
|
Một góc đảo Phú Quốc Ảnh: AT |
Giai đoạn từ nay đến năm 2010, Quy hoạch đảo Phú Quốc tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng và các cơ sở dịch vụ du lịch đảm bảo có đủ điều kiện đón khách du lịch tại khu vực Dương Đông, Dương Tơ, An Thới, Cửa Cạn; hình thành được một số khu du lịch và vui chơi giải trí chất lượng cao. Phấn đấu đến năm 2020, hoàn thành về cơ bản xây dựng đảo Phú Quốc trở thành trung tâm du lịch phát triển ở trình độ cao, có đủ sức cạnh tranh và khả năng kết nối với các trung tâm du lịch lớn của khu vực và thế giới, làm động lực thúc đẩy phát triển du lịch cả nước.
Theo Quy hoạch, đến năm 2020 phát triển đảo Phú Quốc trở thành trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng, giao thương quốc tế lớn, hiện đại, chất lượng cao mang tầm cỡ khu vực và quốc tế. Đến năm 2010 Phú Quốc sẽ đón 0,3 - 0,4 triệu lượt khách (trong đó 30% là khách quốc tế), năm 2020 đạt khoảng 2 - 3 triệu lượt khách/năm với thu nhập từ du lịch tương ứng là 45 triệu USD và 771 triệu USD. Đến năm 2020, du lịch Phú Quốc sẽ đạt con số: 18.000 phòng lưu trú (số phòng đạt chuẩn 3 - 5 sao chiếm 60 - 70%), giải quyết việc làm cho trên 110.000 lao động trực tiếp và gián tiếp. |
Quyết định 01/2007/QĐ-TTg cũng nêu rõ việc phát triển các dự án du lịch trên đảo Phú Quốc phải thực hiện đúng các quy định của phát luật về bảo vệ tài nguyên, môi trường (cả tự nhiên và xã hội), phát triển bền vững. Khuyến khích và tạo điều kiện để thu hút sự tham gia, đóng góp của cộng đồng dân cư, doanh nghiệp, khách du lịch, các cơ quan, đơn vị để đầu tư, tôn tạo, bảo vệ tài nguyên, môi trường của đảo nhằm tránh nguy cơ phá vỡ cảnh quan, làm mất đi nét hoang sơ, kỳ vĩ của thiên nhiên, vốn được coi như nguồn lợi quý giá của Phú Quốc. Trước đó, tại Quyết định số 78/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành tháng 10/2004, phê duyệt "Đề án tổng thể đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020" cho phép Phú Quốc áp dụng tất cả các cơ chế, chính sách ưu đãi cao nhất được áp dụng tại Việt Nam. Yêu cầu bắt buộc khi xây dựng phát triển du lịch sinh thái ở Phú Quốc là duy trì nguyên trạng, không phá vỡ cảnh quan vốn có. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng phải trong khuôn khổ cho phép, phần xây dựng chỉ chiếm 18 - 20% diện tích dự án, còn lại phải giữ cảnh quan thiên nhiên hoặc tạo ra cảnh quan mới là thảm cỏ, cây xanh, hồ nước... Tiếp theo, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 38/2006/QĐ-TTg, ngày 14/2/2006 về Quy chế tổ chức và hoạt động của đảo Phú Quốc và cụm đảo Nam An Thới. Trong đó có nhiều quy định ưu đãi nhằm tạo điều kiện tốt nhất trong việc thu hút đầu tư; đồng thời cũng phê duyệt quy hoạch phát triển giao thông Phú Quốc giai đoạn đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020. Theo đó, mục tiêu là phát triển hệ thống đường bộ, cảng biển, cảng hàng không, nhằm tăng khả năng giao lưu giữa đảo với đất liền và các đảo ở vùng biển phía Tây Nam, nối với tuyến giao thông đến các nước trong khu vực, xây dựng Phú Quốc trở thành một trung tâm du lịch sinh thái chất lượng cao. Để tạo cơ chế ưu đãi, thu hút các nguồn vốn đầu tư, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 10/2007/TT-BTC ngày 5/2/2007 hướng dẫn chế độ tài chính và thủ tục hải quan áp dụng tại đảo Phú Quốc và cụm đảo Nam An Thới với nhiều chính sách ưu đãi cho các hoạt động đầu tư vào đảo Phú Quốc.
Được biết, hiện có hơn 100 nhà đầu tư trong và ngoài nước gửi dự án và hồ sơ xin đăng ký đầu tư vào Phú Quốc. Trong đó có nhiều dự án xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch có quy mô lớn đã và đang được xem xét phê duyệt như Dự án xây dựng sân bay quốc tế Dương Tơ có tổng mức vốn đầu tư dự kiến 2.500 tỷ đồng, Dự án đầu tư khu du lịch giải trí cao cấp có tổng vốn 1 tỷ USD của Tập đoàn Rockingham, Dự án đầu tư cảng biển du lịch, nhà ở cao cấp của Tập đoàn Automind Capital có tổng vốn 130 triệu USD, Dự án của tập đoàn Victoria đầu tư khu du lịch cao cấp vào mũi Ông Quới, vốn đầu tư trên 40 triệu USD...
VIỆT ANH