Đẩy mạnh hợp tác du lịch trong APEC - Một hướng chiến lược để tăng cường hội nhập
 |
Tổng cục trưởng Võ Thị Thắng hội đàm với ngài Ta-Kê-Bê, Tổng Thư ký Đảng Dân chủ tự do (Nhật Bản) tại Đà Lạt Ảnh: Hà Lan |
Đây là một cơ hội chưa từng có để ngành Du lịch đón khách, quảng bá hình ảnh đất nước, con người và du lịch Việt Nam với bạn bè quốc tế ngay ở trong nước. Trách nhiệm của cả Ngành, từ Tổng cục Du lịch đến các đơn vị và doanh nghiệp, rất lớn. Từ thành công và kinh nghiệm tham gia tổ chức các sự kiện lớn của đất nước những năm vừa qua, ngành Du lịch có nhiều thuận lợi trong xây dựng và thực hiện kế hoạch phục vụ Hội nghị, góp phần vào thành công của Hội nghị APEC 2006, hoàn thành được nhiệm vụ phục vụ APEC mà Chính phủ giao cho. Làm tốt việc phục vụ Hội nghị cao cấp APEC là một đợt tập dượt ở mức cao trong việc tổ chức loại hình du lịch MICE - một loại hình du lịch đang nổi lên trong thập kỷ đầu tiên của thiên niên kỷ mới, một cơ hội mang lại nguồn thu lớn; đồng thời là dịp tìm đối tác đầu tư, thu hút vốn, khách du lịch, kinh nghiệm và công nghệ quản lý phát triển du lịch từ các thành viên của APEC.
Tuy nhiên, đây cũng là những thách thức không nhỏ đối với toàn Ngành. Do Hội nghị cao cấp APEC diễn ra ở nhiều địa điểm, số lượng đại biểu các đoàn tham gia hội nghị rất đông, kéo dài suốt năm, nhu cầu của khách rất đa dạng lại đòi hỏi khắt khe… không dễ đáp ứng. Trong khi đó sự hạn chế của hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, hệ thống giao thông phục vụ đi lại của các đoàn đại biểu, hệ thống khách sạn có chất lượng cao chưa đủ. Tác động của những diễn biến thất thường của dịch bệnh, thời tiết cũng chưa thể lường trước được. Vì vậy, để đáp ứng yêu cầu rất cao của Hội nghị APEC về nhiều mặt, trong đó có việc phục vụ ăn nghỉ, lưu trú, đi lại, vui chơi giải trí và tham quan du lịch của các đại biểu và du khách, toàn Ngành phải nỗ lực mọi mặt và chạy đua với thời gian.
Phục vụ tốt Hội nghị cao cấp APEC là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2006 của toàn Ngành, với ý nghĩa không chỉ dừng lại ở việc thực hiện nhiệm vụ tức thời, mà còn vươn ra góp phần tăng cường hội nhập du lịch APEC. Bởi vì nếu chủ động hội nhập du lịch APEC và khai thác tốt quyền lợi hội viên của mình, Du lịch nước ta có thêm các nguồn lực để phát triển.
APEC là một tập hợp đa dạng 21 quốc gia và lãnh thổ, từ siêu cường hàng đầu thế giới đến những quốc gia và vùng lãnh thổ trên dưới mét ngh×n km2 và một vài triệu dân. Đây là một thực thể bao gồm các nền kinh tế lớn, năng động và tăng trưởng cao nhất thế giới, đang đi đầu trong việc thúc đẩy tự do hóa mậu dịch, đầu tư và hợp tác kinh tế, chiếm khoảng 40% dân số thế giới, 60% GDP toàn cầu và 50% thương mại thế giới. Là một ngành năng động và nhạy cảm trong một khu vực phát triển hàng đầu thế giới và có nhiều tiềm năng, lợi thế so sánh hơn các khu vực khác, nên du lịch APEC đang nổi lên và thu hút nhiều sự quan tâm.
Tổng lượng khách đến các nước APEC chưa phải nhiều nhất thế giới, nhưng tốc độ tăng trưởng về lượng khách đến và đi từ khu vực này, cùng với tính đa dạng ở mỗi thị trường trong khu vực đã tạo cho các nước APEC có sức hấp dẫn đặc biệt. Năm 1995 các nước thành viên APEC mới chỉ đón được lượng du khách quốc tế bằng 1/5 của châu Âu, một châu lục đã, đang và sẽ dẫn đầu thế giới về lượng khách và thu nhập du lịch. 10 năm sau (năm 2004) khoảng cách “tụt hậu” này đã bị rút ngắn lại một nửa, toàn APEC đón được 230,5 triệu lượt khách quốc tế. Năm 2004, du lịch của các thành viên APEC đã có sự tăng trưởng ngoạn mục 30,2% về lượng khách và 23,2% về thu nhập du lịch so với năm 2003. Trong danh sách 10 quốc gia và vùng lãnh thổ đứng đầu thế giới về đón khách quốc tế năm 2004 có 5 thành viên APEC là Mỹ, Trung Quốc, Canađa, Hồng Kông và Mehico; 10 quốc gia và vùng lãnh thổ đứng đầu thế giới về thu nhập du lịch có 3 thành viên APEC là Mỹ, Trung Quốc và Australia. Cũng trong năm 2004, có tới 226,7 triệu lượt công dân của 21 thành viên APEC đi du lịch nước ngoài. Nửa danh sách 10 nước và vùng lãnh thổ đứng đầu thế giới về chi tiêu du lịch là các thành viên APEC, gồm Mỹ, Canađa, Nga, Trung Quốc và Nhật Bản. Bản thân sự phát triển của du lịch, đặc biệt là tốc độ tăng trưởng lượng khách du lịch với nhu cầu đa dạng của khu vực đang có những tác động mạnh tới cơ sở hạ tầng và các nguồn lực của sự phát triển kinh tế - xã hội trong các thành viên APEC.
