanh mặt hồ. Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường, xây dựng nếp sống văn minh, lịch sự ở các điểm du lịch cũng là một hoạt động cần được thực hiện thường xuyên. Thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường là tiền đề quan trọng, góp phần vào thành công của Năm Du lịch Thái Nguyên 2007 và phát triển du lịch bền vững.
HẢI LÊ