
|
Nơi ông dành riêng tiếp khách chỉ có một bộ bàn ghế nhỏ đặt góc phòng, còn lại cả không gian tràn ngập sắc màu hoa khô, tranh khô với hương thơm hòa quyện thoang thoảng. Dường như, mỗi khi được ngồi trong chính căn phòng này trò chuyện về nghề, nghệ nhân Nguyễn Bá Mưu lại có được niềm hăng say không già đi cùng với tuổi. Sau khi tốt nghiệp trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội rồi lên Bắc Kạn giúp bà con trồng sa nhân, đến năm 1972 ông về làm việc ở Phòng Xuất khẩu hoa tươi thuộc Công ty xuất nhập khẩu thủ công mỹ nghệ Hà Nội. Và không thể ngờ rằng, chính từ công việc đơn giản là xuất khẩu hoa, đã ngầm hé lộ con đường đi cho suốt cuộc đời ông. “Công ty tôi xuất khẩu hoa tươi, nhưng bạn hàng Nhật Bản lại đề nghị mua nguyên liệu hoa, lá khô… Thời gian sau, họ trở lại tặng chúng tôi những bông hoa khô rất đẹp khiến chúng tôi hết sức ngạc nhiên. Không thể hình dung được những thứ tưởng bỏ đi như hoa, lá khô lại có thể đổi lấy ngoại tệ”. Thế là, ban ngày ông chăm chỉ gom nhặt hoa, lá khô khắp nơi, đêm về lại chong đèn miệt mài nghiên cứu cuốn sách hướng dẫn làm hoa khô bạn hàng gửi tặng. Càng đi sâu tìm hiểu, ông càng hết sức ngạc nhiên, càng mong ước cháy bỏng đến một ngày nào đó chính bàn tay mình sẽ có thể làm những vật liệu khô xác ấy “sống lại”.
Không quản ngại vất vả, thiếu thốn, ông bỏ cả những đồng tiền lương ít ỏi để xuôi Nam ngược Bắc tìm nguyên liệu, mày mò nghiên cứu, thử làm ra những sản phẩm đầu tiên trong đời mình. Ban đầu chỉ là những bức tranh, tấm bưu thiếp, bông hoa tặng người yêu, bạn bè… dần dần, ông trở thành người đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam làm được những sản phẩm hoa khô xuất khẩu.
Giờ đây, khi đã đi qua một chặng đường dài: từ thời 3 bông hoa khô đổi được một chiếc bàn là Liên Xô, cho đến những bức tranh trị giá hàng nghìn USD, hơn ai hết, ông hiểu rất rõ giá trị của bản thân: chính ông là người đầu tiên bất chấp thử thách, gian khó, nhặt nhạnh từng chiếc lá, yêu từng màu nhị, nghiên cứu từng bông hoa để cuối cùng tạo được một nghề quý cho đời. Ông là người đã miệt mài trải đời mình để biến những bông hoa khô trở nên thuần Việt hơn, lung linh hơn. Thế nên, cận kề tuổi bóng xế, nghệ nhân Nguyễn Bá Mưu lại vội vã đi tìm học trò để truyền nghề, để nghề không bị mất đi, không những thế, tạo thêm việc làm cho nhiều người. Với các học trò, ông luôn căn dặn: “Hãy tạo một con mắt đen trong khối óc. Cảm xúc chưa đủ, cần phải biết tư duy và sáng tạo không ngừng”. Với phương châm ấy, sản phẩm do ông làm ra hôm sau luôn tốt hơn, mới hơn hôm trước nên rất có sức lôi cuốn khách hàng. Tranh và hoa khô của ông đẹp nhưng không mỏng manh vì chúng không bị hư hỏng và ẩm mốc cùng thời gian. Bởi vì, ông không chỉ học hỏi nghệ thuật làm hoa tinh vi của người Nhật Bản, ông còn luôn học cách sáng tạo không ngừng, học cách làm một nghệ nhân giàu tự trọng và trách nhiệm trước khách hàng.
Nếu nhìn vào những bức tranh với đường nét tinh tế, những bông hoa khô sống động, người xem sẽ thấm thía giá trị lao động sáng tạo của nghệ nhân. “Nguyên liệu được xử lý khô, tẩy rửa sạch, nhuộm phẩm, rồi đến khâu phối màu tạo hoa, tạo tranh, và đây chính là công đoạn đòi hỏi năng khiếu thẩm mỹ từng người thợ”- ông Nguyễn Bá Mưu cho biết. Chỉ với từng ấy chất liệu, nhưng ông có thể ngẫu hứng tạo ra muôn vàn màu sắc, chi tiết để thổi hồn cho tranh và hoa. Thời gian ngắn dài tùy thuộc vào chất lượng, kích cỡ và mẫu mã từng sản phẩm.
Giờ đây, khi thương hiệu hoa khô Việt - Nhật đã trở nên quen thuộc với khách hàng, đặc biệt là với du khách, thì nghệ nhân Nguyễn Bá Mưu và học trò của ông cũng tất bật hơn với các gian hàng hội chợ triển lãm trong các dịp lễ Tết, với các hợp đồng xuất khẩu sang Nga, Đức, Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Singapore…cùng biết bao dự định còn dang dở. Bởi với ông, mỗi ngày đi qua là một ngày cho những ý tưởng sáng tạo mới!
PHƯƠNG THẢO