Qua 7 năm gia nhập APEC (ngày 14/11/1998, tại Kuala - Lumpur Malaysia, Việt Nam đã được công nhận là thành viên chính thức APEC), một Diễn đàn Hợp tác kinh tế khu vực năng động nhất, với nhiều thành viên có ngành du lịch phát triển ở mức cao, bước đầu đã tạo điều kiện cho Du lịch Việt Nam được chia sẻ kinh nghiệm quản lý phát triển du lịch với các thành viên ở tất cả các lĩnh vực từ quy hoạch đến thu hút vốn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, từ đào tạo chuyên gia công nghệ, nghiên cứu khoa học du lịch, đến phát triển nguồn nhân lực, từ bảo vệ môi trường đến quảng bá xúc tiến tiếp thị, thu hút khách và tiêu thụ sản phẩm du lịch; đồng thời tạo thêm cho Du lịch Việt Nam những động lực và tư thế mới trong hợp tác quốc tế đa phương trong và ngoài APEC, hội nhập vào trào lưu khu vực hóa trong lĩnh vực du lịch đang phát triển ở cấp độ toàn cầu. Hội nhập tốt sẽ giúp chúng ta vào được nhiều thị trường mà đơn phương không thể len chân vào được vì không đủ sức cạnh tranh.
Tuy nhiên, hội nhập là phải khẳng định mình, nếu không sẽ bị “hßa tan” lệ thuộc. Gia nhập du lịch APEC, Du lịch Việt Nam phải nỗ lực hơn nhằm tranh thủ thuận lợi để phát triển và tất nhiên phải làm theo “luật” thi hành nghĩa vụ của mình trong cộng đồng du lịch APEC. Việc minh bạch hóa chính sách, lộ trình hợp tác phải được triển khai rất khẩn trương mới đáp ứng được yêu cầu của Diễn đàn Hợp tác kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Bởi vậy, những khó khăn và hạn chế về trình độ phát triển; những yếu kém về cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch; sự thiếu hụt về hiểu biết của đội ngũ lao động trong hợp tác, nhất là hợp tác đa phương, trong ngoại ngữ, nghiệp vụ; những phiền hà rắc rối nhưng sơ hở trong thủ tục ra vào du lịch, đi lại, lưu trú, tham quan, mua sắm phải được giải quyết nhanh và đồng bộ để Du lịch Việt Nam có đủ điều kiện hội nhập với APEC theo nghĩa tích cực của từ này.
Muốn vậy, toàn Ngành cần phát huy sức mạnh tổng hợp thực hiện tốt những giải pháp chủ yếu để làm cho Du lịch Việt Nam một là phải mạnh lên từ bên trong và hai là trên cơ sở đó đủ để đàm phán và tổ chức thực hiện tốt những cam kết trong APEC.
Để mạnh lên, toàn Ngành cần tập trung làm chuyển biến mạnh mẽ các lĩnh vực chủ yếu là: tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách và luật pháp về du lịch theo hướng hội nhập, vừa đúng luật pháp nước ta, vừa rõ ràng minh bạch và phù hợp với thông lệ quốc tế và quy định của Diễn đàn APEC; mở rộng thị trường; phát triển sản phẩm; tăng cường xúc tiến, tuyên truyền quảng bá; đẩy mạnh đầu tư phát triển; kiện toàn bộ máy và chú trọng đào tạo phát triển nguồn nhân lực, nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ; bảo vệ, tôn tạo và phát triển tài nguyên, môi trường du lịch; chủ động mở rộng hợp tác quốc tế. Cần tích cực triển khai các dự án cụ thể trên các địa bàn trọng điểm chiến lược nhằm đẩy nhanh phát triển du lịch bền vững. Mỗi địa phương và từng vùng, dựa trên thế mạnh, tiềm năng du lịch và điều kiện phát triển, xây dựng cho được những sản phẩm đặc trưng, tạo thành hệ thống sản phẩm du lịch đa dạng đặc sắc cho mỗi địa phương, từng vùng và cả nước, đủ sức cạnh tranh, tăng sức hấp dẫn thu hút khách. Cần tăng mức vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, thu hút mạnh đầu tư nước ngoài, huy động nhiều vốn trong dân và các thành phần kinh tế để xây dựng 4 khu du lịch tổng hợp và 18 khu du lịch chuyên đề quốc gia, tôn tạo và nâng cấp các đô thị du lịch. Bên cạnh đó, ưu tiên đầu tư xây dựng hạ tầng du lịch, nâng cấp và cải tiến thủ tục đón khách để thúc đẩy nhu cầu du lịch ngày càng gia tăng; đồng thời, tăng cường năng lực và hiệu lực quản lý nhà nước về du lịch từ trung ương đến địa phương tương ứng với nhiệm vụ phát triển du lịch với vai trò một ngành kinh tế mũi nhọn.
