Đào tạo du lịch như một công cụ xóa đói giảm nghèo:
bài học kinh nghiệm ở Việt Nam
Đào tạo du lịch như một công cụ xóa đói giảm nghèo:
bài học kinh nghiệm ở Việt Nam
Chủ nhật, 19/02/2006 | 10:11 GMT+7
Ngày nay, khái niệm “Du lịch bền vững” đã được công nhận vì các khách du lịch, ngành du lịch, các chính quyền địa phương và những người quan tâm lo ngại rằng sự phát triển du lịch một cách bừa bãi sẽ phá hủy chính những nguồn lực mà ban đầu được coi là yếu tố hấp dẫn du khách.
Xuất phát từ những mối lo ngại ấy mà các sản phẩm và các thuật ngữ du lịch như “Du lịch sinh thái” và “Du lịch xanh” ra đời, điều này phản ánh sự chú trọng tới việc kiểm soát một cách bền vững các tác động đối với môi trường của du lịch. Người ta càng nhìn nhận rõ hơn tầm quan trọng của việc xóa nghèo như một điều kiện tiên quyết của phát triển bền vững. Do vậy, các tổ chức phát triển tham gia ngành du lịch đã trở nên tích cực hơn trong việc tập trung vào tiềm năng toàn bộ của du lịch như một công cụ xóa nghèo, trong khi vẫn duy trì được sự cam kết đối với phát triển bền vững và lâu dài.
Những năm gần đây, Chính phủ Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể trong công cuộc xóa đói giảm nghèo. Có thể nhận thấy rõ du lịch đã đóng góp một phần đáng kể cho quá trình xóa đói giảm nghèo tại nhiều địa phương của Việt Nam. Chỉ cần nhìn vào bản đồ về tình trạng nghèo của Việt Nam, ta có thể nhận thấy huyện Sapa nổi bật lên như một ốc đảo phồn thịnh, nhưng hòn đảo ấy lại nằm trơ trọi giữa mênh mông biển nghèo. Tuy vậy, vẫn có nhiều người nghèo sinh sống tại những địa phương có tiềm năng lớn về phát triển du lịch, đó có thể là các khu vực miền núi hoặc ven biển, hay những thành phố lớn và các điểm du lịch khác nữa. Trong khi sự phát triển du lịch tại Việt Nam ngày càng trở nên chín muồi và đa dạng hơn, thì những cơ hội to lớn đối với quy hoạch phát triển du lịch cũng xuất hiện không chỉ nhằm phục vụ nhu cầu ngày càng tăng của thị trường mà còn phát huy tối đa những đóng góp tiềm tàng của du lịch vào công cuộc xóa bỏ đói nghèo của Chính phủ Việt Nam.
Được Chính phủ hết sức quan tâm, các chính sách hỗ trợ giảm nghèo đã được xây dựng và cần được xem xét cả dưới góc độ phát triển du lịch. Sự cam kết và tiến trình thực hiện Chiến lược toàn diện về tăng trưởng và xóa đói giảm nghèo cũng như các mục tiêu thiên niên kỷ của Chính phủ Việt Nam đã mở ra những cơ hội to lớn cho phát triển du lịch toàn diện như một chiến lược hỗ trợ giảm nghèo. Tương tự như vậy, mục tiêu của Chính phủ trong việc “xã hội hóa” du lịch nhằm phân chia rộng rãi lợi ích từ phát triển du lịch và tạo mối liên kết vững chắc với các mục tiêu giảm nghèo. Ngoài ra, tầm quan trọng của mục tiêu giảm nghèo cũng được nhấn mạnh trong Luật Du lịch mới ban hành. Năm 2004, Hội nghị Bộ trưởng các nước châu Á về Du lịch Văn hóa và Giảm nghèo, được tổ chức tại Huế, Việt Nam. Hội nghị đã đưa ra Tuyên bố, theo đó các Bộ trưởng Du lịch nhất trí về mặt đường lối chính sách và các chương trình hành động nhằm giải quyết tình trạng nghèo thông qua du lịch.
