(VTR) Sáng 14/11/2014, tại Nhà khách Quân đội, Phạm Ngũ Lão, Hà Nội, Trung tâm Con người và Thiên nhiên đã tổ chức buổi Tọa đàm “Thách thức bảo tồn từ các dự án phát triển” nhằm trao đổi, thảo luận về những thách thức trong công tác bảo tồn từ một số dự án kinh doanh, phát triển du lịch, trong đó có Dự án cáp treo Phong Nha - Kẻ Bàng đang là một trong những dự án thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận bởi những tác động tiềm ẩn có thể gây ra đối với hang Sơn Đoòng nói riêng cũng như Di sản Phong Nha - Kẻ Bàng nói chung.
Tại buổi tọa đàm các chuyên gia và đại biểu đã cùng thảo luận những vấn đề liên quan đến Dự án cáp treo Phong Nha - Kẻ Bàng đó là tác động tiềm ẩn của các dự án phát triển đối với nguồn tài nguyên thiên nhiên nói riêng cũng như công tác bảo tồn nói chung; quy trình, thủ tục một dự án phát triển cần tuân thủ khi được cấp phép triển khai thực hiện; các cơ chế chia sẻ lợi ích cộng đồng và minh bạch trong công tác quản lý; thúc đẩy công khai, minh bạch thông tin dự án phục vụ quá trình tham vấn, giám sát, đánh giá các dự án phát triển; trách nhiệm xã hội của các nhà đầu tư cũng như xu hướng du lịch bền vững nhìn từ góc độ môi trường.
Chia sẻ ý kiến tại buổi tọa đàm GS.TSKH. Vũ Quang Côn cho biết: “Cần phải nghiên cứu kỹ các rủi ro trước khi tiếp cận dự án cáp treo Sơn Đoòng, Nếu dự án này đi vào thực hiện thì sẽ gây ra sự chia cắt, mất tính toàn vẹn của khu lõi và các loài động vật sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi nhà đầu tư đưa vật liệu vào thi công…”. Ngoài ra, theo ông Côn thì trong khi xây dựng, dự án sẽ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến hệ sinh thái của động vật. Hơn nữa, phương án xây dựng dự án phải rất cụ thể. Khi đã có sự phản đối của quần chúng và những nhà khoa học thì UBND tỉnh Quảng Bình cần phải xem xét, nghiên cứu lại dự án này bởi ý tưởng rất hay nhưng nếu dự án không đạt yêu cầu thì sẽ không bao giờ được duyệt.
Đồng quan điểm với ý kiến của ông Tạ Hòa Phương và ông Vũ Quang Côn, ông Nguyễn Quốc Dựng và ông Nguyễn Khắc Kinh cũng đề cập đến các rủi ro của dự án chưa được công khai minh bạch và khi dự án chưa được thông qua thì không có căn cứ gì để đưa ra ý kiến đánh giá tác động của môi trường. Theo ông Dựng thì cần phải khuyến cáo UBND tỉnh Quảng Bình mời các chuyên gia trong nước và quốc tế đưa ra các đánh giá tác động môi trường của dự án, sau đó trình lên UNESCO để phê duyệt.
Với góc nhìn của người làm lữ hành, ông Nguyễn Văn Mỹ, Giám đốc Công ty Dã ngoại Lửa Việt đã bày tỏ không phản đối các nhà đầu tư khi họ làm dự án cáp treo, nhưng việc thực hiện phải có hiệu quả tránh rủi ro. Lãnh đạo tỉnh Quảng Bình cũng cần có những buổi tọa đàm để lấy những ý kiến cụ thể của các chuyên gia để đưa ra quyết định đúng.
Cũng có rất nhiều ý kiến trái chiều xung quanh việc xây dựng dự án cáp treo tại Sơn Đoòng vì khi đưa vào quy hoạch và thực hiện các dự án kinh doanh du lịch, dịch vụ nghỉ dưỡng cũng làm dấy lên nhiều mối quan ngại về những tác động bất lợi đối với môi trường và các nguồn tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là nguồn tài nguyên rừng và tài nguyên cảnh quan, di sản.
Có nhiều chuyên gia đã đưa ra cảnh báo việc đưa cáp treo vào hang Sơn Đoòng sẽ dẫn đến một hệ lụy là tác động đến cấu trúc hang và cảnh quan tự nhiên độc đáo ở các hố sụt. Một khi Sơn Đoòng bị tổn hại thì không chỉ Sơn Đoòng mà toàn ngành Du lịch Việt Nam sẽ mất đi vị thế trên bản đồ du lịch thế giới.
Hoàng Huy