Đồng thời, với các giải pháp phát huy nội lực để tự mạnh lên, cần coi trọng mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế với APEC để có thêm nguồn lực phát triển nhanh Du lịch Việt Nam, gắn thị trường Du lịch Việt Nam với thị trường du lịch các nước APEC nói riêng, thị trường du lịch khu vực và thế giới nói chung. Hợp tác quốc tế trong du lịch với các thành viên APEC cần được tiến hành cả song phương và đa phương đan xen, lồng ghép trong các hoạt động mới đạt được hiệu quả và đảm bảo sự nhất quán, đi liền với sự linh hoạt trong từng hoàn cảnh cụ thể.
Trong số 26 Hiệp định hợp tác du lịch song phương đã ký có 10 Hiệp định với các nước là thành viên của APEC (Brunei, Hàn Quốc, Inđônêsia, Malaysia, Nga, Nhật Bản, Philippines, Singapore, Thái Lan và Trung Quốc). Đây là những trung tâm giao lưu quốc tế. Đặc biệt 3 nước Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản là thị trường gửi khách trọng điểm của Du lịch nước ta. 7 nước còn lại là thành viên ASEAN đã có quan hệ hợp tác du lịch trong khuôn khổ ASEAN, là thị trường gửi khách trung gian không thể xem thường. Vì vậy, phải thực hiện và khai thác hiệu quả 10 hiệp định đã ký này; đồng thời duy trì, củng cố và phát huy các quan hệ song phương với các thành viên APEC còn lại, xem xét ký tiếp một số hiệp định hợp tác du lịch mới với Mỹ, Canađa, Mehico, New Zealand.
Đồng thời, phải chủ động tham gia hợp tác đa phương trong Diễn đàn APEC, khai thác tốt quyền lợi hội viên và thực hiện các nghĩa vụ của mình. Lấy kết quả, kinh nghiệm hợp tác đa phương APEC để đẩy nhanh hợp tác đa phương trong các khuôn khổ hợp tác đa phương khác và ngược lại. Trên cơ sở đó chuẩn bị các điều kiện về cán bộ, thể chế và thực lực kinh tế để hội nhập du lịch ở mức cao khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Trong hội nhập APEC cần thực hiện nghiêm chỉnh các cam kết hội nhập theo đúng lộ trình, bảo hộ có trọng điểm, có điều kiện và có thời hạn. Phải chuẩn bị tốt các phương án cho hội nhập kể cả về quản lý nhà nước và kinh doanh. Hướng dẫn và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xây dựng kế hoạch, giải pháp để thực hiện cam kết quốc tế trong du lịch nói riêng và trong hợp tác quốc tế nói chung, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường, tăng thị phần trên thị trường APEC và khai thông, nâng dần vị thế trên thị trường mới. Khuyến khích hỗ trợ các doanh nghiệp và cá nhân Việt Nam đầu tư du lịch vào các nước và vùng lãnh thổ là thành viên APEC.
Hợp tác du lịch trong APEC là một cơ hội tốt, là yếu tố thời cơ thuận lợi. Nhưng nếu không chuẩn bị tốt về mọt mặt sẽ không kịp thời hành động khi thời cơ đến và dẫn đến quá muộn, bỏ lỡ cơ hội phát triển. Vì vậy, việc chủ động tiếp cận với thị trường du lịch thế giới, trong đó có thị trường du lịch APEC đầy tiềm năng, chỉ thực hiện được khi toàn Ngành nhận thức đầy đủ và vào cuộc một cách thực sự. Sẽ còn gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với sự nỗ lực phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn Ngành để đẩy mạnh hợp tác quốc tế, trong đó có sự ưu tiên cho hợp tác du lịch khu vực và thế giới, tranh thủ ngày một nhiều kinh nghiệm, công nghệ, vốn và nguồn khách, góp phần phát huy đầy đủ vai trò của một ngành kinh tế mũi nhọn và khẳng định vị thế của mình trên trường quốc tế./.
VÕ THỊ THẮNG
Ủy viên Trung ương Đảng
Tổng cục trưởng Tổng cục Du Lịch