Du lịch là điều kiện tốt để giảm nghèo - giảm nghèo là điều kiện tốt cho du lịch.
Qua nghiên cứu kỹ hơn, người ta đã nhận thấy một điều rõ ràng là giữa giảm nghèo và phát triển du lịch chất lượng có tồn tại một mối quan hệ mang tính cộng sinh, và việc kết nối phát triển du lịch với giảm nghèo cần được coi là vấn đề ưu tiên hàng đầu của các cơ quan liên quan đến du lịch.
Đối với Chính phủ: Du lịch không chỉ cung cấp nguồn đầu tư và nguồn thu thuế đáng kể, mà còn là một công cụ phát triển đa dạng và hữu hiệu, đặc biệt hiệu quả về chi phí, có khả năng mang lại những cơ hội phát triển cho những khu vực và bộ phận dân cư trong xã hội thường được coi là khó tiếp cận, mang lại nhiều lợi ích vật chất và phi vật chất.
Đối với người nghèo: Du lịch có thể mở ra nhiều cơ hội tạo thu nhập. Có nhiều cách để người nghèo có thể tham gia vào du lịch: thông qua các doanh nghiệp nhỏ chuyên cung cấp đồ ăn thức uống và hàng thủ công mỹ nghệ; phục vụ văn nghệ - ví dụ như biểu diễn múa hoặc làng nghề truyền thống; cung cấp sản phẩm cho khách sạn và nhà hàng, làm việc tại khách sạn, nhà hàng hoặc các doanh nghiệp lữ hành. Thu nhập từ các hoạt động không chính thống có thể không nhiều nhưng lại là bước đệm quan trọng trong quá trình xóa bỏ đói nghèo, bởi vì một người có việc làm trong ngành du lịch có thể đưa cả gia đình mình thoát khỏi cảnh nghèo. Những lợi ích phi kinh tế như tôn tạo văn hóa và niềm tự hào về cộng đồng nhờ tham gia vào du lịch cũng có thể tạo được những ảnh hưởng tích cực trong việc đưa người dân thoát khỏi cảnh nghèo.
Đối với doanh nghiệp: Hỗ trợ giảm nghèo có thể tạo nên ý thức tốt trong hoạt động kinh doanh, giảm chi phí hoạt động, đa dạng hóa và cải tiến sản phẩm, đáp ứng tốt điều kiện ngày càng tăng của người tiêu dùng. Phần thưởng cho các doanh nghiệp cam kết đào tạo và tuyển dụng người địa phương sẽ chính là những nhân viên trung thành và nhiệt tình công tác. Làm việc chặt chẽ hơn với người dân nghèo địa phương cũng sẽ giúp doanh nghiệp du lịch tạo ra được những sản phẩm và dịch vụ mang đậm hương vị địa phương để cung cấp cho du khách, giúp họ có được những kinh nghiệm đích thực về đời sống sinh hoạt của người dân địa phương.
Đối với du khách: Du lịch tới các vùng nghèo khó đó trở thành xu hướng chủ yếu trong du lịch quốc tế, xu hướng này cũng bao gồm cả sự nhận thức và mối quan tâm của du khách về tác động mà chuyến du lịch của họ mang lại. Ngày nay, du khách thường ưa thích trải nghiệm kinh nghiệm thực tế bằng cách tham gia vào đời sống sinh hoạt của người dân địa phương, và đóng góp tích cực cho những quốc gia và cộng đồng mà họ tới thăm qua chuyến tham quan du lịch của mình. Việc đưa người dân nghèo địa phương tham gia vào du lịch cũng giúp quảng bá các sản phẩm du lịch và kinh nghiệm thực tế, đồng thời tạo ra không khí thoải mái và thái độ tích cực đối với du lịch, cũng như mang lại kinh nghiệm thực tế về mối quan hệ giữa chủ nhà và khách du lịch.
