NSND Tào Mạt
Khi thực hiện bộ phim chân dung Tào Mạt cho VTV1 Ban Văn nghệ Đài truyền hình Việt Nam năm 1989, chúng tôi có nhiều dịp tiếp xúc, trò chuyện với ông. Đôi mắt sáng rực, nhìn thẳng như soi rọi vào người nói chuyện với mình, gương mặt rạng rỡ, ông hát vang lên một điệu “Quân tử vu dịch” hay “Đường trường phải chiều”, đôi bàn tay với những ngón tay rất dài, nhưng cuộn vào mở ra rất khéo, chất giọng vừa sang sảng vừa ngọt ngào, ông chinh phục hoàn toàn những người nghe (kể cả những người không mấy am hiểu về chèo). Ông bảo, muốn hát chèo hay người nghệ sĩ không phải chỉ hát bằng cổ họng của mình mà phải bắt đầu đẩy hơi từ hai bàn chân (tiếc rằng lý thuyết hát chèo từ đan điền của ông chưa hoàn thành). Ai cũng nhận thấy ở ông một tình yêu, một khát vọng cháy bỏng đối với nghệ thuật chèo. Tuy nhiên, chính ông lại cho rằng “mình trước hết là một người lính” – một cán bộ tuyên huấn của Đảng. Phải chăng vì thấm nhuần tư tưởng “văn dĩ tải đạo” mà ông đã mượn nghệ thuật chèo làm phương tiện giáo huấn cho suốt cuộc hành trình? Bởi lẽ trong tất cả các tác phẩm của ông, ta đều thấy ông bàn về thế thái, về lý tưởng chính trị, lý tưởng đạo đức cộng sản một cách nhiệt thành, đôi khi hơn cả sự mê đắm về nhân tình.
Ông đến với nghệ thuật chèo một cách tình cờ, ngẫu nhiên sau một lần xem NSND Dịu Hương diễn vai Suý Vân, vẻ đẹp vừa hoang sơ vừa rực rỡ của hình tượng Suý Vân dường như có “ma lực” cuốn hút ông. Ông tìm đến các nghệ nhân lão thành của ngành chèo như NSND Hoa Tâm, NSND Minh Lý, NSND Cả Tam, NSND Trùm Thịnh, NSƯT Lệ Hiền, NSND Bùi Trọng Đang... để tìm hiểu về nghệ thuật biểu diễn chèo, để học hát các làn điệu chèo truyền thống. Bằng cách đó, ông tự trang bị cho chính mình một “vốn” nghề chèo giỏi đến mức có thể bẻ làn nắn điệu, giống như các nghệ nhân để tạo ra một lối hát chèo “thổ tận can tràng” mà có những nhạc sĩ chuyên chèo nhiều năm đã không làm được.
Vở chèo ngắn đầu tiên ông viết chung với Hoài Giao là “Đường về trận địa” - một bài thơ nồng ấm tình người, đã gây xôn xao dư luận trong và ngoài giới sân khấu từ những năm 1970. Tiếp theo là hàng loạt những vở chèo ngắn phản ánh những vấn đề thời sự nóng bỏng, trong điều kiện chiến tranh hết sức ác liệt: “Anh lái xe và cô chống lầy”, “Bông hồng và bà sư đuổi chuột”, “Dọc đường chiến thắng”…; đến những vở phản ánh hiện thực cuộc sống chống Mỹ: “Ánh sao đầu núi”, “Nguyễn Viết Xuân”, “Sông Trà Khúc”…; rồi bộ ba “Bài ca giữ nước” ở vào những năm 80 của thế kỷ 20… Ta có thể dễ dàng nhận ra đó đều là những bài giáo huấn luân lý rất tài hoa. Trong tác phẩm của ông, từ những nhân vật nổi tiếng như: cô thôn nữ tựa gốc lan trở thành nguyên phi Ỷ Lan giỏi việc nước đảm việc nhà, vua Lý Nhân Tông giàu lòng nhân nghĩa, biết dựa vào dân và được dân yêu mến, Lý Thường Kiệt trọn đời vì nước, thái sư Lê Văn Thịnh…, đến các nhân vật bình thường: cô cung nữ , ông hề già, bố con lão thuyền chài… đều được khắc họa sắc nét trong những mảng diễn đầy thăng hoa mà ở đó có sự kết hợp nhuần nhuyễn của tình huống kịch, số phận nhân vật, lời văn, làn điệu và nghệ thuật biểu diễn điêu luyện. Đặc biệt, nhân vật ông hề già trong vở “Lý Nhân Tông học làm vua” không chỉ là một hình tượng nhân vật đặc sắc trong tác phẩm mà còn trở thành hình tượng nghệ thuật nổi tiếng gắn liền với tên tuổi tác giả Tào Mạt.
Có thể nói, thành công của bộ ba “Bài ca giữ nước” là ở giá trị nhiều mặt: giá trị văn học của kịch bản, tài đạo diễn, nghệ thuật diễn xuất, âm nhạc, trang trí, ánh sáng…, cả tổng thể âm thanh và màu sắc tạo cho tác phẩm một sức truyền cảm hiếm có. Những cách tân đầy bản lĩnh của ông trên cả bốn lĩnh vực: văn, nhạc, múa, vẽ - theo cách nói của ông - nhằm đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ của người xem hiện đại, nhằm nâng chèo lên thành sân khấu tiên tiến sở dĩ thành công cũng bởi lẽ, cái bản sắc dân tộc vốn có của chèo luôn được gìn giữ và phát huy; hơn nữa, còn tôn cao cái bản sắc ấy, làm cho vẻ đẹp vốn có của chèo cổ vừa lung linh, đẹp đẽ, vừa gần gũi hơn với cuộc sống hôm nay.
Thành công của Tào Mạt thêm một lần nữa khẳng định vị thế văn hóa của nghệ thuật chèo trong đời sống hiện đại, khẳng định giá trị trường tồn của loại hình nghệ thuật chèo trong hội nhập thế giới.
ThS. Trần Minh Phượng