Tổ chức Giáo dục Môi trường (Foundation for Environmental Education) đã xếp hạng 450 bãi biển của Tây Ban Nha theo nhãn sinh thái Lá cờ xanh (Blue Flag – biểu trưng cho các tiêu chuẩn môi trường về chất lượng nước, vệ sinh môi trường của bãi biển, đồ bỏ rác thải, cung cấp các thông tin cập nhật cho du khách, giáo dục môi trường và cam kết bảo vệ, bảo tồn các hệ sinh thái ven biển...; mức cao nhất là 50 cờ). Các bãi biển muốn đạt được Lá cờ xanh phải hội tụ đủ các tiêu chuẩn như chất lượng nước biển, chất lượng bờ cát, công tác quản lý môi trường, sự an toàn cho du khách, quy trình cung cấp thông tin và giáo dục du khách... Chiếu theo những tiêu chuẩn này, bãi biển Costa Blanca đạt 48 cờ xanh, Costa Dorada và Mallorca đạt lần lượt 37 và 33 cờ... |
Thế mạnh du lịch biển
Với gần 5000km đường bờ biển, Tây Ban Nha trong nhiều năm qua đã phát triển du lịch biển trở thành thế mạnh hàng đầu để thu hút du khách từ khắp nơi trên thế giới. Khu vực thu hút du khách nhiều nhất là vùng biển đảo Balearic và khu vực bờ biển Mediterranean. Với hơn 300 ngày nắng/năm, nhiệt độ trung bình từ 18 – 300C, bờ biển của Tây Ban Nha là nơi lý tưởng cho du khách từ khắp nơi trên thế giới. Tất cả các bãi tắm biển của Tây Ban Nha đều có phong cảnh rất đẹp với nhiều loại cát màu sắc khác nhau như The Costa Daurada cho cát vàng, The Costa del Azahar cho màu cam, Costa Blanca cho cát trắng và Costa Calida cho cát đen.
Phát triển bền vững
Nhận thức rõ vai trò của vùng biển và bờ biển trong phát triển các ngành kinh tế, đặc biệt là du lịch và để đảm bảo sự bền vững hệ sinh thái biển, Tây Ban Nha đã phân chia thành các khu vực bảo tồn biển theo các địa phương khác nhau. Hiện Tây Ban Nha có các khu bảo tồn biển chính gồm: La Palma, La Restinga, Isla Graciosa, Isla de Alboran, Cobo de Gata, Isla de Tabarca, Masia Blanca... Các khu bảo tồn biển của Tây Ban Nha đã có vai trò quan trọng trong việc bảo tồn, duy trì sự bền vững của các hệ sinh thái biển và các loài sinh vật biển. Ở một số khu bảo tồn biển, các hoạt động thể thao như chèo thuyền kayak, lướt ván không hạn chế, nhưng đối với hầu hết các khu bảo tồn biển của Tây Ban Nha đều yêu cầu du khách phải xin phép và được cấp phép từ các cơ quan có thẩm quyền mới được bơi, lặn, xem san hô, các loại cá hoặc tham gia hoạt động thể thao biển tại các khu bảo tồn biển; mỗi một loại hình du lịch trên mặt biển hoặc dưới nước đều có các loại giấy phép tương ứng khác nhau.
Để duy trì vị trí là một trong những điểm đến hàng đầu thế giới đồng thời phát triển du lịch bền vững, trong đó có du lịch biển, năm 2009, Bộ Du lịch Tây Ban Nha đã ban hành kế hoạch phát triển chiến lược toàn diện tới năm 2020 mang tên “Tourism Plan Horizon 2020”, đặt ra mục tiêu nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch của đất nước; phát triển du lịch bền vững hài hòa với môi trường, xã hội và văn hóa; bảo vệ cảnh quan thiên nhiên và nền văn hóa phong phú; thúc đẩy mô hình du lịch bền vững thông qua hỗ trợ các điểm đến trong việc phát triển công cụ quản lý toàn diện; giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu; thúc đẩy các sáng kiến nhằm giảm tính mùa vụ; tăng cường khả năng thu hút du khách đến với những vùng kém phát triển... Để triển khai kế hoạch này, Bộ Du lịch Tây Ban Nha đã quyết định đầu tư nguồn ngân sách hàng năm lên đến 1,9 tỷ USD.
Bên cạnh đó, Tây Ban Nha còn là quốc gia rất tích cực trong việc tổ chức, tham gia sự kiện Ngày biển châu Âu (European Maritime Day - EMD). EMD là cơ hội để mọi tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động biển trong EU đóng góp những hoạt động, ý kiến, giải pháp nhằm mục đích phát triển bền vững, trong đó có hoạt động du lịch. EMD lần thứ 3 năm 2010 được tổ chức tại thành phố Gijón với rất nhiều hoạt động hội thảo, triển lãm các công nghệ mới trong khai thác biển, trao đổi kinh nghiệm trong việc quản lý, bảo tồn và khai thác hiệu quả biển theo hướng bền vững...
Bờ biển Costa Blanca
Nhận thức rõ vai trò của bờ biển có tầm quan trọng sống còn đối với sự phát triển du lịch, chính quyền các địa phương ở Tây Ban Nha hiện đang thực hiện chiến dịch bảo vệ bờ biển nhằm xử lý những công trình xây dựng tràn lan dọc theo bờ biển có những tác động xấu đến ngành Du lịch Tây Ban Nha. Một trong những biện pháp đặt ra là dẹp bỏ các tòa nhà bất hợp pháp nằm trên bờ biển. Theo Luật bờ biển năm 1988 quy định, Chính phủ Tây Nha kiểm soát hoàn toàn khoảng cách từ mép nước biển vào đất liền trong vòng 550 yard (khoảng 500m). Ở khu vực này, không một tài sản của tư nhân nào như nhà ở, khách sạn, quán bar, nhà hàng hoặc bất kỳ công trình nào được phép xây dựng. Với chiến dịch này, hàng nghìn tài sản nằm sát các bờ biển trong vòng bán kính 500m đang được lên kế hoạch tịch thu và phá hủy.
Ngoài việc đưa ra các giải pháp bảo vệ biển và bờ biển trước các hoạt động kinh tế và du lịch, ngành Du lịch Tây Ban Nha có những có những biện pháp kịp thời để bảo vệ du khách. Trong mùa hè năm 2010, để ngăn ngừa việc bị sứa biển tấn công, chính quyền các thành phố thuộc vùng bờ biển Costa Blanca, phía bắc Alicante đã đóng cửa nhiều bãi tắm sau các cuộc xâm nhập quấy rối của những đàn sứa Mauve Stinger. Bộ Môi trường Tây Ban Nha đã cử các tàu tuần tra dọc bờ biển nhằm phát hiện những đàn sứa trôi nổi về phía bờ. Khi đã phát hiện sự hiện diện của loài sứa, nhà chức trách sẽ cắm cờ màu đỏ để cảnh báo những người đi bơi tránh xa vùng nước này. Khách du lịch được cảnh báo thận trọng khi xuống nước và đề phòng nguy cơ bị đốt chích ở vùng nước nông. Các poster khuyến cáo người đi tắm về hiểm họa cũng như cách chữa trị khi bị sứa chích đã được dán khắp các bãi biển ở Tây Ban Nha.
Với cách thức quản lý hoạt động du lịch biển hiệu quả, Tây Ban Nha đã thực sự trở thành một trong những địa chỉ du lịch hàng đầu thế giới.
Phương Điệp