Đào tạo du lịch trong hoạt động giảm nghèo
Với những thuận lợi và cơ hội liên kết hoạt động giảm nghèo với phát triển du lịch, liệu đào tạo du lịch cần phải đáp ứng những gì? Phần tiếp theo là hai ví dụ điển hình nhằm nêu bật những bài học kinh nghiệm và đưa ra những gợi ý để các trường và chương trình đào tạo du lịch có thể giải quyết được những khó khăn, nắm bắt các cơ hội để đạt được mục tiêu xóa đói giảm nghèo.
Ví dụ thứ nhất sẽ mô tả về một trường dạy nghề du lịch hỗ trợ dự án du lịch cộng đồng nhờ sử dụng kiến thức chuyên môn của mình để cung cấp dịch vụ đào tạo chuyên ngành cho cộng đồng nghèo nông thôn. Trường hợp thứ hai là một nhà hàng tổ chức chương trình đào tạo kỹ năng phục vụ ăn uống được xây dựng để đáp ứng nhu cầu của thanh thiếu niên thành thị có hoàn cảnh khó khăn.
Ví dụ 1: Tháng 7 năm 2003, SNV và Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế đã bắt đầu hợp tác hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng tại Thừa Thiên - Huế nhằm hỗ trợ xóa đói giảm nghèo và phát triển nông thôn. Sáng kiến du lịch cộng đồng thôn Dỗi được thiết kế nhằm hỗ trợ các mục tiêu phát triển như mở rộng các cơ hội kinh tế địa phương, tôn tạo các nét văn hóa đang có nguy cơ xuống cấp, và mang lại cho du khách những trải nghiệm thực tế đáng ghi nhớ.
Thôn Dỗi, xã Thượng Lộ nằm trong huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên - Huế, cách TP. Huế khoảng 60km. Thôn Dỗi nằm gọn trong thung lũng với phong cảnh sơn thủy hữu tình, thuộc vùng đệm Vườn quốc gia Bạch Mã. Người dân thôn Dỗi thuộc dân tộc thiểu số Katu. Trước kia họ là những người dân thượng nguồn sông Hương làm du canh trong rừng nguyên sinh. Ngày nay, đa số bà con người Katu vẫn sống trong hoàn cảnh khó khăn, phụ thuộc chủ yếu vào các sản phẩm thu hái trong rừng. Trên phạm vi toàn quốc, số người dân tộc Katu là vào khoảng 37.000 người. Thôn Dỗi có 101 hộ gia đình với 506 người.
Mục tiêu chính của dự án này là sử dụng phát triển du lịch sinh thái cộng đồng để tăng cơ hội tạo thu nhập cho địa phương, hỗ trợ tôn tạo văn hóa, nâng cao nhận thức về sự bền vững trong phát triển du lịch, và tăng cường quản trị địa phương. Dự án này đã thành công trong việc tạo việc làm mới và các cơ hội tạo thu nhập cho một số người nghèo trong huyện, đồng thời mang lại cơ hội một lần nữa thể hiện các truyền thống văn hóa quan trọng của các bài hát, điệu múa và thủ công mỹ nghệ đã từng bị bào mòn vì sức ộp của cảnh sống nghèo khó. Những thành công ban đầu của sáng kiến du lịch cộng đồng thôn Dỗi đó góp phần củng cố mối quan hệ hợp tác hiệu quả và chiến lược. SNV và Sở Du lịch Thừa Thiên - Huế đó làm việc chặt chẽ với cộng đồng địa phương và các cơ quan đối tác khác tại địa phương như Hội Thanh niên, UBND huyện Nam Đông, Công ty Du lịch Đông Kinh và trường Trung học nghiệp vụ Du lịch Huế.
