Món quà Tết Thanh minh
Thứ sáu, 03/03/2006 | 16:10 GMT+7
Năm nào cũng vậy, cứ tới ngày mồng 3/3 âm lịch, ở Bắc bộ, hầu như gia đình nào cũng rậm rịch sửa soạn làm món bánh trôi, bánh chay cổ truyền.
Tôi nhớ ngày còn nhỏ ở quê, trước ngày này bao giờ mẹ cũng dặn chị em tôi ngâm gạo rồi xay bột để sớm hôm sau làm bánh cúng ông bà tổ tiên đón Tết Thanh minh (người Trung Quốc gọi là Tết Hàn thực, cũng là ngày giỗ ông Giới Tử Thôi đời Xuân Thu. Vào ngày này, người Trung Quốc kiêng không nhóm lửa, chỉ ăn đồ nguội làm từ hôm trước).
Người Việt Nam cũng đón Tết Thanh minh ngày mồng 3/3 âm lịch, tuy không kiêng đốt lửa, không ăn món lạnh nhưng vẫn nhóm bếp nấu bánh. Trước kia, hàng năm vào ngày hội đền Hùng (mồng 10/3) hay hội đền Hát Môn (mồng 5/3) tưởng niệm Hai Bà Trưng, nhân dân trong vùng lại làm một mâm bánh trôi lớn đúng 100 viên để dâng lễ. Cúng xong, người ta đặt 50 viên lên bè lá thả xuống sông còn 50 viên khác đưa lên núi để nhắc lại sự tích Lạc Long Quân đem 50 con xuống biển và Âu Cơ dẫn 50 con lên núi. Đĩa bánh trôi có đúng bảy viên, trông như những viên ngọc trắng ngà thơm lựng hương nếp cái, mỗi viên giấu kín một hột đường phên nhỏ tựa như hạt dẻ màu nâu. Còn bánh chay chỉ bày ba viên thật to hình tròn chiếm vừa hết lòng bát, lòng viên bánh trũng sâu xuống. Nhân bánh chay làm bằng đỗ xanh, cùi dừa với vừng trắng được xào kỹ, béo ngậy. Nhìn ba viên bánh chay nằm cạnh nhau nửa chìm nửa nổi trong bát bột đao nấu với đường kính trắng đặc sánh thoang thoảng mùi hương hoa bưởi, không ai có thể dửng dưng! Bao giờ cũng vậy, bánh trôi bảy viên, bánh chay ba viên, cứ thế mà xếp thật đẹp lên đĩa. Các cụ ngày xưa quan niệm rằng: bảy trôi, ba chay là tượng trưng cho “ba hồn bảy vía”.
Nghệ thuật làm bánh trôi, bánh chay tuy đơn giản nhưng cũng thật độc đáo. Bột làm bánh trôi, bánh chay thường là gạo nếp ngon ngâm trước một ngày, xay ép rồi mới đem nặn. Khi luộc, nhớ đúng ba lần chìm bảy lần nổi mới tới độ chín để vớt ra. Có lẽ vì thế mà nữ sĩ Hồ Xuân Hương mới có câu thơ:
Thân em vừa trắng lại vừa tròn
Bảy nổi ba chìm với nước non
Bột bánh trôi được vo viên rồi thả vào nồi nước sôi, bánh chìm xuống đáy nồi rồi nổi lên lượn lờ như đàn cá trắng đuổi nhau dưới mặt nước bốc hơi. Bánh chín, vớt ra xếp đều vào đĩa nhỏ, rưới lên mặt bánh ít nước nguội có pha hương hoa bưởi cho mặt bánh khỏi se lại, chờ đến khi ăn mới gạn bỏ nước đi. Thú nhất là lúc cắn vỡ nhân đường, vị ngọt bỗng sực lên thấm vào chất dẻo ngoài vỏ nhàn nhạt ban đầu khiến người ăn có cảm giác rất ngon lành.
Bánh chay cũng nhào nặn như bánh trôi, cũng luộc chín rồi bày vào bát nhưng bánh chay có thêm đỗ xanh, vừng trắng và bột đao. Hòa đường kính và bột đao vào nước đun sôi cho sánh đặc để nguội, nhỏ thêm tinh dầu hoa bưởi khiến khi ăn thấy mát lạnh như món xôi vò chè đường vậy. Nếu như bánh trôi có vị ngọt sắc đường phên thì bánh chay lại có vị ngọt mát đường kính, cả hai đều đem đến cho người ăn niềm vui thích bất ngờ.
MAI KHÔI