Ong đi tìm hoa
Mùa xuân, người A Lưới rộn ràng theo đàn ong đi lấy mật. Lên A Lưới dịp này, du khách không chỉ cảm nhận được vẻ đẹp của núi rừng trăm hoa đua nở, mà còn gặp cảnh háo nức đi tìm mật của bà con. Giữa trùng điệp núi non và những cánh rừng đầy hoa rực rỡ, nhóm người đi lấy mật như “đàn kiến” vào hội. Lúc ẩn, lúc hiện, sắc màu thổ cẩm dần khuất sau các dãy núi gối lên nhau, được bao phủ bởi biển mây trắng xóa.
Như thông lệ, mùa lấy mật bắt đầu khi những cánh rừng bạt ngàn trăm hoa đua nở, đàn ong bay đi tìm hoa. Mùa mật kéo dài khoảng ba tháng, sau đó vị ngọt của mật loãng dần, đến nhạt thếch là hết mùa. Ở A Lưới, người dân tộc Tà Ôi xã A Roàng, xã Hương Lâm săn mật ong rừng giỏi nhất. Nhiều thế hệ ông, cha của họ đều làm nghề lấy mật ong rừng để sống. Rừng bạt ngàn, song không phải ngọn núi nào cũng có mật ong. Trước đây, mật ong chỉ có trên đỉnh A Linh, A Teng, Um Pup, Among, A Tep… muốn lên, phải mất mấy “con trăng”.
Đi lấy mật có hội, có phường. Sau bữa ăn “thịnh soạn” để bù vào những ngày kham khổ sắp tới, trái với không khí tưng bừng bên những bát rượu “đoác”, cả nhóm âm thầm ra đi. Lúc đặt chân đến cửa rừng, người dẫn đường mới “thì thầm” cho biết sẽ đi đâu. Chẳng biết, đó là luật tục hay để giữ bí mật lộ trình? Mỗi người gùi theo nào gạo, thức ăn khô, thuốc men, mùng mền, cây rựa, dây thừng... Họ đi từng nhóm ba, bốn người để hỗ trợ nhau. Người nào cũng giỏi trèo cây, vì ong mật làm tổ trên cây cao hàng chục mét, có khi phải làm thang dây. Phát hiện tổ ong rồi, đến đêm mới trèo lấy mật, lúc ấy phải gan lì, mặc cho đàn ong đốt, lấy tay rẽ đám ong thợ dạt ra và tìm bắt cho được con ong chúa, sau đó mới lấy mật mang về. Chuyện bị ong đuổi như cơm bữa. Lúc chúng rượt, theo kinh nghiệm, họ treo sẵn chiếc mùng dưới gốc cây, tìm cách thoát xuống thật nhanh và chui vào mùng trốn.
Trên rừng, hai loài ong ruồi và ong mật làm tổ khác nhau. Ong ruồi làm tổ trong hốc cây hay hang đá, mật thơm ngon nhưng lượng mật ít hơn loài ong mật. Trong khi đó, ong mật làm tổ trên cây rất cao nên người dân tộc Tà Ôi gọi chúng là “ong treo”. Chỉ cần may mắn tìm được ba tổ ong mật, chuyến đi ấy trúng đậm, một tổ ong có thể lấy được hai chục lít mật.
Tổ ong mật
Những năm gần đây, lộ trình của người đi lấy mật ong rừng ngày càng dài thêm. Rừng gần bị bọn lâm tặc, bọn tìm vàng khuấy động, đàn ong sợ hãi bay đi, mật ong rừng trở nên khan hiếm. Người ta tìm cách tận dụng những hốc cây hoặc hang đá bịt kín lại, chỉ chừa những lỗ nhỏ, dẫn dụ ong ruồi đến làm tổ. Chờ khi có mật, của ai người ấy biết. Người giàu kinh nghiệm, không bao giờ để lộ hành trình, còn người mới vào nghề thường về tay không!
Người sành sỏi mới phân biệt được loại mật ong thật với mật rởm. Mật ong rừng nguyên chất bổ dưỡng, vừa hiếm vừa đắt. Giá bán mỗi lít vào mùa khai thác gần hai trăm nghìn đồng, cuối mùa giá đắt hơn và khó tìm. Một mùa lấy mật tùy theo may rủi, người được chục lít, người vài trăm lít. Đem về, mật được chiết tách để loại riêng sáp và xác ong, sau đó lọc thật kỹ lần nữa, rồi đựng vào chai thủy tinh. Nếu không tinh khiết, vài ngày sau mật sẽ chua. Mật ong rừng có giá trị dinh dưỡng cao, người dân tộc thích dùng mật ong đánh với lòng đỏ trứng gà, ăn hàng ngày buổi sáng. Người già còn lấy sáp ong ngâm rượu uống dần…
Rồi cũng phải đến lúc mãn mùa. Nhìn lên, rừng cằn cỗi cành khô cành tươi lẫn lộn, hoa dần thưa và rơi rụng. Sang hè, đàn ong “xập xòe” với hoa lần cuối. Người ta lại đợi chờ hoa xuân trên rừng nở rộ, để đàn ong dập dìu tìm hoa hút nhị, mùa mật mới sẽ về, theo dòng chảy thời gian…
Bài và ảnh: Vũ Hào