Trường Trung học nghiệp vụ Du lịch Huế hỗ trợ du lịch cộng đồng
Khi bắt đầu dự án, du lịch vẫn còn là khái niệm rất mới đối với người dân Thôn Dỗi; họ chưa hề có kinh nghiệm gì về du lịch. Một điều có thể nhận rõ là để thu hút sự tham gia của đông đảo cộng đồng địa phương và tối đa hóa các lợi ích từ du lịch, cần phải có công tác đào tạo nhất định. Hầu hết các thành viên của cộng đồng mới chỉ hoàn thành một số cấp đào tạo chính quy ở mức thấp, họ cũng rất bận rộn với cuộc sống thường ngày, và mặc dù hết sức mong muốn, họ cũng không có khả năng tham gia bất cứ chương trình đào tạo du lịch chính quy nào. Cần xây dựng chương trình đào tạo đặc biệt, trong đó có tính đến, ngoài các yếu tố khác, là trình độ hiện tại của người dân địa phương có thể tham gia đào tạo về du lịch, các hoạt động du lịch cụ thể mà họ sẽ tham gia, và các nhu cầu sinh kế khác của họ.
Một yếu tố thực tế khác là đào tạo cần tập trung vào đào tạo các kỹ năng chuyên nghiệp giúp người dân địa phương học hỏi các kỹ năng cơ bản cần thiết cho việc tham gia vào du lịch. Đào tạo tính đến tất cả các vấn đề này, cũng như làm thế nào để tối đa hóa kiến thức và kỹ năng truyền thống địa phương, và các nguồn lực sẵn có trong cộng đồng. Các chương trình giảng dạy hiện nay được sửa đổi để tập trung vào các kỹ năng cơ bản và các khái niệm cần thiết, và các kỹ thuật giảng dạy chính quy trên lớp đã được thay thế bằng các cơ hội thảo luận và hoạt động học tập theo nhóm nhiều hơn. Người ta cũng nhận thấy rằng phần lớn công việc đào tạo cần được tiến hành ngay tại cộng đồng vì đa số thành viên không có đủ thời gian hoặc kinh phí để tham gia các khóa học ngoài địa phương. Với sự cải tiến mạnh mẽ, trường Trung cấp Du lịch Huế đã đưa ra một chương trình đào tạo độc đáo và chuyên ngành cho người dân thôn Dỗi, bao gồm:
• Hiểu biết cơ bản về các khái niệm và nguyên tắc trong du lịch
• Tầm quan trọng của phát triển du lịch bền vững và vai trò quan trọng của người dân địa phương trong việc tham gia và hưởng lợi từ phát triển du lịch
• Các kỹ năng tiếp đón du khách
• Chuẩn bị và trình bày thức ăn hợp vệ sinh
• Kỹ năng cơ bản về kinh doanh quy mô nhỏ
Do cơ sở vật chất đào tạo cơ bản tại TP. Huế tương đối tốt, và nhận thấy các thành viên nên được hưởng môi trường đào tạo chính quy hơn đối với một số chủ đề, ví dụ như chuẩn bị thức ăn hợp vệ sinh, trường Trung học nghiệp vụ Du lịch Huế đã thu xếp để các thành viên có thể ở và học tập tại trường. 5 ngày đào tạo đã diễn ra với các bài học có cấu trúc được xây dựng trên cơ sở vừa học vừa thảo luận và tập trung vào việc học theo nhóm.
Cũng cần thiết truyền tải các bài học trên lớp học sang môi trường địa phương, là nơi các thành viên sẽ đưa các bài học này vào ứng dụng trong thực tế. Các giảng viên của Nhà trường đã dành 2 ngày tại thôn Dỗi để đảm bảo các bài học trên lớp được truyền tải một cách hiệu quả và phù hợp với điều kiện của thôn. Một ví dụ về kết quả của phương thức tiếp cận này là sử dụng các thực phẩm, gia vị và đồ phụ gia sẵn có tại địa phương đưa vào công thức chế món ăn để phục vụ du khách.
Chương trình đào tạo cũng áp dụng phương thức đào tạo giảng viên, theo đó các thành viên tham gia đào tạo cũng được hướng dẫn để bản thân họ trở thành các giảng viên, sau này họ sẽ truyền đạt các kinh nghiệm học tập cho các thành viên của cộng đồng quan tâm tham gia vào hoạt động du lịch.
