 |
Bản Mường Bình Thanh - Nơi thu hút nhiều khách du lịch |
Sông Đà vạch một dòng chảy, chia Tây Bắc thành hai phần lãnh thổ gần như bằng nhau, tạo thành một đường thủy tự nhiên từ đồng bằng đi ngược lên phía Tây. Ở thế kỷ 18, nhà bác học Lê Qúy Đôn trong “Kiến văn tiều lục” đã viết: “Chúng thủy giai Đông tẩu/ Đà Giang độc Bắc lưu”, nghĩa là “mọi con sông đều chảy ra biển Đông, chỉ riêng sông Đà ngược lên phía Bắc”… “Dòng sông Đà chảy về xuôi, đem niềm vui cho mọi người”- câu hát đã cho ta cái nhìn vui tươi về dòng sông lắm thác, nhiều ghềnh sẽ được ngăn làm hồ chứa nước, cung cấp nguồn điện năng cho con người trong nay mai. Đó là công trình thủy điện Sơn La lớn nhất đất nước đang khởi công xây dựng.
Tạm dừng chân sau hành trình 70km xuất phát từ thủ đô Hà Nội, chúng tôi ghé thăm quê hương của sử thi “Đẻ đất, đẻ nước” (Mo Mường) - đâu đâu cũng nghe thấy tiếng cồng chiêng gõ nhịp “bùng binh, binh bùng binh” của các cô gái Mường, các cô gái Thái trong trang phục lễ hội.
Qua suối Rút, từ giã bản làng cuối cùng (Bản Nót) của Hòa Bình, leo lên đoạn đèo dài 3km dọc theo thung lũng sông Nậm Tôn, du khách sẽ đến bản Bong, địa đầu cao nguyên Mộc Châu, để vào đất Sơn La. Là vùng thảo nguyên có khí hậu gần giống với Sapa, về mùa hè nhiệt độ chỉ trên dưới 200C, Mộc Châu rất thuận lợi cho việc phát triển cây công nghiệp (chè) và chăn nuôi bò sữa, tạo nên vùng kinh tế quan trọng của tỉnh Sơn La.
Rời Mộc Châu cao 956m so với mặt nước biển, du khách sẽ xuống vùng đất thấp Yên Châu, quê hương của câu hát: “Người Yên Châu em bắn máy bay” thời chống Mỹ. Đất Yên Châu nóng với khí hậu tiểu lục địa gió Lào, nhưng lại có xoài ngon nổi tiếng một thời. Thời kinh tế bao cấp, xe cộ đi qua Yên Châu thường dừng lại để nghỉ giải lao, giải khát, sau đó, theo giá tiền ghi trên giấy, khách cứ tự giác bỏ tiền vào cái giỏ treo trên cột. Đây cũng là nét văn hóa đẹp đầy lòng tin vào khách qua đường của đồng bào vùng cao. Ngày nay, từ Hà Nội lên Sơn La không còn cảnh tắc đường như trước, đường viền quanh chân đèo Chiềng Đông đã rải nhựa, rộng rãi đủ sức cho hai xe chạy nên các tài xế tha hồ vi vu vẫy tay chào nhau. Đến đây, du khách sẽ được ngắm các cô gái Yên Châu có chiếc khăn piêu đội đầu đẹp nhất vùng. Leo qua những thửa ruộng bậc thang, trên mặt dốc thoai thoải, những thảm cỏ non còn xanh mơn mởn, các cô gái Thái đang nô đùa, cười vui… tìm hái những ngọn guột non về làm món xôi nộm - một thứ rau rừng dễ kiếm, tựa như rau dền dại dưới xuôi, ngọn xoắn hình trôn ốc, giống những chùm hoa “cút” trên khăn đội đầu người phụ nữ. Cảnh và người làm tôi liên tưởng đến câu thơ của Hàn Mặc Tử: “Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời/ bao cô thôn nữ hát trên đồi…”. Thì ra gái quê ở đâu cũng vậy, họ giống nhau ở sự trẻ trung, hồn nhiên, yêu đời.
Vượt qua đèo Chiềng Đông vài giờ sẽ đến trung tâm thị xã Sơn La. Vào dịp tháng hai, tháng ba, du khách sẽ thấy hoa ban nở trắng núi rừng, hương thoang thoảng dịu ngọt như mật mía. Tôi nói thoang thoảng thôi, vì đây là thứ hoa mọc tự nhiên trên các triền núi; dân địa phương còn dùng để nấu canh như hoa thiên lý ở dưới xuôi. Hoa ban Tây Bắc đã vào thơ, vào nhạc, có mặt trong ca dao, truyện kể của dân tộc Thái.
Dừng chân trên đồi thăm nhà tù Sơn La - chứng tích về tội ác của bọn thực dân đế quốc, lòng du khách không khỏi xúc động mạnh mẽ trước địa ngục giam cầm, đầy ải các chiến sỹ cách mạng Việt Nam thời kháng chiến.
Thị xã Sơn La bình dị nằm gọn trong thung lũng dưới chân đồi Khau Cả, những nếp nhà sàn thấp thoáng viền xung quanh như “bảo vệ” cho thành phố xinh đẹp, nơi những mái nhà ngói, nhà cao tầng, khách sạn nhà hàng sáng điện đêm dêm như gọi mời bước chân du khách.
Sơn La đang trăn trở trên bước đường CNH, HĐH. Nay mai, thủy điện Sơn La sẽ cung cấp nguồn năng lượng lớn cho cả nước. Để nhường đất cho việc xây dựng lòng hồ, người dân vui vẻ dời làng đến nơi ở mới. Thế mới biết, tiềm năng của Tây Bắc còn rất lớn, còn ủ trong lòng đất và ngủ trên núi rừng. Nhưng tin chắc rằng, không bao lâu nữa, Tây Bắc sẽ là nơi dừng chân lý tưởng của khách du lịch gần xa.
Tùy bút NGUYỄN THÁI