Có thể nói, lễ hội là một kho tàng văn hoá, nơi lưu giữ những tín ngưỡng, tôn giáo, những sinh hoạt văn hoá văn nghệ, nơi phản ánh tâm thức con người Việt Nam một cách trung thực. Nhìn chung, lễ hội dân tộc Việt Nam gồm hai bộ phận: lễ hội truyền truyền thống cung đình và lễ hội dân gian. Với lễ hội dân gian, đây là nơi lưu giữ nhiều tín ngưỡng dân gian. Tín ngưỡng của lễ hội dân gian Việt Nam được biểu hiện dưới nhiều dạng như thờ cúng thần hoàng, thờ mẫu, thờ cúng tổ tiên, thờ cúng tổ nghề… Ngoài ra, các tín ngưỡng dân gian còn tiềm ẩn các trò diễn như tín ngưỡng thờ mặt trời, mặt trăng, thần nước… Sự tiềm ẩn đó khiến chúng ta khó nhận diện các tín ngưỡng cổ xưa ấy. Cùng với tín ngưỡng, nhiều lễ hội còn gắn với phật giáo, thiên chúa giáo. Lễ hội cung đình gắn liền với văn hóa cung đình của các triều đại phong kiến mà đỉnh cao và sự phong phú là các lễ hội cung đình triều Nguyễn như lễ tế Nam Giao, tế Xã tắc, Truyền lô…
Lễ hội truyền thống còn lưu giữ nhiều sinh hoạt văn hoá văn nghệ đặc sắc. Nơi mở hội nhiều khi là những danh lam thắng cảnh, một môi trường giàu tính văn hoá. Chính địa điểm mở hội đáp ứng các tiêu chuẩn một điểm du lịch.
Với ngành Du lịch, lễ hội là một sản phẩm văn hoá đặc biệt. Ngành Du lịch cáng phát triển, càng gắn kết với lễ hội truyền thống. Tự thân ngành Du lịch trong bước đường phát triển của mình tự tìm đến với loại sản phẩm văn hoá đặc biệt này. Đưa khách đến với lễ hôi truyền thống là nhằm để giới thiệu đất nước, con người Việt Nam hôm qua, hôm nay là giới thiệu các giá trị về văn hoá, tín ngưỡng của lễ hội, tính dân tộc và tính phổ quát của lễ hội. Vì thế ngành Du lịch đứng trước một khó khăn, đồng thời cũng là một yêu cầu phải khai thác di sản văn hoá này sao cho khoa học, đúng với đặc trưng lễ hội.
So với các tỉnh thành khác ở phía Bắc, tỉnh Thừa Thiên - Huế có số lượng các lễ hội dân gian không phong phú bằng, song là mảnh đất có các lễ hội cung đình phong phú. Với sự tồn tại của 13 đời vua triều Nguyễn kéo dài 143 năm đã để lại cho Huế một hệ thống các lễ hội cung đình. Trong năm kỳ tổ chức Festival Huế, lễ hội truyền thống cung đình đóng một vai trò vô cùng quan trọng, nếu như không muốn nói không có các lễ hội cung đình sẽ không có bản sắc Festival Huế. Tuy nhiên, một điều dễ nhận thấy số lượng du khách đến với các lễ hội này còn khá khiêm tốn nếu đem so sánh với sự quy mô, hoành tráng của các lễ hội. Điều này có nhiều lý do khác nhau nhưng theo chúng tôi có hai nguyên nhân chính. Thứ nhất, do đây là các lễ hội cung đình, thể hiện các nghi lễ của triều đình nên chủ yếu là phần lễ chứ phần hội hầu như rất nhạt. Thứ hai, vấn đề thông tin quảng bá các lễ hội còn hạn chế đến du khách và đặc biệt với các công ty lữ hành, những người làm tour du lịch. Điều này đã hạn chế rất lớn đến vấn đề doanh thu du lịch từ lễ hội. Một hiện tượng thường gặp là chúng ta mới chỉ giới thiêụ được lớp văn hoá bề mặt của từng lễ hội, mà chưa thấy được lớp văn hoá ẩn tàng sâu hơn, lớp tín ngưỡng chìm trong các trò diễn một cách kín đáo, khuất khúc. Chúng ta làm sao bóc được hết các lớp tín ngưỡng, văn hoá đã lắng đọng ở chiều sâu trong lễ hội truyền thống giới thiệu cho du khách. Một hiện tượng khác cũng thường bắt gặp là trong khi giới thiệu về lễ hội, nơi chỉ nhấn mạnh tính địa phương mà không chú ý đến tính phổ quát. Cần giới thiệu cho du khách thấy tính chung và tính riêng, nét đặc thù của mỗi lễ hội.
Thực tế, ngành Du lịch Việt Nam nói chung và ngành Du lịch Thừa Thiên - Huế nói riêng đã chú trọng đến sản phẩm văn hoá đặc biệt này. Tuy nhiên, nếu giải quyết được một số vấn đề cấp thiết sẽ đưa lễ hội truyền thống trở thành sản phẩm du lịch đặc sản.
Việc khai thác các lễ hội tuy đã được chú trọng nhưng các sản phẩm đã có về lễ hội chỉ dừng lại ở mức miêu tả mà chưa lý giải, giải thích. Trên thực tế, nhất là ở các địa phương, việc tìm hiểu các lễ hội truyền thống chưa được ngành Du lịch chú ý. Truyên truyền viên, hướng dẫn viên cho du khách mà chưa am tường lễ hội nên chưa thể giới thiệu được cặn kẽ. Nguyên nhân này có thể từ nhiều phía, nhưng cái chính là nguyên nhân chủ quan của ngành Du lịch trong việc đào tào hướng dẫn viên.
Trong di sản văn hoá của các thế hệ trước để lại, lễ hội dân tộc có tác dụng hữu hiệu với ngành Du lịch không chỉ hôm nay mà cả ngày mai ở cả hai mặt: giới thiệu đất nước, con người và kinh doanh. Khai thác, giới thiệu những lễ hội dân tộc biến nó thành người bạn đồng hành trong cuộc sống hôm nay là công việc của ngành Du lịch. Về cả phương diện giới thiệu bản sắc văn hoá dân tộc lẫn phương diện kinh doanh, Ngành rất cần một thái độ khoa học, đúng hướng, sự hỗ trợ của các nhà văn hoá. Lễ hội dân tộc luôn có sức hấp dẫn và thu hút du khách. Bởi đó là thế giới tâm linh của con người.
ThS. Hồ Ngọc Thạch