Đào tạo du lịch cộng đồng hỗ trợ xóa đói giảm nghèo
Nhờ chương trình hỗ trợ đào tạo tại chỗ mang tính chất chiến lược này sau một số khóa thực tập, người dân thôn Dỗi đó có thể tiếp đón nhóm du khách đầu tiên trong vòng sáu tháng kể từ ngày dự án bắt đầu. Lợi ích từ chương trình hỗ trợ này đã đem lại vòng quay lợi nhuận nhanh hơn cho những người tham gia dự án. Và kết quả mà thôn Dỗi đã đạt được là:
• Các cơ hội đa dạng về tạo thu nhập tại địa phương cho 58 hộ trong tổng số 110 hộ gia đình trong bản, trong đó phụ nữ và thanh thiếu niên cũng được hưởng lợi từ doanh thu do du lịch mang lại.
• Thị trường mở rộng hơn cho các sản phẩm địa phương: bán mật ong và sản phẩm thủ công có giá trị gia tăng
• Tiết kiệm trong quỹ cộng đồng: các khoản đóng góp và tiết kiệm
• Đóng góp tình nguyện: những đóng góp ngoài tiền như sách, thực phẩm, quần áo phân phát cho các hộ nghèo, không tham gia.
• Tôn tạo văn hóa: các hoạt động văn hóa được khôi phục với sự tham gia của nhiều thế hệ khác nhau, phục vụ cho các mục đích ngoài du lịch.
• Năng lực quản trị địa phương được nâng cao: có sự dân chủ, quá trình ra quyết định dựa trên trưng cầu dân ý được thiết lập.
• Niềm tự hào về địa phương và vốn xã hội tăng lên
Qua đó rút ra những bài học từ kinh nghiệm thực tế như sau:
1. Chương trình đào tạo du lịch tại chỗ của các trường đào tạo từ thành phố có thể hỗ trợ hiệu quả phát triển du lịch tại nông thôn.
2. Các chương trình đào tạo chính quy có thể được sửa đổi để phù hợp với nhu cầu đào tạo cụ thể.
3. Người dân nghèo nông thôn có thể tham gia một cách hiệu quả vào việc đào tạo du lịch.
4. Đào tạo du lịch cấp cộng đồng cần tập trung vào các điểm mạnh và các nguồn lực sẵn có tại địa phương.
5. Sự cân đối giữa giảng dạy trên lớp và hướng dẫn thực tế có thể mang lại hiệu quả. Ví dụ 2: Giảm nghèo thông qua lồng ghép các yếu tố vì người nghèo trong du lịch: KOTO - Trung tâm dạy nghề cho thanh thiếu niên đường phố có hoàn cảnh khó khăn.
KOTO (viết tắt của: Know One - Teach One, có nghĩa là Biết Một - Dạy Một) đã tồn tại được khoảng 5 năm. Trung tâm này đào tạo theo phương thức vừa học vừa làm về dịch vụ và giao hàng, thông qua một nhà hàng nằm tại trung tâm Hà Nội, cho các thanh thiếu niên có hoàn cảnh nghèo khó và thiệt thòi, trẻ lang thang đường phố không nơi nương tựa. Đây là một phương thức hiệu quả nhằm hỗ trợ trực tiếp và có lựa chọn góp phần xóa đói giảm nghèo thông qua đào tạo kỹ năng du lịch. Mặc dù chương trình khá nhỏ, nhưng phương thức tiếp cận có tính phù hợp rất cao. Hiện nay, ở Việt Nam cũng có một số chương trình làm theo chiến lược này, đó là Trường Hoa Sữa và Plan International.
Chương trình đào tạo KOTO được mở cho các đối tượng thanh thiếu niên đường phố có hoàn cảnh khó khăn tuổi từ 16 đến 22. Các học viên được lựa chọn tham dự chương trình dựa vào hoàn cảnh sống của họ. Chương trình được tiến hành trong 18 tháng và mỗi đợt đào tạo 40 học viên. Các học viên học cách nấu ăn hoặc các kỹ năng đứng phục vụ quầy bar, tất cả đều tham dự các lớp tiếng Anh được xây dựng riêng cho ngành dịch vụ nhà hàng, khách sạn.
Chương trình đào tạo KOTO được xây dựng theo nội dung giảng dạy về nhà hàng khách sạn của Box Hill TAFE, Australia, một chương trình được quốc tế công nhận. Giảng dạy trên lớp được tiến hành tại trung tâm KOTO với các lớp học, bếp phục vụ giảng dạy và trung tâm dữ liệu. Các kiến thức lý thuyết được tiếp tục phát triển và củng cố thông qua đào tạo kỹ năng thực tế tại nhà hàng KOTO.
Nếu chỉ riêng việc dạy nghề thì không thể trang bị cho học viên mọi thứ mà họ cần để thành công trong cuộc sống, các học viên KOTO tham gia vào chương trình kỹ năng cuộc sống mới, bao gồm:
• Khóa học chính thức về sức khỏe sinh sản thanh thiếu niên do Tổ chức Dân số thế giới xây dựng và được các nhân viên KOTO tổ chức tại trung tâm.
• Các hoạt động thể thao hàng tuần tại trường Quốc tế Liên hiệp quốc (UNIS) gồm có đá bóng, bóng chuyền, cầu lông, chương trình bơi mùa hè và đi chơi bowling hoặc trượt pa-tanh.
• Các hoạt động xã hội như xem phim, vui chơi công viên, các sự kiện âm nhạc và xem xiếc.
• Chương trình kêu gọi cứu trợ Mùa Đông, qua đó chăn màn và thực phẩm được các học viên và nhân viên của trung tâm KOTO phân phát cho những người có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp lễ giáng sinh hàng năm.
• Các cuộc hội thảo về sức khỏe, nhận thức về quyền lợi, về HIV/AIDS và sơ cứu.
• Các cuộc tham quan và dã ngoại nhằm tăng cường tinh thần đồng đội.
Thông qua các chương trình này và bằng cách lắng nghe học viên và đối xử với họ như những cá nhân có các nhu cầu khác nhau, họ đã xây dựng được lòng tự trọng, tự tin, tinh thần đồng đội, lòng tự hào và cảm giác sống trong gia đình và về sự ổn định. Với lòng tự tin mới có được, với mục đích và các kỹ năng cụ thể đã được thực tập, các học viên KOTO có thể tiếp tục thành công và ổn định công việc của mình trong ngành dịch vụ nhà hàng khách sạn.
Vào cuối chương trình đào tạo, mỗi học viên tham gia vào một chương trình thực tập kéo dài một tháng tại các nhà hàng và khách sạn ở Hà Nội. Đây là một cơ hội để các học viên tiếp tục trau dồi kỹ năng và có được kinh nghiệm làm việc đầu tiên trong ngành tại địa phương. Vào cuối chương trình, nhiều chủ lao động đã có ấn tượng tốt về kỹ năng và sự nhiệt tình công việc của các học viên, và đưa ra những lời đề nghị làm việc chính thức. KOTO nhiệt tình giúp đỡ các học viên tìm được việc làm đầu tiên sau khi kết thúc chương trình đào tạo.
Kết quả khoảng 70 thanh thiếu niên được đào tạo mỗi năm và hầu hết trong số họ tìm được các công việc như giao thực phẩm phục vụ du lịch. Cho tới nay, 100% học viên hoàn thành chương trình đó được tuyển dụng tại các khách sạn và nhà hàng có uy tín với điều kiện làm việc và mức lương tốt. Cho tới thời điểm này, hầu hết các học viên tốt nghiệp chương trình KOTO tiếp tục làm việc trong ngành dịch vụ nhà hàng khách sạn và đều rất thạo nghề.
Từ ví dụ 2 cho thấy:
1. Chương trình đào tạo du lịch tại chỗ của các trường đào tạo từ thành phố có thể hỗ trợ hiệu quả phát triển du lịch tại nông thôn.
2. Các chương trình đào tạo chính quy có thể được sửa đổi để phù hợp với nhu cầu đào tạo cụ thể.
3. Người dân nghèo nông thôn có thể tham gia một cách hiệu quả vào việc đào tạo du lịch.
4. Đào tạo du lịch cấp cộng đồng cần tập trung vào các điểm mạnh và các nguồn lực sẵn có tại địa phương.
Một số kiến nghị
- Đưa chương trình đào tạo du lịch gần với người nghèo hơn. Những rào cản ngăn trở người nghèo tham gia một cách tích cực hơn vào các chương trình đào tạo bao gồm: chi phí và thời gian cần thiết cho việc tham gia, yêu cầu đầu vào của các trường đào tạo chính quy, đôi khi khoảng cách tới các cơ sở đào tạo quá xa. Để thu hút bà con nghèo tham gia nhiều hơn nữa vào du lịch, các chương trình đào tạo cần được xây dựng sao cho phù hợp với khả năng kinh tế và điều kiện sống của người dân địa phương, với cơ sở đào tạo tại chỗ hoặc rất gần với nơi bà con sinh sống. Hai phương pháp tiếp cận có thể gồm xây dựng các chương trình tại chỗ để hỗ trợ đào tạo dựa trên cộng đồng, hoặc các chương trình đào tạo tại trường để giúp người nghèo có cơ hội theo học các trường hoặc các chương trình đào tạo chính quy.
- Dạy nghề và kỹ năng cần dựa vào cả khả năng hiện có của học viên lẫn công việc mà họ sẽ làm. Đào tạo cũng cần phải xây dựng trên cơ sở những điểm mạnh hiện có của các thành viên để tham gia vào du lịch. Các hoạt động như hướng dẫn du lịch tại địa phương, và các hoạt động du lịch văn hóa với các nhóm dân tộc thiểu số cần được tăng cường thông qua đào tạo du lịch. Đào tạo kỹ năng kinh doanh và và quản lý doanh nghiệp cũng đem lại cho người nghèo thêm nhiều cơ hội tham gia vào các hoạt động kinh doanh du lịch và quản lý nguồn thu của mình một cách hiệu quả.
- Tìm kiếm khả năng hợp tác với các trường, tổ chức và chương trình hỗ trợ khác. Có rất nhiều trường, tổ chức và chương trình hoạt động với mục tiêu đem lại cơ hội nâng cao đời sống kinh tế cho người nghèo. Có thể đạt được các mục tiêu này thông qua tăng cường các mối liên kết với ngành du lịch, và các trường/chương trình đào tạo.
Du lịch không chỉ phù hợp với việc giảm nghèo, mà còn là một yếu tố không kém phần quan trọng là phát triển du lịch chất lượng cao và bền vững phụ thuộc rất nhiều vào việc giảm nghèo. Giữa hai khái niệm du lịch và nghèo khó tồn tại một mối quan hệ mang tính cộng sinh, nó đòi hỏi phải được quan tâm và hỗ trợ. Phát triển du lịch cần quan tâm tới việc mang lại cho người nghèo thật nhiều cơ hội tham gia vào phát triển du lịch với tư cách những đối tác, và xem họ như những nguồn vốn quý cần được phát triển.
Một điều có thể nhận thấy rõ nữa là các trường và chương trình đào tạo du lịch có thể đóng vai trò quan trọng trong việc mở rộng các cơ hội cho người nghèo tham gia tích cực hơn nữa vào du lịch cũng như hưởng lợi từ du lịch - và giúp cho ngành du lịch được hưởng lợi ích trọn vẹn nhờ việc tham gia ngày càng tăng của những người nghèo hoặc có hoàn cảnh khó khăn.
NGUYỄN THỊ KIỀU VIỄN &
DOUGLAS HAINSWORTH
SNV Việt Nam